Chờ...

Vì sao không có ngày 30 Tết trong gần một thập kỷ tới?

VOH - Theo Lịch Vạn Niên, đến năm 2033, người Việt mới có thể "gặp lại" ngày 30 Tết (30 tháng Chạp). Vì sao vậy?

Ngày 30 Tết là một ngày có ý nghĩa đặc biệt đã đi sâu vào trong tiềm thức của người dân Việt Nam. Tuy nhiên, sau ngày 30 tháng Chạp năm 2023, phải đến gần 10 năm sau, người Việt mới được đón Giao thừa vào ngày 30 Tết. Trong giai đoạn này, chúng ta sẽ đón khoảnh khắc Giao thừa vào đêm 29 Tết.

Vì sao gần 10 năm nữa mới có ngày 30 Tết?

Theo lịch âm, vào năm đủ, Giao thừa sẽ rơi vào ngày 30 Tết (30 tháng Chạp). Còn vào năm thiếu (năm nhuận), khoảnh khắc này rơi vào ngày 29 Tết. Năm Quý Mão 2023 kết thúc với ngày 30 tháng Chạp, có nghĩa là dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 vẫn có ngày 30 Tết. 

Thế nhưng, từ năm 2024 trở đi, chúng ta sẽ đón Giao thừa vào ngày 29 Tết. Liên tục trong 8 năm (từ 2025 - 2032), tháng Chạp chỉ có 29 ngày. Đến tận năm 2033, lịch âm mới lại có ngày 30 tháng Chạp. Tức là phải chờ đến đến dịp Tết Nguyên đán 2033, chúng ta mới gặp lại đêm 30 Giao thừa đúng nghĩa.

Vì sao không có ngày 30 Tết trong gần một thập kỷ tới? 1
Từ năm 2025 - 2032, chúng ta sẽ đón Giao thừa vào ngày 29 Tết - Ảnh: Internet

Vì sao phải gần 10 năm nữa mới có ngày 30 Tết? Điều này phụ thuộc vào cách tính phức tạp của lịch âm. Theo lịch âm, số ngày trong tháng được tính dựa trên con số thiên văn vận hành của Trái đất, Mặt trăng và Mặt trời. Nhiều người còn gọi lịch âm là lịch Mặt trăng vì tuân theo chu kỳ trăng tròn.

Vào thời điểm cả 3 hành tinh này nằm thẳng hàng, chúng ta không nhìn thấy Mặt trăng, đó là ngày mùng 1 (còn được gọi là ngày Sóc). Chu kỳ từ trăng tròn đến trăng khuyết có 29,53 ngày. Vì vậy, sẽ có tháng thừa (30 ngày) và tháng thiếu (29 ngày).

Hiện tượng 8 năm liên tục tháng Chạp chỉ có 29 ngày trong giai đoạn 2025 - 2032 chỉ là một sự trùng hợp. Như từ năm 2016 - 2020, đã có chuỗi liên tiếp 5 năm với tháng Chạp đủ 30 ngày.

Xem thêm:
Tháng Chạp là gì? Vì sao được gọi là "tháng củ mật"?
Mâm cúng rằm tháng Giêng có gì và cúng giờ nào là tốt nhất?
Nên cúng Rằm tháng Giêng ở nhà hay trên chùa?

Ý nghĩa ngày 30 Tết

Dân gian có câu: "Số cô chẳng giàu thì nghèo/ Ngày ba mươi Tết thịt treo trong nhà" để nói về sự chuẩn bị tươm tất của mọi gia đình vào ngày 30 Tết. Dù một năm có bận rộn hay khó khăn, mỗi người đều cố gắng chuẩn bị chỉn chu nhất vào đêm 30 để tạm biệt năm cũ, đón chào năm mới.

30 Tết như một "cột mốc" lớn trong năm. Dù đang ở đâu, đang làm gì thì muộn nhất 30 Tết nhất định phải hoàn thành, ai nấy đều trở về bên gia đình cùng ăn bữa cơm Tất niên và chuẩn bị đón Giao thừa.

Theo quan niệm lâu đời của người Á Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng, thời điểm thiêng liêng nhất trong năm chính là Giao thừa. Đây là thời khắc đất trời và con người giao thoa, là khoảnh khắc mà mỗi người sẽ gói ghém những cảm xúc, buồn vui của năm cũ và mong cầu những điều tốt đẹp nhất cho năm mới.

Vì sao không có ngày 30 Tết trong gần một thập kỷ tới? 2
Giao thừa là thời khắc vô cùng thiêng liêng đối với người Việt - Ảnh: Internet

Không phải năm nào cũng có ngày 30 Tết

Trên thực tế, không phải năm nào cũng có ngày 30 Tết. Bằng cách tính của lịch âm, tháng thiếu sẽ không có ngày 30 mà sẽ kết thúc vào ngày 28 hoặc 29. Nếu tháng thiếu trùng vào tháng Chạp, Giao thừa sẽ rơi vào ngày 29. 

Gần đây nhất, vào năm 2021, chúng ta cũng đã đón Giao thừa vào ngày 29 Tết.

Như vậy, năm 2024, chúng ta vẫn được đón trọn vẹn thời khắc Giao thừa vào đêm 30 Tết. Từ đó trở đi, chúng ta sẽ chỉ được đón Giao thừa vào ngày 29 Tết cho đến tận năm Nhâm Tý 2033.

Đừng quên theo dõi VOH - Thường thức để cập nhật liên tục những kiến thức mới nhất, hấp dẫn nhất.