Giải thích thành ngữ “Mật ngọt chết ruồi” nghĩa là gì?

VOH - Câu thành ngữ “Mật ngọt chết ruồi” là một lời nhắc nhở chúng ta nên cẩn thận trước những cái "bẫy ngọt ngào" trong cuộc sống.

Trong bài viết này, hãy cùng VOH tìm hiểu ý nghĩa câu thành ngữ “Mật ngọt chết ruồi” để khám phá những bài học nhân sinh mà người xưa răn dạy.

"Mật ngọt chết ruồi" là gì?

Kho tàng thành ngữ, tục ngữ Việt Nam vô cùng phong phú, đa dạng. Bằng những hình ảnh sự vật xuất hiện trong đời sống hằng ngày, ông cha ta cũng vô cùng khéo léo gửi gắm nhiều bài học sâu sắc. Từ hình ảnh “con ruồi” bình dị, gần gũi, người xưa muốn răn dạy bài học gì qua câu thành ngữ “Mật ngọt chết ruồi”?

Giải thích thành ngữ “Mật ngọt chết ruồi” nghĩa là gì? 1

Theo Từ điển Thành ngữ và Tục ngữ Việt Nam của Nguyễn Lân, “Mật ngọt chết ruồi” chính là bề ngoài ngọt ngào, quyến rũ lừa người ta vào cạm bẫy, chớ nên tin vào sự ngọt ngào mà giả tạo.

Nghĩa đen câu này rất cụ thể. Khi ta đổ mật vào một chiếc đĩa, một lúc sau sẽ xuất hiện đàn ruồi bâu quanh. Ruồi vốn ham mê chất ngọt nhưng lại không để ý rằng mật là chất dính, có thể làm cho chúng bị chết chìm giữa đĩa mật. Khi đã thưởng thức hết vị ngon của sự ngọt ngào, chúng lại phát hiện ra sự thật cay đắng rằng mình đã không thể ra ngoài nữa. Đĩa mật kia vừa là món ngon vừa là chiếc bẫy vô hình dụ dỗ những con ruồi dại dột. Như vậy, chính vì mải mê thưởng thức mật mà chúng sẽ chết.

Từ hình ảnh trên, câu thành ngữ "Mật ngọt chết ruồi" là một lời nhắc nhở chúng ta hãy cẩn thận với những cạm bẫy ẩn giấu trong vỏ bọc của sự ngọt ngào, dễ chịu. Nếu bạn không cẩn thận thì có thể bị thiệt hại nặng nề về tinh thần và vật chất.

Xem thêm:
Ý nghĩa câu thành ngữ “Khẩu Phật tâm xà” là gì?
Ý nghĩa câu thành ngữ “Nước mắt cá sấu” là gì?
Giải thích ý nghĩa thành ngữ ‘Xanh vỏ đỏ lòng’ và cách sử dụng trong cuộc sống

"Mật ngọt chết ruồi" trong tiếng Anh là gì?

Trong tiếng Anh, câu thành ngữ trên là It is easier to catch flies with honey than with vinegar hoặc Flies are easier caught with honey than with vinegar. Tạm dịch là: Ruồi sẽ dễ bị bắt, bị bẫy bởi mật ong hơn bằng giấm.

Bài học từ câu thành ngữ "Mật ngọt chết ruồi"

Lòng người là thứ khó có thể nhìn thấu

Chúng ta đều biết rằng, lòng người là thứ khó có thể nhìn thấu. Hằng ngày, chúng ta phải tiếp xúc với rất nhiều người khác nhau. Trong số đó, có những người ngoài mặt luôn dùng lời nói ngon ngọt, tỏ vẻ mình là người tốt nhưng thực chất bụng dạ rất xấu xa và độc ác. Sẽ rất khó để phân định được đâu là sự chân thành với điều gian xảo. Vì thế, câu thành ngữ như một lời cảnh báo về những mối nguy hại tiềm ẩn trong sự ngọt ngào.

Giải thích thành ngữ “Mật ngọt chết ruồi” nghĩa là gì? 2
Nên cẩn thận trong các mối quan hệ vì lòng người rất khó đoán - Ảnh: Canva

Thận trọng và tỉnh táo trước "lời đường mật"

Là con người, chúng ta thường rất dễ xiêu lòng trước những lời khen thưởng hay tán dương. Thậm chí là những lời tâng bốc, xu nịnh hoặc hứa hẹn. Nếu không đủ tỉnh táo để phân định đâu là lời thật lòng, đâu là lời giả dối, chúng ta sẽ dễ đánh mất bản thân, đồng thời có thể rơi vào cái "bẫy" lừa gạt của người khác.

Người xưa có câu "Thuốc đắng giã tật, sự thật mất lòng". Đôi lúc, vì không chấp nhận những lời thật lòng mà con người sẽ dựa vào những "lời đường mật" để làm động lực sống. Khi đó, ta sẽ đắm chìm vào những lời khen giả dối, những lời xu nịnh mà không có động lực cố gắng, đánh mất chính mình.

