Giải thích ý nghĩa thành ngữ ‘Nuôi ong tay áo’ nói đến điều gì?

(VOH) - Thành ngữ Việt Nam có rất nhiều câu nói phê phán những kẻ xấu phản phúc, luôn lợi dụng và rắp tâm hãm hại người khác. Trong số đó phải kể đến câu thành ngữ quen thuộc ‘nuôi ong tay áo’.

Câu thành ngữ “Nuôi ong tay áo” thường bị mọi người hiểu nhầm rằng nuôi ong trong tay áo, nhưng ai lại dại dột mà nuôi ong trong áo để bị đốt chích bao giờ. Vậy nuôi ong tay áo là gì? Bài viết dưới đây sẽ lý giải ý nghĩa của câu thành ngữ này.

1. Nuôi ong tay áo là gì?

Trong câu thành ngữ trên, “ong tay áo” là cách gọi nhân gian (dựa vào đặc điểm hình dáng của tổ ong để gọi tên) chỉ một loài ong đen hay làm tổ trên cành cây, tổ ong của loài ong này xệ xuống giống như ống tay áo, mà tay áo của người dân ngày xưa thường may rộng thùng thình chứ không gọn gàng như bây giờ. Vì vậy, người ta gọi loài ong đen là ong tay áo vì cái tổ của chúng giống tay áo của người xưa.

Theo quan niệm dân gian, loài ong đen thường mang điềm xấu, tai họa giống như loài quạ đen. Để tránh xui rủi nên người dân thường đốt khói đuổi loài ong này. Chúng khác với loài ong vàng có tổ giống như hình đài sen tỏa ra rất đẹp, được cho là đem lại may mắn nên không bị xua đuổi. 

Tìm hiểu ý nghĩa câu thành ngữ ‘nuôi ong tay áo’ 1

Câu thành ngữ “nuôi ong tay áo” không được hiểu theo ý nghĩa nuôi ong ở trong tay áo, vì đây việc chưa từng xảy ra và cũng không thể làm được. Giả sử bạn có thể cho ong vào trong tay áo thì bạn cũng sẽ bị ong đốt ngay lập tức, chứ phải là “sẽ có lúc bị đốt”. 

Thực tế, câu thành ngữ này mang ý nghĩa ẩn dụ cho việc nuôi những kẻ xấu, kẻ phản phúc trong nhà có ngày sẽ gặp họa. Đây là câu nói nhắc nhở chúng ta phải cẩn thận trước những kẻ xấu, tránh đặt niềm tin vào nhầm người để rồi họ sẽ gây hại tới chính bản thân, thậm chí là những người xung quanh.

Xem thêm: Ghi nhớ 3 bài học quý giá đúc kết từ câu tục ngữ ‘Con giun xéo lắm cũng quằn’

2. Những biến thể của câu thành ngữ nuôi ong tay áo

Câu thành ngữ “nuôi ong tay áo” ám chỉ việc nuôi dưỡng kẻ xấu, rắp tâm hãm hại mình và những người thân xung quanh nhưng mình lại không biết. Để nhấn mạnh điều đó, cuộc sống còn rất nhiều câu nói khác mang ý nghĩa tương tự, thậm chí còn có phần nghiêm trọng hơn. 

2.1 Nuôi ong tay áo, nuôi khỉ dòm nhà

Tương tự như “nuôi ong tay áo”, “nuôi khỉ dòm nhà” cũng ẩn dụ cho việc nuôi những kẻ xấu làm hại gia chủ. Câu nói này bắt từ một câu chuyện dân gian kể về một gia đình nuôi khỉ trong nhà. Khỉ là con vật thông minh và thường bắt chước hành động của người khác. 

Một hôm đôi vợ chồng luộc con gà ăn, khỉ thấy được bèn học động tác ấy. Hôm sau khi đôi vợ chồng đi làm, con khỉ ở nhà liền bắt chước chủ đun nước sôi và bắt đứa bé con của đôi vợ chồng bỏ vào nồi giống gà, làm thiệt mạng đứa trẻ ấy. Từ câu chuyện đó, về sau không ai còn nuôi khỉ trong nhà nữa vì sợ nó bắt chước người lớn làm bậy. 

Tìm hiểu ý nghĩa câu thành ngữ ‘nuôi ong tay áo’ 2

Câu thành ngữ “nuôi khỉ dòm nhà” có thể sẽ mang ý nghĩa nặng nề hơn so với câu “nuôi ong tay áo” bởi câu chuyện bắt nguồn của nó mang màu sắc bi thương. Có thể hiểu rằng “nuôi khỉ dòm nhà” là nuôi những kẻ thiếu hiểu biết, thiếu trí tuệ, không biết rõ tốt xấu, lợi hay hại mà gây họa cho gia chủ.

