Tục ngữ có câu: Một cây lúa dưỡng trăm loại người. Trong cuộc sống, có muôn hình vạn trạng kiểu người khác nhau, không ai giống ai. Xung quanh chúng ta, tốt bụng, xấu xa, thông minh, ngu ngốc, đơn giản, mưu mô,... kiểu người nào cũng có. Trong đó, kiểu người miệng luôn nói những lời thiện lành nhưng tâm địa xấu xa là những người nguy hiểm nhất.
Để răn dạy con cháu bài học về lòng người, ông cha ta đúc kết ra câu thành ngữ "Khẩu Phật tâm xà". Cùng VOH tìm hiểu ý nghĩa, nguồn gốc của câu thành ngữ này để có cho mình những bài học nhân sinh đầy ý nghĩa.
“Khẩu Phật tâm xà” là gì?
Theo Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê, “Khẩu Phật tâm xà” chính là ngoài miệng nói đạo đức, từ bi (như Phật), nhưng trong lòng thì độc ác, nham hiểm (như con rắn độc).
Đây là một câu thành ngữ Hán Việt. Phân tích như sau:
- Khẩu: là miệng, lời nói. Khẩu Phật là cách ứng xử nói năng hiền lành từ tốn.
- Tâm: tức tâm thức của chúng ta, là lòng dạ thuộc phần bên trong của con người, không thể thấy được.
- Xà: là rắn, là loại động vật có nọc độc gây nguy hiểm. Đây cũng là tà, nói lời xấu, lời ác, lời gian dối hoặc lời phỉ báng,...
Như vậy, câu thành ngữ cho thấy sự đối lập "khẩu Phật" với "tâm xà" biểu thị tính chất hai mặt của con người, người ngoài miệng ngon ngọt, hiền lành từ tốn mà tâm gian ác, nham hiểm, luôn muốn hại người khác.
Xem thêm:
Ý nghĩa câu thành ngữ “Nước mắt cá sấu” là gì?
Giải thích ý nghĩa thành ngữ "Ăn cháo đá bát" lên án điều gì?
Giải thích ý nghĩa câu thành ngữ ‘Cõng rắn cắn gà nhà’ là gì?
Nguồn gốc câu thành ngữ
Theo ghi chép, người Trung Quốc có câu nói "Phật khẩu xà tâm" (佛口蛇心) /fó kǒu shé xīn/ với ý nghĩa chỉ những người miệng nói lời nhân đức nhưng lòng dạ lại vô cùng hiểm ác. Câu nói này xuất phát từ đoạn "Cổ kim thiện trí thức Phật khẩu xà tâm" trong Ngũ Đăng Hội Nguyên (五灯会元), một bộ sách về lịch sử thiền tông (20 tập), do Phổ Tế soạn ở chùa Linh Ẩn (thuộc Hàng Châu) vào thời Nam Tống (1253).
Trong Đại Nam Quấc âm tự vị (1895) của Huình - Tịnh Paulus Của, người Việt ghi chép câu thành ngữ trên thành Khẩu Phật tâm xà (口佛心蛇).
Cả hai câu thành ngữ đều có chung một ý nghĩa, chỉ ra những người sống hai mặt, nói một đằng làm một nẻo, mưu mô toan tính. Đồng thời cũng phê phán những hành vi giả dối và lừa lọc trong cuộc sống.
Bài học từ câu thành ngữ
Lòng người là thứ khó có thể nhìn thấu
Rabindranath Tagore từng nói: "Sự chân thành giả dối còn đáng sợ hơn cả quỷ dữ". Thật vậy, có rất nhiều người ngoài mặt luôn tỏ vẻ mình là người tốt nhưng thực chất bụng dạ rất xấu xa và độc ác. Vì thế, ông cha ta mới có câu “Chọn bạn mà chơi” vì bạn bè sẽ là những người thân cận với mình nhất. Nếu gặp phải những người bạn "Khẩu Phật tâm xà" thì sẽ rất đau khổ và mệt mỏi.
Nên thận trọng và tỉnh táo trong giao tiếp
Truyền thống của nước ta xưa nay răn dạy con cháu 5 chữ Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín. Đối xử với ai cũng phải đề cao sự chân thành. Nhưng thời nay, thật thà quá mức cũng dễ trở thành "con dao hai lưỡi".
