Tiêu điểm: Nhân Humanity

Ý nghĩa thành ngữ “Khôn ba năm dại một giờ” là gì?

VOH - “Khôn ba năm dại một giờ” là câu thành ngữ ám chỉ những người nhẹ dạ cả tin, dù trước đó họ vô cùng khôn ngoan, cẩn thận.

Dân gian có câu “Khôn ba năm dại một giờ/ Biết vậy dại sớm khỏi chờ ba năm”. Câu ca dao nghe có vẻ dí dỏm, vui tươi, thế nhưng có lẽ bạn chưa biết câu nói “khôn 3 năm dại 1 giờ” vốn là một câu thành ngữ được sử dụng rất thường xuyên trong cuộc sống. Vậy “khôn ba năm dại một giờ” nghĩa là gì, cùng VOH tìm hiểu ngay trong bài viết sau đây.

“Khôn 3 năm dại 1 giờ” là gì?

“Khôn ba năm dại một giờ” là một câu thành ngữ quen thuộc. Câu thành ngữ sử dụng từ ngữ mang ý nghĩa đối lập “khôn” đối với “dại”, “ba năm”  đối với “một giờ” để phản ánh quan hệ tương phản, nhưng lại rất gần gũi và quen thuộc với đời sống con người. Thông qua hình thức đối từ đó, câu thành ngữ còn mang nhiều ý nghĩa sâu sắc.

Ý nghĩa thành ngữ “Khôn ba năm dại một giờ” là gì? 1

Theo Từ điển Tiếng Việt của tác giả Hoàng Phê, “khôn” là có khả năng suy xét để xử sự một cách có lợi, tránh được những việc làm và thái độ không nên có. Còn “dại” là chưa đủ trí khôn, chưa biết suy xét phán đoán.

Trong đời sống hay văn chương, khôn - dại thường đi cùng với nhau. Nói đến khôn - dại là nói đến khả năng, hành vi của con người, nghĩa là ở đâu có con người thì ở đó sẽ có khôn và dại. Như cụ Trần Tế Xương có câu thơ: “Thế sự đua nhau nói dại khôn/ Biết ai là dại biết ai khôn?”.

Ngoài ra, “ba năm” và “một giờ” cũng là một cặp phép đối được sử dụng trong câu thành ngữ, dùng để chỉ về thời gian. Ba năm là một khoảng thời không quá dài, nhưng nếu đem so sánh với một giờ thì lại không hề ngắn. Sự so sánh này cho thấy có một sự chênh lệch rất lớn về thời gian.

Rõ ràng khi đọc câu thành ngữ “khôn ba năm dại một giờ” ai cũng hiểu nghĩa đen đang nói đến một người khôn ngoan trong suốt một thời gian dài (đến tận 3 năm), nhưng lại dại dột chỉ trong 1 giờ ngắn ngủi. Chính sự dại dột nhất thời đã khiến cho mọi cố gắng trong trước đó bỗng trở nên vô nghĩa.

Và nhìn sâu hơn nữa, ông cha ta thật ra đang nhắc nhở người đời sau nên thận trọng trước mọi quyết định trong đời. Bởi mỗi quyết định ta đưa ra, dù lớn hay nhỏ cũng có thể là lối rẽ cho cuộc đời ta.

Xem thêm:
Giải thích ý nghĩa tục ngữ ‘Cái răng cái tóc là gốc con người’
Ý nghĩa câu tục ngữ 'Cá không ăn muối cá ươn/Con cãi cha mẹ trăm đường con hư'
Ý nghĩa câu "Khôn ngoan đối đáp người ngoài; Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau"

“Khôn ba năm dại một giờ” và định kiến dành cho phụ nữ

Trong cuộc sống, ắt hẳn ai cũng có một vài lần trót “dại”. Thế nhưng, câu thành ngữ “khôn ba năm dại một giờ” lại được người xưa ưu ái dành cho người phụ nữ.

