Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Ý nghĩa câu nói “Ba mươi chưa phải là Tết” cùng triết lý “Đêm ba mươi”

VOH - Là một trong những tục ngữ quen thuộc trong ngày Tết, câu nói “Ba mươi chưa phải là Tết” mang đậm triết lý sống sâu sắc.

Với nhiều người, ngày Ba mươi Tết chính là ngày vui nhất trong dịp Tết cổ truyền. Thế nhưng dân gian lại có câu rằng: “30 chưa phải là Tết”. Vậy ý nghĩa câu nói ấy là gì? Cùng VOH tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây.

Câu nói “Ba mươi chưa phải là Tết” có ý nghĩa gì?

Đối với người Việt Nam, Tết đã trở nên vô cùng thân thuộc. Từ “Tết” xuất hiện trong rất nhiều những câu ca dao, tục ngữ đến những câu chuyện thường ngày và cả lời khấn vái trước bàn thờ linh thiêng…

Nói về ca dao tục ngữ ngày Tết, không thể không nhắc đến câu “30 chưa phải là Tết”. Đây là câu nói quen thuộc được rút gọn từ 2 câu ca dao: “Khôn ngoan đến cửa quan mới biết/ Giàu có Ba mươi Tết mới hay”. Và ý nghĩa của câu nói trên thì không phải ai cũng hiểu.

Ý nghĩa câu nói “Ba mươi chưa phải là Tết” cùng triết lý “Đêm ba mươi” 1
"Ba mươi chưa phải là Tết" là câu tục ngữ quen thuộc với nhiều người - Ảnh: Internet

Theo TS Phạm Văn Tình (Nguyên Tổng Thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam), “Ba mươi chưa phải là Tết” nói lên ý nghĩa của quy luật lượng - chất. Quy luật lượng - chất được các triết gia Aristotle, Hegel, Marx… dày công khái niệm và trừu tượng hóa, thế nhưng không hề bỏ rơi cuộc sống hiện thực.

Quy luật lượng - chất cho rằng: Mọi sự vật tồn tại và vận động trong một ngưỡng xác định” (gọi là “độ”). Tất cả mọi biến động của sự vật điều diễn ra trong ngưỡng đó. Cho đến khi đạt đến một “điểm giới hạn” (gọi là “điểm nút”), sẽ tiến đến một “sự chuyển tiếp” (gọi là “bước nhảy”) dẫn đến sự vật khác ra đời.

“Ba mươi chưa phải là Tết” cũng không nằm ngoài triết lý của quy luật này. Trong đó “Ba mươi Tết” chính là một “điểm nút” đặc biệt, bởi nó là thời điểm đánh dấu sự kết thúc của năm cũ. Vào ngày 30 Tết, người ta tạm gác lại mọi chuyện của năm cũ, tất bật dọn dẹp cửa nhà, cúng tất niên, đoàn tụ, quây quần bên nhau để cùng đón Giao thừa - thời khắc “chuyển giao”, tạm biệt năm cũ, chào đón năm mới bắt đầu.

Xét theo ý nghĩa lượng - chất, câu nói “30 chưa phải là Tết” mang ý nghĩa: Muốn nhanh thì phải từ từ, chớ đừng nóng vội thực hiện “bước nhảy vượt rào” mà chủ quan, đốt cháy giai đoạn. Nếu tích lũy lượng chưa đủ, thì dù đêm “Ba mươi Tết” cũng chỉ là năm cũ mà thôi.

Sâu xa hơn, câu tục ngữ còn là sự đúc kết một nhân sinh quan: Muốn đạt tới mục đích thì phải lao động, phấn đấu cho xứng đáng. Khi đến được đích rồi cũng nên có một cách ứng xử sao cho hợp lẽ đời. Bởi con người dù đã hội tụ đủ mọi điều kiện quan trọng, nhưng có khi chỉ cần thiếu một “điều kiện đủ” là cũng chưa làm nên chuyện, giống như câu nói người xưa: “Ba mươi chưa phải là… Tết”.

Xem thêm:
Top câu nói hay ngày 30 Tết, thơ ngày cuối năm thổn thức tâm hồn
80 status cuối năm ý nghĩa, cap hay cho ngày cuối năm ngắn gọn hài hước
Đôi lời chúc cuối năm: Tạm biệt 2023, Xin chào 2024!

Tín ngưỡng dân gian về ngày 30 Tết

Theo dân gian, Ba mươi Tết chính là ngày vui nhất trong dịp Tết Nguyên đán, bởi đây được xem là ngày “tiêu điểm” ở sự tất bật, sôi động và đậm đà hương vị Tết.