Bên cạnh sự chân thành, cái giả tạo, lọc lừa luôn cũng tồn tại song hành trong cuộc sống này. Để tránh gặp phải tổn thương, việc cẩn thận trước khi trao lòng tin cho một ai đó là việc cần làm. Chúng ta sống lương thiện nhưng vẫn khó tránh khỏi việc gặp phải những kẻ xấu muốn lợi dụng mình. Sống thật với chính mình, đối xử tử tế với người khác nhưng cũng nên chọn lọc có lý trí. Khi gặp ai hay nghe điều gì, người ta phải biết phân biệt sự thật hay giả dối, không để bị lừa dối hay mê hoặc bởi những lời nói hay hành động.
“Khẩu Phật tâm xà” là câu nói nhằm nhắc nhở chúng ta nên cẩn thận với các mối quan hệ trong cuộc sống hàng ngày để bảo vệ bản thân.
Xem thêm:
72 status lòng người giả tạo thâm sâu khó đoán
50 câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ nói về sự giả tạo, lời nói dối
Những câu nói hay về lòng dạ con người cực thâm thúy
"Khẩu Phật tâm xà" hay "Khẩu xà tâm Phật"?
Nếu “Khẩu Phật tâm xà” miêu tả rất đúng thực trạng cách sống của một bộ phận người từ xưa đến nay, thì khi “lật ngược lại” thành “Khẩu xà tâm Phật”, quan niệm vẫn còn gây băn khoăn vì tính đúng đắn của nó. Câu nói này chỉ những người tuy nói lời gây tổn thương người khác nhưng thực chất là không làm hại ai.
Ở đời có rất nhiều loại người, cách cư xử, nói năng của họ còn dựa vào trình độ văn hoá, cơ hội học tập, trải nghiệm và nghiệp quả của họ. “Khẩu xà tâm Phật” ám chỉ những người thường buông lời cay nghiệt, chửi mắng, chua ngoa… khiến họ trông có vẻ ác độc, ghê gớm, nhưng thực chất lại là người tốt tính, hiền lành.
Hoặc có những bậc cha mẹ rất thương con, sẵn sàng hy sinh tất cả cho con, nhưng họ không có cơ hội tiếp cận tri thức, không biết cách giao tiếp với con, hoặc họ được nuôi lớn lên bằng sự la mắng, họ sẽ coi đó là cách thể hiện tình thương duy nhất.
"Học ăn, học nói, học gói, học mở" là truyền thống từ xưa của người Việt Nam ta. Giao tiếp là rất quan trọng để hình thành mối dây liên kết giữa người với người. Ái ngữ (nói lời tốt đẹp, yêu thương) là chất liệu nuôi dưỡng tình thương, gắn kết các mối quan hệ gia đình và xã hội. Nếu ai cũng buông lời hằn học, khó chịu, cáu gắt vào người thân, bạn bè và bào chữa rằng mình “Khẩu xà tâm Phật” thì sẽ vô tình tạo nên vết nứt trong các mối quan hệ.
Tóm lại, hãy chỉ sử dụng “Khẩu xà tâm Phật” để tự nhắc nhở mình không được phiến diện đánh giá một con người chỉ thông qua lời họ nói, chứ không nên dùng như một lời bao biện cho việc bản thân nói lời cay nghiệt, xấu xa.
Những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ nói về sự giả tạo
Để nói về lòng người, sự giả tạo trong cuộc sống, ông cha ta đã đúc kết thành nhiều câu ca dao, thành ngữ tục ngữ về vấn đề này. Dưới đây là những câu ca dao, thành ngữ tục ngữ về sự giả tạo mà VOH tổng hợp gửi đến bạn.
- Ăn mặn nói ngay còn hơn ăn chay nói dối
- Ăn cho ngay, ở cho lành
- Ăn cho thật, nói cho thà
- Ăn bằng nói chắc
- Buôn gian bán lận
- Bụng gian miệng thẳng
- Buôn đằng sóng, nói đằng gió
- Cá vàng bụng bọ
- Miệng nam mô, bụng bồ dao găm
- Nêu cao nhưng bóng chẳng ngay
Trên đây là những lý giải về câu thành ngữ "Khẩu Phật tâm xà". Hy vọng bài viết đã giúp bạn hiểu thêm về câu thành ngữ quen thuộc này và có cho mình một số bài học triết lý sâu sắc về lòng người cũng như cách ứng xử trong đời sống. Để tìm hiểu nhiều hơn về ý nghĩa của các câu thành ngữ, tục ngữ, ca dao Việt Nam, đừng quên theo dõi chuyên mục VOH Sống đẹp.