Người Việt xưa thường mượn sự vật để thể hiện cảm xúc, tâm tư, tình cảm của mình. Điều này được thể hiện rất rõ trong thành ngữ, tục ngữ. “Mở cờ trong bụng” chính là một ví dụ điển hình. Hãy cùng VOH tìm hiểu câu thành ngữ này qua bài viết sau.
Ý nghĩa của thành ngữ “Mở cờ trong bụng” là gì?
Thành ngữ “Mở cờ trong bụng” hay “Như mở cờ trong bụng”, “Bụng như mở cờ” thể hiện cảm xúc, tâm trạng của con người trước một sự việc nào đó.
Cụ thể, “mở cờ” là động từ chỉ trạng thái hết sức mừng rỡ, vui sướng, hân hoan, phấn khởi. Cho nên, trong cuộc sống hàng ngày chúng ta vẫn thường nói vui hoặc mừng như mở cờ trong bụng.
Về cách nói “Mở cờ trong bụng”, trong tâm thức của người Việt “bụng” biểu trưng cho tấm lòng, tâm tư, tình cảm, những điều thầm kín, thuộc phạm trù tinh thần. Vì vậy, trạng thái vui sướng ở đây không thể hiện quá nhiều ra bên ngoài cũng không phô trương.
Một số câu thành ngữ như “Ghi lòng tạc dạ”, “Sống để dạ, chết mang đi”, “Suy bụng ta ra bụng người”, “Bụng làm dạ chịu”… chính là dùng cách biểu đạt tương tự. “Mở cờ trong bụng” cũng không phải là câu thành ngữ duy nhất mượn các bộ phận trên cơ thể (lòng, dạ, ruột, gan…) để biểu đạt tình cảm, tấm lòng, ý chí… của con người.
Tóm lại, ý nghĩa của thành ngữ “Mở cờ trong bụng” hay câu nói mừng như mở cờ trong bụng là muốn miêu tả cảm xúc sung sướng, hân hoan ở trong lòng trước một sự việc, hiện tượng, sự kiện nào đó.
Xem thêm:
30 tục ngữ thành ngữ nói về sự may mắn trong cuộc sống
Sưu tầm 55 câu ca dao tục ngữ nói về hạnh phúc trong cuộc sống
22 câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ nói về tinh thần lạc quan yêu đời
Bài học từ thành ngữ “Mở cờ trong bụng”
Vui sướng là cảm xúc tự nhiên và lành mạnh. Nguồn năng lượng này có khả năng củng cố niềm tin, tiếp thêm động lực trong cuộc sống. Song từ ý nghĩa của câu thành ngữ “Mở cờ trong bụng”, chúng ta cũng nên chú ý hai vấn đề nho nhỏ.
Bộc lộ cảm xúc một cách phù hợp
Chia sẻ niềm vui sướng, sự hân hoan, phấn khởi là một cách lan tỏa nguồn năng lượng tích cực với mọi người. Tuy nhiên, bạn cũng nên học cách điều chỉnh cảm xúc, bộc lộc mọi thứ một cách phù hợp ở những tình huống khác nhau.
Không nên khoe khoang, phô trương vì hành động này có thể khiến người khác ghen tị, đố kỵ. Trong câu thành ngữ “Mở cờ trong bụng”, sự mừng rỡ cũng được ông cha ta mô tả ở “trong bụng”, trong lòng chứ không phô bày ra bên ngoài.
Không “ngủ quên” trong niềm vui
Niềm vui sướng có thể khiến con người quên mất những khó khăn, thử thách trong cuộc sống. Vì vậy, mỗi người cần tự nhắc nhở bản thân tỉnh táo, không quên trách nhiệm, giữ vững tinh thần, tránh lơ là.
Thành ngữ, tục ngữ, đồng nghĩa “Mở cờ trong bụng”
Đọc thành ngữ, tục ngữ Việt Nam, chúng ta cũng có thể tìm thấy một vài câu nói được dùng để chỉ trạng thái vô cùng vui sướng, mừng rỡ, phấn khởi của con người. Chúng được xem là những câu thành ngữ, tục ngữ đồng nghĩa với “Mở cờ trong bụng”.
1. Hả lòng hả dạ/Mát lòng mát dạ/Vui lòng hả dạ: vui sướng, hả hê vì được thỏa mãn mong mỏi, ý nguyện.
2. Múa tay trong bị/Vỗ tay trong bị: vui sướng trước thất bại của người khác nhưng cố gắng giấu kín, không để lộ ra bên ngoài.
3. Chim sổ lồng, gà sổng chuồng: vui sướng vì thoát khỏi vòng tù túng, được tự do.
4. Như bắt được vàng/Hí hửng như bắt được vàng: mừng rỡ, hớn hở, sung sướng quá mức.
5. No lòng mát ruột: hả hê, sung sướng.
6. Nở gan nở ruột/Nở mặt nở mày/Nở ruột nở gan: sung sướng, hả hê, thỏa mãn ở trong lòng.
7. Tay bắt mặt mừng: gặp gỡ vui mừng, hân hoan.
8. Cá rô gặp mưa rào: mừng rỡ khi gặp cơ hội, thời cơ thuận lợi.
Xem thêm:
40 câu ca dao, thành ngữ, tục ngữ nói về ước mơ của con người
50 câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ nói về sự giả tạo, lời nói dối
100 câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ về luật nhân quả cảnh tỉnh con người
“Bụng”, “dạ” con người trong thành ngữ, tục ngữ
Như đã nói, người Việt xưa thường mượn các bộ phận ruột, gan, bụng, lòng… để biểu thị tâm tư, tình cảm, tấm lòng. Đây cũng là nơi chứa đựng những thứ thuộc phạm trù tinh thần.
Ngoài câu thành ngữ “Mở cờ trong bụng”, chúng ta có thể tìm hiểu cách nói này này thông qua những ví dụ sau.
1. Miệng nam mô, bụng bồ dao găm
2. Mọc lông trong bụng
3. Bụng bảo dạ
4. Bụng để ngoài da
5. Bụng làm dạ chịu
6. Ôm rơm nặng bụng
7. Dạ sâu hơn biển, bụng kín hơn buồng
8. Sống để bụng, chết mang theo
9. Suy bụng ta ra bụng người
10. Thắt lưng buộc bụng
11. Đi guốc trong bụng
12. Miệng nam mô, bụng bồ dao găm
13. Miệng nói hiền nhưng lòng ác độc
14. Miệng thơn thớt, dạ ớt ngâm
15. Một lòng một dạ
16. Nhẹ dạ cả tin
17. Dạ cá lòng chim
18. Sống để dạ, chết mang đi
19. Sung ngái một lòng, bưởi bòng một dạ
20. Tạc dạ ghi lòng
21. Gan vàng dạ sắt
22. Ghi lòng tạc dạ
23. Thành đá không bằng dạ người
24. Thay lòng đổi dạ
25. Hết lòng hết dạ
26. Trẻ người non dạ
28. Rối ruột rối gan
29. Mặt sứa gan lim
30. Ruột để ngoài da/Ruột ngựa phổi bò
31. Lòng vả cũng như lòng sung
32. Lòng lang dạ sói
“Mở cờ trong bụng” chỉ trạng thái rất vui sướng, phấn khởi của con người trước một sự việc nào đó. Cách thể hiện cũng tương đối ý nhị, không bị phô trương. Hy vọng, với phần giải thích của VOH Sống đẹp, bạn có thể hiểu được ý nghĩa câu thành ngữ quen thuộc này.