Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Giải thích ý nghĩa thành ngữ “Khôn nhà dại chợ”

VOH - “Khôn nhà dại chợ” là gì mà thường được người xưa dùng để nhắc nhở cách dạy dỗ con cháu hoặc phê phán người không biết cách ứng xử trong cuộc sống?

Xưa nay, chúng ta vẫn thường dùng khôn - dại để đánh giá khả năng, hành vi ứng xử của một người. Dựa vào kinh nghiệm sống phong phú, ông cha ta đã đúc kết ra rất nhiều bài học giá trị về vấn đề này. Cùng VOH tìm hiểu một trong những bài học ấy thông qua việc giải thích ý nghĩa câu thành ngữ “Khôn nhà dại chợ” vô cùng quen thuộc.

“Khôn nhà dại chợ” là gì, có nghĩa gì?

“Khôn nhà dại chợ” được chia thành hai vế đối lập là “khôn nhà” và “dại chợ”. Trong đó, “khôn” đối lập với “dại”, “nhà” (chỉ phạm vi hẹp) đối lập với “chợ” (phạm vi rộng hơn, các mối quan hệ bên ngoài gia đình).

Thông qua câu thành ngữ ngắn gọn, dễ hiểu này, người xưa vừa thể hiện quan điểm vừa nhắn nhủ, nhắc nhở bản thân cũng như mọi người về cách ứng xử. Để hiểu được hết ý nghĩa của “Khôn nhà dại chợ”, chúng ta cùng đi giải thích thế nào là “khôn”, thế nào là “dại”.

Giải thích ý nghĩa thành ngữ “Khôn nhà dại chợ” 1
“Khôn nhà dại chợ” chỉ cách cư xử đối lập nhau của một người trong mối quan hệ với gia đình và mối quan hệ với xã hội - Ảnh: iStockPhoto

Theo Từ điển Tiếng Việt của Viện ngôn ngữ học - Hoàng Phê chủ biên, ta có:

  • Khôn: là tính từ chỉ việc có khả năng suy xét để xử sự, ứng xử một cách có lợi nhất đồng thời tránh được những việc làm, những thái độ không nên có.
  • Dại: là tính từ có ý nghĩa trái ngược với khôn, dùng để chỉ người chưa có đủ trí khôn, chưa biết suy xét, phán đoán để ứng phó với hoàn cảnh cũng như tránh những hành động, thái độ không đúng.

Như vậy, câu thành ngữ “Khôn nhà dại chợ” chỉ hai trạng thái khác biệt của một người. Khi ở nhà, khi đối mặt với người nhà thì khôn ngoan, sắc sảo, biết cách ăn nói, cư xử hợp lý, đúng đắn nhưng ra ngoài xã hội, đối với người ngoài thì dại dột, dễ bị bắt nạt, bị lừa phỉnh.

Bên cạnh đó, người xưa cũng nói “Khôn nhà dại chợ” để miêu tả những người cư xử khôn lỏi, ranh mãnh, giành giật lợi ích với người nhà nhưng với người ngoài lại nhún nhường, bỏ qua, chịu thua thiệt, khúm núm.

Dù với ý nghĩa nào thì thành ngữ “Khôn nhà dại chợ” cũng được người Việt dùng để chê hoặc nhắc nhở những người không biết ứng xử trong các mối quan hệ. “Khôn với vợ, dại với anh em”,  “Ở nhà thì khôn, ra ngoài thì dại” hay “Dại nhà khôn chợ mới ngoan/Khôn nhà dại chợ thế gian chê cười” là những câu thành ngữ, tục ngữ, ca dao có ý nghĩa tương tự, bạn có thể tham khảo.

Xem thêm:
Giải thích ý nghĩa câu tục ngữ ‘Con dại cái mang’ nói về điều gì?
Giải thích ý nghĩa tục ngữ “Người khôn nói ít nghe nhiều” khuyên điều gì?
Giải thích ý nghĩa câu ca dao ‘Chim khôn kêu tiếng rảnh rang/Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe’

Thành ngữ “Khôn nhà dại chợ” và bài học về cách ứng xử

Khôn - dại thường được dùng để khen - chê một cá nhân nào đó nhưng với “Khôn nhà dại chợ” phải đặt vào tình huống cụ thể thì chúng mới có thể đánh giá được vấn đề. Ví như với người ở nhà thì lấn lướt, bắt nạt, thị uy người thân nhưng ra ngoài thì khúm núm, bảo gì nghe nấy, không có lập trường… thì cần phê phán. Với người đối xử tốt với người thân, bạn bè, làng xóm, ra ngoài tỏ ra ngờ nghệch một chút (vì lý do nào đó) chưa hẳn đã là xấu.

Ngày nay, khi chúng ta phải đối mặt với những lối sống xấu xí như sống hai lòng, sống giả tạo hay sự ganh ghét, đố kỵ thì việc định nghĩa ai khôn, ai dại, thế nào là khôn, thế nào là dại quả thực không đơn giản. Cho nên, điều mà mỗi người cần ghi nhớ sau khi đọc câu thành ngữ này có lẽ là phải biết cách ứng xử khéo léo, linh hoạt trong các tình huống khác nhau.

Với các mối quan hệ ngoài xã hội, không nên sợ hãi, e dè mà phải tiếp xúc, cọ xát nhiều hơn. Với người thân, gia đình, bạn bè… cũng phải cư xử đàng hoàng, biết trước biết sau, có lễ nghĩa.