Đừng "yêu bằng tai"

Bên cạnh đó, "lời đường mật" cũng thường được áp dụng trong tình yêu. Biết điểm yếu "Con gái yêu bằng tai", rất nhiều chàng trai đã áp dụng "chiêu thức" lời nói ngon ngọt để tán tỉnh các cô gái.

Thông thường, con gái sẽ dễ xiêu lòng trước những chàng trai khéo léo trong hành động và giao tiếp. Những lời nói mật ngọt khi xuất phát từ trái tim sẽ chính là gia vị của tình yêu, làm gia tăng sự lãng mạn và hạnh phúc. Nhưng khi xuất phát từ lòng xấu thì đây lại là sự dụ dỗ, lừa gạt gây tổn thương nhất.

Chính vì vậy, để tránh bị đau khổ, tổn thương, chúng ta nên nhìn nhận thật kỹ mối quan hệ, hãy dùng cả lý trí và trực giác của mình. Một mối quan hệ lâu dài không chỉ dựa trên lời nói "ong bướm" mà còn là hành động của đối phương. Muốn xây dựng một mối quan hệ lâu dài, cần có sự vun đắp bằng những hành động thực tế, không thể chỉ bằng lời nói.

Giải thích thành ngữ “Mật ngọt chết ruồi” nghĩa là gì? 3
Tình yêu không chỉ xây đắp bằng lời nói mà cần rất nhiều hành động - Ảnh: Canva

Cẩn thận trước những "món hời"

Trong cuộc sống, có rất nhiều chiếc "đĩa mật" đang đợi chúng ta nhảy vào. Ngày nay, các chiêu thức lừa đảo dần trở nên tinh vi và trở thành "mật ngọt" thu hút những người làm ít nhưng muốn kiếm được nhiều. Những kẻ gian sẽ sử dụng những câu nói mật ngọt, lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin, đánh vào lòng tham để lừa gạt.

Trên đời này, không có "món hời" nào có thể "từ trên trời rơi xuống". Nếu không cân nhắc, tính toán kỹ càng và suy nghĩ thấu đáo, ta rất có thể trở thành những chú ruồi ngây thơ để rồi bất lực trong đĩa mật kia, hối hận cũng muộn màng.

Như vậy, câu thành ngữ “Mật ngọt chết ruồi” như một lời cảnh tỉnh với tất cả chúng ta, những thứ mang vẻ ngoài đẹp đẽ chưa chắc bên trong đã như vậy. Cũng như trong tình yêu, những lời nói ngọt ngào dễ dàng nói ra nhưng chúng ta sẽ không thể nào biết được đó có phải xuất phát từ trái tim người nói hay không. Vì thế, chúng ta hãy cẩn thận với tất cả những lời nói mật ngọt xung quanh mình.

Xem thêm:
72 status lòng người giả tạo thâm sâu khó đoán
50 câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ nói về sự giả tạo, lời nói dối
Những câu nói hay về lòng dạ con người cực thâm thúy

Ca dao, tục ngữ, thành ngữ nói về sự giả tạo, lời nói dối

Để nói về sự giả tạo trong cuộc sống, ông cha ta đã đúc kết thành nhiều câu ca dao, thành ngữ tục ngữ về vấn đề này. Sau đây là những câu ca dao, thành ngữ về sự giả tạo, lời nói dối. Dưới đây là những câu ca dao, thành ngữ tục ngữ về sự giả tạo mà VOH tổng hợp gửi đến bạn.

Giải thích thành ngữ “Mật ngọt chết ruồi” nghĩa là gì? 4
  1. Ăn mặn nói ngay còn hơn ăn chay nói dối.
  2. Bà vãi miệng nam mô hớt.
  3. Buôn gian bán lận.
  4. Bụng gian miệng thẳng.
  5. Buôn đằng sóng, nói đằng gió.
  6. Bánh đúc bày sàng.
  7. Bịa láo ông táo bẻ răng.
  8. Bụng như câu liêm.
  9. Buôn thừa bán thiếu.
  10. Cửa ngang chẳng góp, lời tà chẳng thưa.
  11. Miệng nam mô, bụng bồ dao găm.
  12. Nêu cao nhưng bóng chẳng ngay
    Sông sâu còn có kẻ dò, lòng người nham hiểm ai đo cho cùng.
  13. Mình nói dối ta mình chửa có chồng
    Ta đi qua ngõ mình bồng con ra
    Con mình khéo giống con ta
    Con mình bảy rưỡi, con ta ba phần.
  14. Bóng tròn em nói chưa trưa
    Em có chồng rồi, dối bạn em chưa có chồng.
  15. Ai mà nói dối với ai
    Thì trời giáng hạ cây khoai giữa đồng
    Ai mà nói dối với chồng
    Thì trời giáng hạ cây hồng bờ ao.

Trên đây là những lý giải về câu thành ngữ "Mật ngọt chết ruồi". Hy vọng bài viết đã giúp bạn hiểu thêm về câu thành ngữ này, đồng thời tích lũy cho mình số bài học triết lý sâu sắc trong đời sống. Để tìm hiểu nhiều hơn về ý nghĩa của các câu thành ngữ, tục ngữ, ca dao Việt Nam, đừng quên theo dõi chuyên mục VOH Sống đẹp.

Bình luận