Ca dao xưa có câu: “Số cô chẳng giàu thì nghèo/ Ngày Ba mươi Tết thịt treo trong nhà”. Đúng, ngày ba mươi Tết có thể xem là ngày đặc biệt nhất với cái Tết Cổ truyền. Nếu năm nào tháng Chạp mà thiếu, thì ngày 29 Tết sẽ được vào vai “Ba mươi”.

Vào ngày ấy, mọi người sẽ tạm ngưng những công việc thường nhật, bắt tay vào việc dọn dẹp nhà cửa, sắm sửa lễ vật ngày Tết, lau dọn bàn thờ gia tiên, làm những món ăn ngon đặc trưng ngày Tết… Con cháu làm ăn xa xứ cũng sẽ tranh thủ quay về bên gia đình để cùng ăn bữa cơm tất niên và kịp đón Giao thừa.

Ý nghĩa câu nói “Ba mươi chưa phải là Tết” cùng triết lý “Đêm ba mươi” 2
Ba mươi Tết là "tiêu điểm" của sự tất bật, hối hả ngày cuối năm - Ảnh: Internet

Theo quan niệm tín ngưỡng dân gian, Nguyên đán (buổi sáng đầu tiên trong năm) được tính từ lúc chuyển giao từ đêm Ba mươi tháng Chạp sang ngày mùng 1 tháng Giêng.

Đêm 30 Tết thường lạnh, trời nhiều mây, vắng trăng sao. Đây là đặc trưng cảnh quan dễ nhận biết của đêm trừ tịch (đêm qua đi của năm).

Thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới rất ngắn. Dân gian truyền rằng, thời điểm kết thúc năm cũ chuyển sang năm mới cũng là lúc hai vị thần cai quản thế gian, gọi là ông Hành Khiển, đi bàn giao (giao) và tiếp nhận (thừa) cho nhau. Vì thế, các gia đình thường bày một mâm cỗ cúng giữa sân vào đêm 30 Tết để báo cáo với gia tiên, để tế đất trời.

Người ta tin rằng, sau thời gian linh thiêng này, năm mới thực sự bắt đầu. Từ lúc đó, mọi lời nói, cử chỉ, hành động… của mỗi người đều hết sức thận trọng, bởi những hành vi đó sẽ trở thành xuất phát điểm cho mọi điều may rủi trong năm.

Chính quan niệm này, sau đêm Ba mươi Tết, ngày mùng 1 đầu năm thật sự quan trọng với nhiều gia đình. Nhiều gia đình cất công lựa chọn người xông đất đầu năm để cầu sự may mắn, tài lộc... cho đến việc kiêng đủ thứ: kiêng người dữ vía xông nhà, kiêng chó mèo chạy quanh bàn thờ, kiêng quét nhà, giặt giũ,…

Dân gian hay nói “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành”. Nên trong tâm tưởng của nhiều người việc kiêng cữ một vài điều được người xưa truyền lại cũng là điều dễ hiểu.

Chuyện gì diễn ra trong năm cũ thường không ai để ý, cho nên ngày Ba mươi Tết cũng chỉ là … ngày Ba mươi thôi, vì trong tín ngưỡng dân gian khi tới Giao thừa “pháo nổ”, thì “đất trời cũng sẽ đổi khác”. Chỉ một tích tắc là lịch sử sẽ “sang canh”, lúc đó mọi lời chúc mới thực sự linh nghiệm và mang phước lành cho mọi người nhân dịp Tết đến xuân về.

“Đêm Ba mươi” và triết lý sống sâu sắc

Trong cuốn Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc toàn tập có kể lại một câu chuyện ngụ ngôn như sau: Có một anh học trò nghèo nọ, ngày ấy khi anh đi qua một ngôi đền thờ gần nơi học thì luôn nghe thấy trong đền có tiếng vọng ra như ai đó đang muốn cất lời chào hỏi. Mà đền thì vắng tanh vắng ngắt.

Còn người giữ đền thì liên tục nằm mơ thấy thần báo mộng rằng có quan lớn vãn cảnh đến đền của ông. Ông mỗi ngày đều chờ đợi nhưng lại chẳng thấy có “vị quan” nào đến sất. Ngược lại, ông chỉ thấy có anh học trò nghèo kia.

Quá lạ lùng, ông bèn kể chuyện này với anh học trò nghèo và không quên nói rằng: “Thầy sau sẽ làm nên nghiệp lớn đó. Thần báo cho tôi mấy lần rồi”. Anh học trò nghe xong thì mừng rỡ, vui vẻ ra mặt. Sau đó, thay vì tiếp tục chăm lo đèn sách, anh học trò bỗng trở nên hợm hĩnh, kiêu căng.

