Chờ...

Lễ Phật Đản 2024 là ngày nào? Nguồn gốc, ý nghĩa lễ Phật Đản

VOH - Đại lễ Phật Đản là lễ hội tôn giáo lớn nhất, có ý nghĩa vô cùng thiêng liêng đối với các tín đồ Phật giáo tại Việt Nam và toàn thế giới.

Lễ Phật Đản là một trong những lễ hội văn hóa, tâm linh lớn của Phật Giáo. Đây là ngày kỷ niệm sự ra đời của một đấng Tối Thượng tôn quý - Đức Phật Thích Ca Mâu Ni - vào thế kỷ thứ VII trước Công nguyên trong hình hài của một nhân vật lịch sử. Đức Phật đản sinh nơi đời với bản hoài vô cùng cao quý, đó là cứu độ muôn loài chúng sinh thoát khổ.

Đại lễ Phật Đản diễn ra khi nào?

Nhiều người thường mặc định, lễ Phật Đản diễn ra vào ngày 15/4 Âm lịch. Tuy nhiên, một số quốc gia lại chọn ngày 8/4 Âm lịch để tổ chức đại lễ. Vậy lễ Phật Đản ngày nào mới chính xác?

Ngày Phật Đản là ngày Đức Phật thị hiện nơi trần thế. Trước đây, các quốc gia theo truyền thống Bắc Tông (Đại thừa) như Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc,... sẽ chọn ngày 8/4 Âm lịch để tổ chức lễ Phật Đản. Còn các quốc gia theo truyền thống Nam Tông (Tiểu thừa) sẽ tổ chức đại lễ vào ngày 15/4 Âm lịch (Rằm tháng 4). 

Lễ Phật Đản 2023 là ngày nào? Nguồn gốc, ý nghĩa lễ Phật Đản 1
Tương truyền, tại vườn Lâm Tỳ Ni (thuộc Nepal ngày nay), khi Hoàng Hậu Ma Da vừa hạ sinh, Thái tử Tất Đạt Đa liền bước đi bảy bước, mỗi bước đều có hoa sen đỡ chân - Ảnh: Internet

Sau này, vào Đại hội Phật giáo thế giới lần đầu tiên, tại Colombo (Tích Lan) được tổ chức từ 25/5 đến 8/6/1950 với sự tham gia của 26 nước là thành viên đã thống nhất chọn ngày rằm tháng tư Âm lịch hằng năm làm ngày Phật Đản quốc tế. 

Ngày 15/12/1999, theo đề nghị của 34 quốc gia có Phật giáo, để tôn vinh giá trị đạo đức, văn hóa, tư tưởng hòa bình, đoàn kết hữu nghị của Đức Phật, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tại phiên họp thứ 54, mục 174 của chương trình nghị sự đã công nhận Đại lễ Vesak là một lễ hội văn hóa, tôn giáo quốc tế của Liên Hiệp Quốc (Vesak), là ngày Đại lễ kỷ niệm Đức Bổn sư Thích ca đản sinh thành đạo và nhập Niết bàn (hay còn gọi là Đại lễ Tam hợp). 

Từ năm 2000 trở đi, những hoạt động kỷ niệm lễ Phật đản Liên Hiệp quốc (Vesak) sẽ được diễn ra hàng năm tại trụ sở cũng như tại các trung tâm của Liên Hợp quốc trên thế giới và được tổ chức vào ngày trăng tròn của tháng 5 dương lịch.

Hiện nay, tại nước ta, một số tự viện sẽ tổ chức lễ Phật Đản theo Phật Đản quốc tế, nhưng cũng có một số tự viện chọn tổ chức vào ngày 8/4 Âm lịch như truyền thống. 

Lễ Phật Đản 2024 vào ngày nào?

Theo lịch vạn niên, đại lễ Phật Đản 2024 diễn ra từ mùng 1 tới hết 15/4 Âm lịch, tức từ ngày 8 - 22/5. Chính lễ là ngày 15/4 Âm lịch (tức ngày 22/5).

Lễ Phật Đản 2023 là ngày nào? Nguồn gốc, ý nghĩa lễ Phật Đản 2
Tôn tượng Thái tử Tất Đạt Đa (Đức Phật) một tay chỉ trời, một tay chỉ đất - Ảnh: Internet

Nguồn gốc của đại lễ Phật Đản

Theo TS Bùi Hữu Dược - Vụ trưởng vụ Phật giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ, Đại lễ Phật Đản hay Lễ Phật đản sinh là từ tôn kính nói về lễ kỷ niệm ngày sinh của Đức Phật, Giáo chủ của đạo Phật.