Theo đó, câu thành ngữ này được giải nghĩa như sau: Người con gái mặc dù rất khôn khéo, sống biết giữ mình, đặc biệt là sự trong trắng (trinh tiết). Thế nhưng, chỉ vì một vài phút nông nổi, nhẹ dạ cả tin mà họ đã trót trao thân và rồi nhận về cái “kết đắng”. Khi ấy mọi người hay nói với nhau, như câu tục ngữ trên, là cô ấy đã “khôn ba năm dại một giờ”.

Ý nghĩa thành ngữ “Khôn ba năm dại một giờ” là gì? 2

Có thể nói vào thời phong kiến, tiết hạnh chính là tiêu chí để đánh giá phụ nữ. Tất cả phụ nữ đều phải luôn tuân thủ gia phong, lễ giáo và công dung ngôn hạnh đã trở thành khuôn mẫu cho người phụ nữ hoàn hảo.

Chính vì thế, bất cứ một hành động nào làm ô uế phẩm hạnh, chẳng hạn như thất thân hay không chồng mà chửa… đều sẽ bị chê cười, thậm chí là trừng phạt. Biết bao người phụ nữ thời xưa đã phải chịu hình phạt cạo đầu, bôi vôi vì lỡ dại. Trong khi, việc mang thai ngoài ý muốn hay “thất tiết” đâu phải chỉ là lỗi của một người, thế nhưng hậu quả thì chỉ phụ nữ phải gánh chịu.

Ngày nay, quan niệm về trinh tiết người phụ nữ đã có phần cởi mở hơn, thế nhưng đâu đó vẫn có rất nhiều gia đình, rất nhiều người đàn ông xem sự trong trắng của người phụ nữ là thước đo hạnh phúc, khiến cho các chị em luôn mang trong mình nỗi sợ khi đã lỡ thất thân trước hôn nhân.

Vốn sinh ra đã là phái yếu, thiên chức làm mẹ khiến người phụ nữ chịu nhiều thiệt thòi. Ấy vậy mà những định kiến lại giống như chiếc kìm thứ hai làm cho cuộc đời họ gặp nhiều sóng hơn, dù chịu khổ sở và ấm ức vẫn cắn răng chịu đựng.

Ý nghĩa rộng hơn từ câu thành ngữ “khôn ba năm dại một giờ”

Ngày nay, khi sử dụng câu thành ngữ “khôn ba năm dại một giờ” người ta đã không còn bó hẹp nó cho người phụ nữ mà là dành cho tất cả mọi người, những trường hợp bất cẩn, chỉ vì một vài sơ suất nhỏ mà đánh mất đi những cố gắng trước đó của bản thân.

Có rất nhiều câu chuyện trong cuộc sống có thể trở thành dẫn chứng cho câu nói “khôn 3 năm dại 1 giờ”. Ví dụ một người tài giỏi và thành đạt nhưng chỉ vì một phút tin vào lời lừa gạt của người khác mà đánh mất đi sự nghiệp của mình.

Một cô ca sĩ nọ vì quá tự tin với chính mình đã có những phát ngôn “đi vào lòng đất”, tự tay phá nát mọi thiện cảm của khán giả dành cho mình trước đó.

Hay có những người sống hiền lành, sống biết giữ mình, thế nhưng sau khi lên bàn nhậu “chén chú chén anh” dẫn đến hậu quả là những cuộc xô xát xảy ra, đánh nhau, đâm chém… và rất nhiều người trong số ấy đã ra đi mãi mãi.

Ý nghĩa thành ngữ “Khôn ba năm dại một giờ” là gì? 3

Thời gian trôi qua sẽ không trở lại, hành động đã làm cũng không thể rút lại. Vì vậy trước khi làm bất cứ việc gì cũng nên suy nghĩ kỹ càng, thận trọng với chính lời nói và quyết định của mình.

Có những sai lầm chúng ta có thể dùng thời gian bù đắp, nhưng có những chuyện một khi đã làm rồi thì dù thời gian có dài rộng bao nhiêu cũng chẳng thể bù đắp nổi và nó sẽ trở thành nỗi đau mà chúng ta phải mang theo cả đời.

Trên đời này chẳng có “giá mà”, cũng chẳng có “nếu như”, vì vậy điều quan trọng nhất vẫn là phải học cách làm chủ cuộc đời mình.