Anh chê người vợ tào khang của mình “vừa xấu vừa đen” và rắp tâm tìm cách ruộng rẫy vợ. Anh ta thầm nghĩ: “Mình mà đỗ rồi, mình phải bỏ nó đi để lấy một cô vợ thật xinh đẹp”.

Khi có người hàng tổng đến đòi nợ, anh học trò không trả mà còn lớn tiếng nói: “Ta chưa có mà giả. Chớ nên cậy giàu vội. Khoa này ta sắp đỗ rồi, ta sẽ lấy vườn đất các ngươi đấy…”. Thần trên cao nghe thấy giận lắm, bèn quyết định xóa tên anh học trò trong sổ khoa đăng vì kẻ kia đã “vị đắc ý, cố thất đức” (chưa được như ý đã mất đức).

Câu chuyện ngụ ngôn ẩn ý nghĩa của câu thành ngữ “Ba mươi chưa phải là Tết”. Con người ở đời không nên sống theo kiểu ăn non, ăn xổi, hãy học cách ứng xử cho có văn hóa, muốn đạt được mục đích cần lao động, phấn đấu hết mình. Khi đã đạt được mục tiêu cũng nên có cách ứng xử phù hợp với mọi người. Đây là một triết lý sống tích cực mà vô cùng sâu sắc.

Xem thêm:
Gợi ý 70 câu chúc đầu năm Giáp Thìn 2024 hay và ý nghĩa
80 lời chúc xông đất đầu năm đậm đà hương vị Tết
60 lời chúc Tết, chúc mừng năm mới bản thân hay nhất

Câu nói hay, stt 30 chưa phải là Tết

Vì câu nói “Ba mươi chưa phải là Tết” chứa đựng triết lý sống sâu sắc nên người ta đã dùng vào trong phim ảnh, điển hình nhất có thể kể đến là bộ phim “30 chưa phải Tết” của diễn viên hài Trường Giang. Trong đời sống hàng ngày, những câu nói, stt 30 chưa phải là Tết cũng mang nhiều thông điệp ý nghĩa.

Ý nghĩa câu nói “Ba mươi chưa phải là Tết” cùng triết lý “Đêm ba mươi” 3
Câu nói, stt về 30 chưa phải Tết - Ảnh: Internet

1. 30 chưa phải là Tết người hôm nay là của mình mai chưa chắc đã là của mình.

2. 30 chưa phải là Tết. Chưa đi hết đời chưa biết ai hơn ai!

3. 30 chưa phải là Tết, chưa đến lúc chết thì chưa biết ai giàu hơn ai. Con chim ẩn náu lâu ngày sẽ bay rất cao. Bông hoa nở sớm sẽ nhanh chóng héo tàn. Đời người cũng vậy…

4. Ba mươi chưa phải là Tết. Giàu sang hôm nay không chắc là mãi. Nghèo khó không hẳn là cả đời sẽ không thay đổi được. Đừng vội khinh ai khi trong tay có tí tiền. Tất cả còn nằm ở cuối cuộc đời chứ không phải là giây phút thăng hoa nhất thời.

5. Ngày mai chưa đến, sao biết được mưa hay nắng. Hoàng hôn chưa tàn, sao biết được sương có hay không?

6. 30 chưa phải là Tết, nhưng em thì vẫn mãi chưa hết thương anh.

7. 30 chưa phải là Tết, chúc bạn bỏ hết buồn phiền của năm cũ. Hãy dành thời gian vui vẻ đón Tết.

8. Ở đời, sông có khúc, con người cũng có lúc này lúc khác. Đừng thấy những lúc người sa cơ lỡ vận, cuộc sống lận đận khó khăn mà xem thường. Người xưa có câu “Ba mươi chưa phải là Tết”.

9. Ba mươi chưa phải là Tết, thế nên đừng coi thường bất kỳ ai cả.

10. Ngày 30 chưa chắc là ngày Tết nhưng chắc chắn ngày mùng 1 là ngày Tết.

“Ba mươi chưa phải là Tết” vốn là câu tục ngữ quen thuộc mà nhiều người vẫn thường nói đùa vui mỗi khi Tết đến xuân về. Thế nhưng, khi suy ngẫm kỹ thì câu tục ngữ mà người xưa lưu truyền lại chứa đựng một triết lý sống tích cực mà cũng thật sâu sắc làm sao!

Đừng quên theo dõi VOH Sống đẹp để cập nhật liên tục những kiến thức mới nhất, hấp dẫn nhất. 

Bình luận