Đức Phật Thích Ca tên thật là Tất Đạt Đa Cồ Đàm, được sinh ra tại vườn Lâm Tỳ Ni vào ngày trăng tròn tháng Vesak (tháng tâm linh theo quan niệm của người Ấn Độ cổ) năm 624 TCN và nhập Niết bàn năm 554 TCN. Ngài là con của Vua Tịnh Phạn (Suddhodana) và Hoàng Hậu Ma-Da (Maya) của nước Ca-tỳ-la-vệ (Kapilavastu) - một thành quốc của Ấn Độ cổ đại, nay thuộc Nepal.

Tiền thân của Ngài là Bồ Tát Hộ Minh, vị Bồ Tát Nhất Sinh Bổ Xứ tại cung trời Đâu Suất, nghĩa là chỉ còn một kiếp cuối cùng ở thế gian, Ngài sẽ chứng đạo trở thành một vị Phật Toàn Giác. 

Lễ Phật Đản 2023 là ngày nào? Nguồn gốc, ý nghĩa lễ Phật Đản 3
Đức Phật đản sinh là niềm vui, niềm hân hoan, hạnh phúc của tất cả Trời, người và muôn loài - Ảnh: Internet

Các sách kinh thánh không ghi rõ ngày sinh của Đức Phật mà chỉ chép lại Đức Phật ra đời vào một ngày trăng tròn tháng Vesak theo lịch Ấn Độ. Chiếu theo lịch Mặt Trăng thì đó là tháng tư Âm lịch và theo lịch Ấn cổ, ngày trăng tròn chính là ngày mùng 8. Như vậy, ngày 8/4 theo lịch Ấn Độ cổ cũng chính là ngày Rằm Tháng Tư theo lịch Mặt Trăng, hay Âm lịch như chúng ta vẫn gọi.

Theo lịch Ấn Độ cổ, ngày trăng tròn tháng Vesak là ngày sinh của Đức Phật cũng là ngày Đức Phật thành đạo, đồng thời là ngày Đức Phật nhập Niết bàn. Sự hy hữu đó được các nước theo Phật giáo Nam truyền tổ chức ba lễ trong một ngày nên gọi là Đại lễ Tam hợp (ba trong một) hay Đại lễ Vesak (chỉ tháng).

 

 

Ý nghĩa của ngày Phật Đản sanh

Theo Thượng tọa Thích Tâm Hải, Ủy viên Thường trực Ban Trị sự, Trưởng ban Thông tin - Truyền thông GHPGVN TP.HCM, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là một con người lịch sử, được sinh ra trong một gia đình hoàng tộc, cha là vua Tịnh Phạn (Suddhodana), mẹ là hoàng hậu Maya, được nuôi dưỡng, giáo dục để trở thành người kế vị ngai vàng, lãnh đạo Kapilavastu.

Tuy nhiên, Ngài đã từ bỏ tất cả để dấn thân chứng nghiệm, khám phá bốn sự thật của cuộc đời, đó là: khổ, nguyên nhân của khổ, sự chấm dứt khổ và phương pháp để chấm dứt sự khổ (Tứ diệu đế), giảng dạy về phương pháp cho con người có được hạnh phúc tương đối và đạt được hạnh phúc thực sự - nếu có ý chí, ngay trong cuộc đời này, được soi sáng bởi trí tuệ nhờ có chánh niệm, thực hành thiền định.

Những lời dạy của Ngài vượt lên sự ràng buộc của các giáo điều thông thường, vượt thời gian, trở thành lối sống cho những ai muốn có được hạnh phúc thực sự cho bản thân, cộng đồng.

Lễ Phật Đản 2023 là ngày nào? Nguồn gốc, ý nghĩa lễ Phật Đản 4
Đại lễ Phật Đản là sự kiện tôn giáo quan trọng trong đời sống tinh thần và tín ngưỡng của những người dân theo đạo Phật - Ảnh: Internet

Đại lễ Phật Đản không chỉ là dịp để tôn vinh Đức Phật Thích Ca Mâu Ni mà còn là cơ hội để Phật tử ôn lại cuộc đời và những lời dạy của Ngài. Từ đó, mỗi người sẽ nhận ra những điều tốt đẹp, giác ngộ, giải thoát bản thân khỏi những phiền não, từng bước có được giá trị hạnh phúc, sống an lạc giữa đời mà không cần âu lo cũng không sợ bị danh vọng, tiền bạc, sự hưởng thụ,... nhấn chìm.