Nhận định cái nào đúng, cái nào sai, cái nào nên làm, cái không nên là việc không hề dễ, nhưng cũng không có nghĩa là không làm được. Chỉ cần chúng ta biết suy xét tận tường từng khía cạnh của vấn đề trước khi hành động.

Không được khinh suất mà hỏng việc, hỏng cả đời người, giống như câu nói “khôn ba năm dại một giờ” mà tiền nhân đã nói.

Xem thêm:
110 câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ về con người xã hội được sử dụng hằng ngày
775 câu thành ngữ, tục ngữ Việt Nam dạy bạn những bài học đắt giá trong cuộc sống
340 câu ca dao, tục ngữ về đạo đức, lối sống, đạo lý làm người

Những câu ca dao tục ngữ bàn về chuyện khôn - dại

Bàn về chuyện khôn - dại ở đời, ông cha ta đã để lại rất nhiều những câu ca dao, tục ngữ hay và ý nghĩa. Dưới đây là một số câu nói về chuyện khôn chuyện dại được ông cha ta đúc kết ở nhiều khía cạnh cuộc sống.

Nói về thái độ coi trọng người khôn khéo tài giỏi thì có các câu như:

  • Ba năm ở với người ngu,
    Không bằng một tháng giao du người tài.
  • Gỗ lim săng cứng khó bào,
    Người khôn gặp nạn chẳng nao tấm lòng.
  • Con khôn đẹp mặt mẹ cha,
    Nhược bằng con dại nhuốc nha trăm đàng.
  • Hoa thơm ai chẳng muốn đeo,
    Người khôn ai chẳng nâng niu bên mình.
  • Hoa thơm ai chẳng nâng niu,
    Người khôn ai chẳng mến yêu mọi bề.
  • Chim khôn thì khôn cả lông,
    Khôn cả cái lồng, người xách cũng khôn.
  • Ai đâu thương kẻ ngu si,
    Ai đâu thương kẻ nằm lì mà ăn.
  • Con cháu mà dại thì hại ông cha.

Mặc dù coi trọng sự khôn ngoan, khéo léo nhưng ông cha ta vẫn không quên nhắc nhở con cháu đời sau rằng:

  • Ai khôn bằng Tiết Đinh San
    Cũng còn mắc kế nàng Phàn Lê Huê.

Khi nói về chuyện khôn - dại trong cái nhìn châm biếm, mỉa mai lại có những câu sau:

  • Dốt như chuyên tu, ngu như tại chức.
  • Khôn từng xu, ngu bạc vạn.
  • Chó dại có mùa, người dại quanh năm.

Trong tình yêu và hôn nhân, cuộc sống vợ chồng, người xưa cho rằng “khôn - dại” cũng là một trong những yếu tố góp phần xây dựng hạnh phúc gia đình. Do đó mới có những câu như:

  • Chồng khôn vợ đặng đi giày
    Vợ khôn chồng đặng có ngày làm quan.
  • Anh khôn mà lấy vợ đần,
    Lấy ai đưa đón khách gần khách xa.
  • Anh khôn nhưng vợ anh đần,
    Lấy ai lo liệu xa gần cho anh.
  • Nước đường mà đựng chậu thau,
    Cái mâm chữ triện đựng rau thài lài.
  • Tiếc thay da trắng tóc dài,
    Bác mẹ gả bán cho người đần ngu.
  • Rồng vàng tắm nước ao tù,
    Người khôn ở với người ngu nặng mình.
  • Thuyền rồng chở lá mù u,
    Người khôn ở với người ngu bực mình.
Ý nghĩa thành ngữ “Khôn ba năm dại một giờ” là gì? 4
  • Chim khôn ăn trái bù lù,
    Người khôn ở với người ngu bực mình.
  • Con gái khôn lấy nhầm chồng dại,
    Bứt bông hoa lài cặm bãi cứt trâu!
  • Chồng khôn thì nổi cơ đồ,
    Chồng dại luống tốn công phu, nhọc mình.
  • Gái khôn thì chồng con nhờ,
    Gái đần thì đơm đó thả lờ trôi sông.