Giải thích ý nghĩa thành ngữ “Khôn nhà dại chợ” 2
Con người phải học cách ứng xử phù hợp với tình huống, học cách phán đoán, suy xét để tránh những hành động, thái độ không đúng - Ảnh: Shutterstock

“Khôn nhà dại chợ” hay  “dại nhà khôn chợ” đều có hai mặt. Điều quan trọng hơn cả là sống tử tế, cư xử đúng mực, tôn trọng truyền thống đạo lý, tôn trọng giá trị tốt đẹp của dân tộc. Đồng thời, không lợi dụng cái khôn, cái dại của bản thân hay người khác để toan tính, làm những việc trái với luân thường đạo lý. Đây cũng là lời nhắc nhở các bậc phụ huynh phải chú ý giáo dục con cái của mình.

Xem thêm:
340 câu ca dao, tục ngữ về đạo đức, lối sống, đạo lý làm người
40+ câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ về lời nói, lối ứng xử trong giao tiếp hằng ngày
58 câu ca dao tục ngữ thành ngữ về giáo dục dạy dỗ con cái

Thành ngữ, tục ngữ, ca dao về khôn - dại

Khôn và dại là một trong những chủ để được bàn đến nhiều nhất trong ca dao, tục ngữ - thành ngữ Việt Nam. Vì vậy, ngoài câu “Khôn nhà dại chợ”, ông cha ta còn để lại vô số kinh nghiệm sống cùng những bài học giá trị khác. 

  1. Khôn với vợ, dại với anh em
  2. Đa mưu túc kế
  3. Điều dại điều khôn
  4. Khôn ăn cái, dại húp nước
  5. Khôn ngoan cho lắm thì oan trái nhiều
  6. Cáo già không ăn hàng xóm
  7. Cau già dao sắc
  8. Đua khéo đua khôn
  9. Đẻ sau khôn trước
  10. Cầm đèn chạy trước ô tô
  11. Gà khôn giấu đầu, chim khôn giấu mỏ
  12. Chim khôn ai nỡ bắn, người khôn ai nỡ nói nặng
  13. Đi một quãng đàng, học một sàng khôn
  14. Chim khôn tìm chỗ mà đậu
  15. Gái khôn sưởi lửa, trai khôn sưởi đèn
  16. Chim khôn kêu tiếng rảnh rang
  17. Chim khôn lựa cành đậu, người khôn lựa chúa thờ
  18. Chim khôn mắc phải lưới hồng
  19. Chim khôn tránh bẫy, người khôn tránh lời
  20. Chồng khôn vợ ngoan, chồng quan vợ bợm
  21. Chồng đần dễ khiến, chồng khôn khó chiều
  22. Chuột khôn có mèo hay
  23. Có của thì khôn như rái, không của thì dại như vích
  24. Con cái khôn ngoan, vẻ vang cha mẹ
  25. Con khôn không lo con khó, con dại có cũng như không
  26. Hoa thơm ai chẳng nâng niu, người khôn ai chẳng kính yêu mọi bề
  27. Dại bầy còn hơn khôn độc
  28. Giàu lái buôn, khôn thằng dốt
  29. Giàu tặng của, khôn tặng lời
  30. Học khôn đến chết, học nết đến già
  31. Vợ khôn ngoan làm quan cho chồng
  32. Hết khôn dồn ra dại
  33. Giả dại giả ngây
  34. Khôn làm cột cái, dại làm cột con
  35. Đẻ sau khôn trước
  36. Khôn nên quan, gian nên giàu
  37. Người khôn của khó
Giải thích ý nghĩa thành ngữ “Khôn nhà dại chợ” 3
Kho tàng ca dao, tục ngữ - thành ngữ Việt có nhiều câu nói bàn về khôn và dại ở đời - Ảnh: Internet
  1. Khôn dại tại tâm

Hay giận âm thầm là người ích kỷ.

  1. Khôn khéo lấy miệng mà sai,

Vụng dại lấy vai mà đỡ.

  1. Người khôn đón trước rào sau

Khiến cho người dại biết đâu mà dò.

  1. Khôn ba năm dại chỉ một giờ

Làm chi để tiếng hững hờ chê bai.

  1. Khôn chẳng có tiền khôn ấy dại

Dại có uy quyền ấy dại khôn.

  1. Đã lòng đùm bọc yêu vì

Thì anh đắp điếm muôn bề dại khôn.

  1. Người khôn thì lại chóng già

Người dại luẩn quẩn vào ra tối ngày.

  1. Chuột khôn cũng thể chuột nhà

Dầu khôn dầu dại cũng là chồng em.

  1. Giàu thì nói một khôn mười

Khó thì nói chẳng được lời nào khôn.

  1. Áo dài chẳng nệ quần thưa

Trai khôn chẳng nệ vợ thừa thế gian.

  1. Người đời ai có dại chi

Khúc sông rộng hẹp phải tùy khúc sông.

  1. Bù đầu giả dại làm ngây

Khôn kia dễ bán dại này mà ăn.

  1. Thấp cơ thua trí đàn bà

Đi về gánh nước quét nhà cho xong.

  1. Làm người trông rộng nghe xa

Biết luận biết lí mới là người khôn.

  1. Thử chuông cho biết chuông ngân

Thử bạn đôi lần cho biết dại khôn.

  1. Người khôn nghĩ ngợi, âu lo

Người dại thì chỉ ăn no lại nằm.

Ý nghĩa của câu thành ngữ “Khôn nhà dại chợ” khá dễ hiểu và bản thân câu nói này cũng được sử dụng phổ biến trong xã hội ngày nay. Nó chỉ một hiện tượng, một trạng thái đối lập trong cách cư xử của con người với người trong gia đình và người ngoài xã hội để nhắc nhở việc dạy dỗ, phê phán hành vi không đúng mực. Qua phần giải thích ở trên, hy vọng bạn đã hiểu và rút ra được bài học cho bản thân mình.

Đừng quên theo dõi chuyên mục Sống đẹp của VOH để khám phá thêm nhiều kiến thức thú vị và bổ ích nhé!

Bình luận