Thêm vào đó, Đại lễ Phật Đản cũng là nhân duyên thù thắng để đệ tử Phật xiển dương, lan tỏa giá trị Phật Pháp, mang lại phước báu lớn cho mình và những người xung quanh.

Với ý nghĩa to lớn như vậy, đại lễ Phật Đản Sanh được tôn vinh là ngày lễ hội văn hóa tâm linh thế giới.  

Đại lễ mừng Phật Đản sanh tại Việt Nam tổ chức như thế nào?

Tại Việt Nam, Đại lễ Phật Đản là sự kiện tôn giáo quan trọng trong đời sống tinh thần và tín ngưỡng của những người dân theo đạo Phật.

Lễ Phật Đản 2023 là ngày nào? Nguồn gốc, ý nghĩa lễ Phật Đản 5
Người dân đi lễ chùa nhân đại lễ Phật Đản - Ảnh: Internet

Theo truyền thống, lễ chính được tổ chức trang trọng, thành kính vào ngày rằm tháng 4 Âm lịch. Giáo hội các tỉnh thành, các chùa và tịnh xá thường tổ chức các hoạt động kính mừng ngày đại lễ như: thả đèn hoa đăng trên sông, diễu hành xe hoa, nghi thức Tắm Phật (Mộc dục), thuyết giảng về Phật pháp... để tất cả Phật tử tưởng nhớ ngày Đức Phật ra đời, Ngài đã mang ánh sáng chân lý soi rọi vào cuộc đời, xóa tan những nỗi khổ, niềm đau của chúng sinh. 

Vào ngày lễ, Phật tử thường vinh danh Tam bảo: Phật, Pháp, Tăng (qua các hình thức như dâng cúng, tặng hoa, đến nghe thuyết giảng), và thực hành ăn chay và giữ Ngũ giới, thực hành bố thí và làm việc từ thiện, tặng quà, tiền cho những người yếu kém trong cộng đồng.

Lễ Phật Đản nên làm gì? 

Vào ngày lễ Phật Đản, các Phật tử không nên sát sinh, mọi người đều ăn chay, lau dọn nhà cửa và trang trí bàn thờ Phật thật đẹp. Các Phật tử có thể đi chùa lễ Phật, phụ giúp làm công quả, nghe các bài thuyết giảng về cuộc sống, tự chiêm nghiệm về hành động của bản thân để tâm hồn được thanh tịnh. 

Lễ Phật Đản 2023 là ngày nào? Nguồn gốc, ý nghĩa lễ Phật Đản 6
Phóng sinh kính mừng ngày Đại lễ Phật Đản - Ảnh: Internet

Ngoài ra, các Phật tử còn có thể tham gia các hoạt động từ thiện, giúp đỡ những mảnh đời khó khăn... Thông qua các hoạt động này, mỗi người con Phật sẽ nhận diện về vai trò của mình đối với trách nhiệm xây dựng xã hội và đóng góp cho đất nước, theo đúng phương châm của đạo Phật “sống tốt đời, đẹp đạo”. 

Các quốc gia châu Á tổ chức lễ Phật Đản như thế nào?

Với sự khác biệt trong tập tục và văn hóa địa phương, các quốc gia ở châu Á sẽ tổ chức Vesak theo nghi thức, lễ hội và thời gian khác nhau.

Trung Quốc 

Trung Quốc là quốc gia có số lượng tín đồ Phật giáo lớn nhất thế giới với hơn 240 triệu người. Vì vậy, đại lễ Phật Đản được xem là một dịp lễ lớn trong năm, đặc biệt tại Hồng Kông và Đài Loan.

Ngày lễ này được tổ chức ở những ngôi chùa, tu viện, học viện Phật giáo trên khắp Trung Quốc với nghi thức thắp đèn, cúng dường và tắm Phật. Ngoài ra, lễ hội đường phố cũng được tổ chức ở Trung Sơn, Quảng Đông và Shau Kei Wan, Hong Kong. 