Ngoài ra, trong văn hóa ứng xử, lời ăn tiếng nói giữa người với người chuyện “khôn - dại” cũng được người xưa nhắc nhở qua những câu ca dao, tục ngữ sau:

  • Chim khôn bớt lông, người khôn bớt lời.
  • Chim khôn tiếc lông, người khôn tiếc lời.
  • Chim khôn vì tiếng, người khôn vì lời.
  • Chó khôn chẳng sủa chỗ không.
  • Giàu tặng của, khôn tặng lời.
  • Giận mất khôn, no mất ngon.
  • Dại bầy hơn khôn độc.
  • Dại làm cột con, khôn làm cột cái.
  • Chim khôn chẳng phụ cây tàn,
    Gái khôn chớ thấy cơ hàn mà vong.
  • Cá khôn chẳng núp bóng dừa,
    Gái khôn chẳng thể lê la nhà người.
  • Chim khôn gìn giữ bộ lông,
    Người khôn khi nói cũng không dậm lời.
  • Chim khôn kêu tiếng rảnh rang,
    Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe.
  • Chim khôn lánh bẫy lánh dò,
    Người khôn lánh chỗ hồ đồ mới khôn.
  • Chim khôn ăn mận ăn đào,
    Gái khôn ăn nói ngọt ngào dễ nghe.
  • Chim ngu ăn khế ăn me,
    Gái ngu mở miệng chua lè mắm thiu.
  • Chim khôn chưa bắt đà bay,
    Người khôn chưa nắm cổ tay đà cười.
  • Chim khôn chưa bắt đà bay,
    Người khôn chưa nói dang tay đỡ lời.
  • Chim khôn chưa bắt đã bay,
    Người khôn ít nói ít hay trả lời.
  • Dại nhà khôn chợ mới ngoan,
    Khôn nhà dại chợ thế gian chê cười.
  • Chó ngu sủa mặt trăng,
    Người ngu hát ngày mùa.
  • Ai làm cái phận tôi nghèo,
    Kém ăn kém nói, kém phần khôn ngoan.
  • Bởi chưng chẳng có bạc vàng,
    Cho nên em phải nhường khôn cho người.
  • Giàu thì nói một khôn mười,
    Khó thì nói chẳng được lời nào khôn.
  • Bởi nghèo chịu chữ ngu si,
    Phải chi có của, lựa gì thua ai.
  • Tôi nghèo tôi mới ngu si,
    Tôi giàu tôi có thua gì vĩ nhân!
  • Em khôn cũng là em chị,
    Chị dại cũng là chị em.
  • Ham giàu mà lấy đứa ngu,
    Của ăn hay hết, đứa ngu hãy còn.
  • Ngu si cũng thể chồng ta,
    Dẫu rằng khôn khéo cũng ra chồng người.
  • Củi mục khó đun,
    Chồng lành dễ khiến,
    Chồng khôn khó chiều.
  • Bạn vàng sánh với bạn vàng,
    Ngu si dẹp lại, một đàn ngu si.
  • Con cá không cắn câu, bảo rằng con cá dại,
    Vác cần về rồi, nghĩ lại con cá khôn.
  • Con còng dại lắm em ơi,
    Uổng công xe cát, sóng dồi lại tan.
  • Khôn nhà dại chợ.

Bàn về chuyện khôn - dại thì nói không xiết chuyện. Từ xưa đến nay, thiên hạ vẫn khen nhau khôn, chê nhau dại trong mọi hoạt động, hành vi ứng xử của con người, “khôn ba năm dại một giờ” cũng chỉ là một trong những câu nói điển hình trong số đó. Tuy vậy, mỗi câu ca dao, tục ngữ hay thành ngữ được dân gian lưu truyền luôn ẩn chứa những thông điệp sâu sắc, ý nghĩa mà người xưa đã gửi gắm trong từng con chữ.

Đừng quên cập nhật liên tục những bài viết mới nhất, hấp dẫn nhất tại VOH Sống đẹp.

Bình luận