2.2 Nuôi ong tay áo, nuôi cáo trong nhà

“Nuôi ong tay áo, nuôi cáo trong nhà” hay “nuôi cáo chuồng gà” nhằm chỉ việc giúp đỡ, tạo điều kiện cho người xấu phản chủ, rắp tâm hãm hại gia đình.

Câu thành ngữ trên như một lời cảnh báo nhắc nhở ta phải cẩn trọng trước người ngoài, đừng vì lòng thương mà ra tay giúp đỡ người khác và bị họ lợi dụng, âm mưu hãm hại. 

2.3 Nuôi ong tay áo, nhờ cáo trông gà

Cùng mang nghĩa là “giúp” kẻ xấu hãm hại, gây họa cho bản thân và gia đình, câu thành ngữ “nuôi ong tay áo, nhờ cáo trông gà” lại có phần nghiêm trọng hơn rất nhiều. 

“Nhờ cáo trông gà” giống như việc ai đó lợi dụng chức vụ, quyền lực để thực hiện những hành vi xấu xa của mình nhưng người ngoài vẫn nghĩ họ làm việc tốt, việc thiện.

Xem thêm: Thành ngữ 'qua cầu rút ván' và ý nghĩa ẩn giấu bên trong

Tìm hiểu ý nghĩa câu thành ngữ ‘nuôi ong tay áo’ 3

Trong cuộc sống có rất nhiều trường hợp “nhờ cáo trông gà” xảy ra, cụ thể như vụ thầy hiệu trưởng được nhà nước giao trách nhiệm quản lý một trường học và được người dân tin cậy vô cùng. Nhiều gia đình đã gửi gắm con mình tại trường học nhưng họ không hề biết rằng thầy hiệu trưởng đó lại luôn giở trò đồi bại với các học sinh. Đây chẳng phải là “nhờ cáo trông gà” hay sao. 

Nếu như “nuôi ong tay áo” thể hiện việc tin tưởng sai người và bị người khác lợi dụng gây hại thì “nhờ cáo trông gà” còn là sự nguy hiểm đạt đức mức độ vô cùng nghiêm trọng cần được mọi người lưu ý và đề phòng. 

Xem thêm: Bài học rút ra từ tục ngữ "Ngựa chạy có bầy" nhắc nhở ta điều gì quan trọng

3. Những câu thành ngữ, tục ngữ đồng nghĩa với “nuôi ong tay áo”

Kho tàng ca dao tục ngữ Việt Nam còn nhiều câu nói thể hiện ý nghĩa “nuôi ong tay áo”, phản ánh và phê phán những kẻ xấu phản chủ, luôn rắp tâm hãm hại người khác. 

Tìm hiểu ý nghĩa câu thành ngữ ‘nuôi ong tay áo’ 4
  1. Nuôi khỉ dòm nhà 
  2. Nuôi cáo trong nhà
  3. Nuôi hùm để họa
  4. Nuôi cò, cò mổ mắt
  5. Nuôi cắt, cắt đánh đầu
  6. Giao trứng cho ác
  7. Rước voi về giày mả tổ
  8. Gà nhà bới bếp nhà
  9. Áp rắn vào ngực
  10. Rắn đến nhà không đánh thành quái
  11. Nhờ chuột coi kho
  12. Dùng sói chăn dê
  13. Ăn cháo đá bát
  14. Ăn cây táo rào cây sung
  15. Ăn mật trả gừng
  16. Cõng rắn cắn gà nhà
  17. Qua cầu rút ván
  18. Vắt chanh bỏ vỏ

Xem thêm: Tổng hợp ca dao, tục ngữ, thành ngữ về sự phản bội càng đọc càng thấm thía

Có thể nói, câu thành ngữ “nuôi ong tay áo” giống như một lời cảnh báo tới mọi người rằng cuộc sống luôn hiện hữu nhiều kẻ gian kẻ ác và họ luôn lợi dụng niềm tin, lòng thương của chúng ta để hãm hại, gây họa. Vì vậy bản thân luôn phải đề cao cảnh giác, đừng vì tình cảm mà đánh mất lý trí, đừng vì niềm tin mà mù quáng để rồi nhận lại hậu quả đáng tiếc.

Sưu tầm
Nguồn ảnh: Internet