Lễ Phật Đản 2023 là ngày nào? Nguồn gốc, ý nghĩa lễ Phật Đản 7
Màn biểu diễn múa kịch trong lễ hội Rồng Say để chúc mừng sinh nhật Đức Phật tại Macau ngày 12/5/2019. Tương truyền, một tu sĩ nhà Phật và một con rồng thần đã cứu người dân khỏi bệnh dịch trong triều Thanh - Ảnh: Internet

Indonesia

Indonesia là quốc gia có di sản Phật giáo lớn nhất thế giới - Borobudur. Lễ hội Waisak kỷ niệm ngày sinh của Đức Phật được tổ chức trang trọng với nghi thức diễu hành ở những ngôi chùa Phật giáo cổ, bắt đầu từ chùa Mendut - ngôi tự viện Phật giáo lâu đời nhất của Indonesia và kết thúc tại Borobudur.

Trước khi đến chùa, một số người còn tẩy tịnh các tượng Phật tại nhà, thăm hỏi người già và tổ chức quyên góp cho những người khó khăn. Ban đêm, họ thả đèn trời và thắp nến.

Lễ Phật Đản 2023 là ngày nào? Nguồn gốc, ý nghĩa lễ Phật Đản 8
Đại lễ Vesak tại Thánh địa Borobudur với hàng nghìn chiếc lồng đèn được thả lên trời - Ảnh: Internet

Nhật Bản

Lễ Phật đản trong tiếng Nhật có tên Hana Matsuri hay còn gọi là Lễ hội Hoa, thường được tổ chức vào 8/4 Âm lịch, đúng mùa anh đào nở rộ. Người dân đất nước Mặt Trời mọc sẽ dùng sen trang trí khi hành lễ rước tượng Phật, bởi đây là loài hoa nâng bước chân Đức Phật trong truyền thuyết.

Cũng giống như một số quốc gia khác, Phật tử tại Nhật Bản sẽ tập trung về các ngôi chùa để thực hiện nghi lễ tắm Phật với Ama-cha, một loại trà tắm từ lá cây cẩm tú cầu và hoa sen.

Lễ Phật Đản 2023 là ngày nào? Nguồn gốc, ý nghĩa lễ Phật Đản 9
Lễ Hana Matsuri tại Nhật Bản - Ảnh: Internet

Hàn Quốc

Đại lễ Phật Đản tại Hàn Quốc có tên gọi là Bucheonim osin nal. Đây không chỉ là ngày lễ dành riêng cho khoảng 15 triệu Phật tử, mà còn được tổ chức như một ngày hội văn hóa truyền thống cho người dân xứ sở kim chi. Những ngôi chùa trên cả nước và những con đường xung quanh được trang trí với đèn lồng hoa sen

Vào ngày này, một số ngôi chùa phát bibimbab chay và trà cho khách tham quan. Ngoài ra, còn có một số hoạt động như diễu hành, trò chơi truyền thống và điệu nhảy mặt nạ được tổ chức bên ngoài ngôi chùa. 

Lễ Phật Đản 2023 là ngày nào? Nguồn gốc, ý nghĩa lễ Phật Đản 10
Lễ hội lồng đèn kính mừng Phật đản trên đường phố Hàn Quốc - Ảnh: Internet

Thái Lan

Đại lễ Phật đản là một ngày lễ chính thức tại xứ sở chùa Vàng, với tên gọi Visakah Puja, được tổ chức ở các ngôi chùa và tu viện của Thái Lan. Vào ngày này, người dân tập trung tại các ngôi chùa để lắng nghe các nhà sư thuyết pháp, sau đó cùng nhau tụng kinh, quyên góp, dâng thức ăn, hoa và nến. Điều này tượng trưng cho tầm quan trọng của việc buông bỏ vật chất. 

Vào ban đêm, mọi người cầm nến, hoa, hương và đi diễu hành xung quanh chùa. Nhiều người phóng sinh chim hoặc cá. Bởi họ tin rằng, làm như vậy có thể tịnh hóa tâm hồn và rửa sạch những điều xấu ác.

Lễ Phật Đản 2023 là ngày nào? Nguồn gốc, ý nghĩa lễ Phật Đản 11
Lễ Visakah Puja tại Thái Lan - Ảnh: Internet

Sri Lanka

Lễ Vesak là ngày hội cộng đồng được tổ chức vào hai ngày trăng tròn đầu tiên của tháng 5 Âm lịch. Song song với việc cầu nguyện tại các ngôi chùa, mọi người cũng sẽ tạo ra những bức họa lớn phản ánh về cuộc đời của Đức Phật. 

Những ngôi nhà và con đường đều được trang trí với nến, đèn lồng. Trong đó, những ngôi chùa, tu viện sẽ có một bữa ăn dành cho nhà sư và những người kém may mắn. Cổng chào tượng trưng cho sự giác ngộ sẽ được dựng lên.

