Chờ...

Nên cúng Rằm tháng Giêng ở nhà hay trên chùa?

VOH - Lễ cúng rằm tháng Giêng diễn ra hàng năm, thế nhưng cho đến nay vẫn còn rất nhiều người thắc mắc việc nên cúng rằm tháng Giêng ở nhà hay trên chùa, hay cúng trong nhà hay ngoài trời?

Ngày rằm tháng Giêng năm 2023 rơi vào Chủ nhật ngày 5/2 dương lịch, đây là ngày trăng tròn đầu tiên của năm mới.

Nên cúng Rằm tháng Giêng ở nhà hay trên chùa? 1

Tại Việt Nam, rằm tháng Giêng mang ý nghĩa quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân. Đây là một trong 2 ngày rằm được coi là lớn nhất (cùng với rằm tháng Bảy, với Phật tử thì có thêm ngày Rằm tháng Tư - Lễ Phật đản).

Vào ngày này, các gia đình thường sẽ cúng bái thần linh, Thổ công, Thổ địa và ông bà tổ tiên để bày tỏ lòng hiếu kính. Đồng thời, cầu mong một năm tốt lành, mưa thuận gió hòa, gia đạo bình ổn, con cháu khỏe mạnh, làm ăn phát đạt,…

Cúng rằm tháng Giêng ở đâu mới đúng?

Dù là lễ cúng diễn ra thường niên, nhưng mỗi năm cứ gần đến ngày rằm tháng Giêng rất nhiều người lại phân vân việc nên cúng rằm tháng Giêng ở nhà hay trên chùa? Người thì cho rằng rằm tháng Giêng là lễ lớn đầu năm nên lên chùa cúng mới đúng, người khác lại nói rằm cúng ở nhà là được rồi, nhưng cũng có người quan niệm phải cúng cả ở nhà và trên chùa mới hợp lễ.

Thông thường vào lễ cúng rằm tháng Giêng, hầu hết mọi người sẽ làm lễ mặn cúng gia tiên tại nhà, nếu cúng Phật sẽ có thêm một mâm lễ chay. Tùy phong tục từng nơi cũng như điều kiện kinh tế mà lễ vật cúng ở mỗi nhà mỗi khác, nhưng quy tụ lại đều thể hiện tinh thần “uống nước nhớ nguồn” đối với ông bà, tổ tiên và tấm lòng thành kính với thần linh.

Bên cạnh đó, nếu điều kiện cho phép, ngoài mâm cúng ở nhà, gia đình có thể chuẩn bị lễ ngọt lên chùa dâng Phật, thánh để cầu mong những điều may mắn, tốt đẹp trong gia đạo.

Vào ngày rằm tháng Giêng, nhiều người Việt còn có phong tục dâng sao giải hạn. Lễ này thường được thực hiện tại chùa hoặc cũng có thể tự hiện tại nhà.

Nên cúng Rằm tháng Giêng ở nhà hay trên chùa? 2
Lễ cúng rằm tháng Giêng có thể được thực hiện tại nhà hoặc tại chùa tùy vào mỗi gia đình - Nguồn ảnh: Internet

Nếu cúng rằm tháng Giêng tại nhà, gia đình chỉ cần làm một mâm cỗ đặt lên bàn thờ chính để mời gia tiên, thần linh thụ hưởng. Nếu có điều kiện thì có thể chuẩn bị cầu kỳ hơn, sửa soạn mâm lễ cúng cả trong nhà và ngoài trời.

Lễ cúng trong nhà thường dành cho thần linh và gia tiên. Thời điểm cúng tốt nhất là khoảng giờ Ngọ (11 – 13h) ngày 15/1 âm lịch. Trong mâm lễ cúng truyền thống không thể thiếu gà, xôi gấc/bánh chưng. Các món giò, chả, rau xào… cũng được bày biện trên mâm cúng. Ngoài ra, gia đình cũng cần chuẩn bị đầy đủ hương, hoa, vàng mã, đèn, nến, rượu, trầu cau.

Lễ cúng ngoài trời là lễ cúng nhằm cảm ơn trời đất, thần tiên, Phật thánh cũng các vị anh hùng dân tộc. Gia đình nào không có sân, có thể bày lễ ở gian giữa trong nhà hoặc ở sân thượng. Mâm lễ truyền thống ngoài trời thường có: gà trống trắng luộc, thịt dê hấp, xôi đỏ, trái cây, vàng mã (không cúng tiền âm phủ), rượu, trà, nến và nhang.

Nếu không có điều kiện và không cầu kỳ thì thì gia đình nên “tùy tiền biện lễ”, dựa và điều kiện kinh tế và số thành viên trong gia đình để chuẩn bị phù hợp, bởi điều cốt yếu vẫn là thành tâm.

Xem thêm:
Giáo hội Phật giáo VN yêu cầu các chùa tránh "dịch vụ tâm linh" trong lễ cầu an
10 lưu ý quan trọng khi tham gia lễ hội, du xuân đầu năm
Nét đẹp văn hóa lễ chùa dịp Tết của người Việt

Những lưu ý cần nhớ khi cúng rằm tháng Giêng

Cúng rằm tháng Giêng đã trở thành nét văn hóa truyền thống của người dân Việt. Dù ở thành thị hay nông thôn, mỗi năm cứ để ngày 15/1 Âm lịch đâu đâu cũng làm mâm cỗ cúng rằm.

Theo chuyên gia văn hóa Nguyễn Đức Hiển, khi cúng rằm tháng Giêng cần ghi nhớ một số lưu ý sau đây:

  • Bàn thờ phải được dọn dẹp tỉ mỉ, cẩn thận trước khi tiến hành cúng. Theo phong tục dân gian, trước khi lau dọn nên thắp một nén hương khấn xin thần linh, thổ địa, tổ tiên về việc sẽ lau dọn bàn thờ để chuẩn bị lễ cúng rằm tháng Giêng.
  • Khi thắp hương nên thắp theo số lẻ, bởi số lẻ tượng trưng cho phần âm và chỉ nên thắp từ 1 – 3 nén hương trên mỗi bát hương.
  • Không dùng hoa quả giả để dâng lên bàn thờ.
  • Gia chủ tiến hành cúng ăn mặc trang phục chỉnh tề, khi khấn thành tâm, không cười nói.
  • Không lẫn lộn đồ cúng lễ giữa mâm cúng chay và mặn.
  • Các đồ dùng như bát, đĩa, đũa, thìa,… nên sử dụng những đồ còn mới, riêng biệt. Không nên dùng những đồ đã dùng chung, bởi đồ thờ cúng cần phải sạch sẽ, không uế tạp.

Người xưa có câu “lễ Phật quanh năm không bằng ngày rằm tháng Giêng” nhằm nói đến tầm quan trọng của dịp lễ này. Năm nay, rằm tháng Giêng rơi đúng vào dịp nghỉ cuối tuần nên sẽ rất thuận tiện để cho các gia đình chuẩn bị chu đáo phần lễ cúng.