Trong suốt thời gian tổ chức lễ hội, các cửa hàng bán rượu và thịt sẽ đóng cửa để đảm bảo không xảy ra sát sinh. Mọi người ở khắp mọi nơi - gia đình, nhà hàng hay bất cứ ai có đủ khả năng - mở các quầy hàng gọi là “dansalas” nhằm cung cấp đồ ăn và thức uống miễn phí.

Lễ Phật Đản 2023 là ngày nào? Nguồn gốc, ý nghĩa lễ Phật Đản 12
Lễ Vesak tại Sri Lanka - Ảnh: Internet

Nepal

Đức Phật được cho là sinh ra tại vườn Lumbini thuộc Nepal ngày nay. Ngày lễ Vesak, còn gọi là Buddha Jayanti, được tổ chức trang trọng và có quy mô lớn tại Nepal. 

Phật tử Nepal sẽ mặc đồ trắng và ăn bánh gạo ngọt trong suốt lễ hội. Ngoài ra, các thiện nguyện viên sẽ phát một món tráng miệng được gọi là "kheer", một loại bánh gạo ngọt tượng trưng cho những gì đã được cúng dường lên Đức Phật khi Ngài kết thúc quãng thời gian tu khổ hạnh.

Lễ Phật Đản 2023 là ngày nào? Nguồn gốc, ý nghĩa lễ Phật Đản 13
Vào dịp này, Phật tử từ khắp Nepal đổ về Swayambhu (tức là chùa Khỉ), vì Vesak là ngày duy nhất địa chỉ thiêng liêng này mở cửa cho du khách - Ảnh: Internet

Ấn Độ

Ấn Độ là quê hương của 9 triệu tín đồ Phật giáo. Ngày lễ Phật đản hay Buddha Purnima được tổ chức như một lễ hội truyền thống địa phương, đặc biệt là ở thành phố Dharamsala, trung tâm của Phật giáo Tây Tạng. Trong dịp lễ, Phật tử Ấn Độ sẽ mặc đồ trắng, tập trung tại các ngôi chùa và tu viện để lắng nghe kinh sutras, ăn bánh gạo ngọt kheer.

Tổng hợp những bài thơ, câu đối mừng Phật Đản sinh ý nghĩa nhất

Sự kiện Đức Phật đản sanh làm chấn động khắp các cõi giới bởi mang đến lợi ích vô cùng to lớn cho số đông, cho chư Thiên và loài người. Hãy dâng tặng những vần thơ, câu đối ý nghĩa sau đến Đức Phật để tỏ lòng tôn kính với Ngài. 

Những câu đối Phật Đản hay nhất

Trong không khí chào đón ngày đản sanh của Đức Phật, hãy gửi đến Ngài những câu đối Phật Đản hay nhất sau.

  1. Bảy đóa sen vàng nâng gót ngọc - Ba ngàn thế giới đón Như Lai.
  2. Vườn Lâm chợt thấy hoa đàm nở - Muôn vạn tin vui trổi nhịp đàn.
  3. Thánh Ma Da mộng ứng điềm lành - Vua Tịnh Phạn phước sanh con thảo.
  4. Quốc độ ta bà Đạt Đa khai tạng xả định đản sanh - Cung trời Đâu Suất Bồ-tát vén trăng vào thiền thị hiện.
  5. Bảy bước soi đường sen nâng gót từ bi - Hai tay chỉ lối trí mở mầm bát nhã.
  6. Thái tử đản sanh khai nguồn vi diệu trí - Như Lai thị hiện mở ngõ đại bi tâm.
  7. Quê hương an lạc năm châu tương phùng thế giới rộn rã chào mừng mùa Phật Đản - Đất nước thanh bình bốn biển hội ngộ Việt Nam hân hoan cùng đón hội Vesak.
  8. Gần ba thiên kỷ Đức Phật khai tâm độ chúng sanh qua bờ giác ngộ - Sắp nửa vạn niên Vua Hùng mở nước đưa dân tộc cập bến Âu Ca.
Lễ Phật Đản 2023 là ngày nào? Nguồn gốc, ý nghĩa lễ Phật Đản 14

Những bài thơ Phật Đản ý nghĩa nhất

Những vần thơ sau là kết tinh của sự giác ngộ, lòng tôn kính và biết ơn sâu sắc mà Phật tử muốn dâng lên Đức Phật để kính mừng ngày Phật đản sanh. 

Thiêng liêng Phật Đản - Đại đức Thích Thiện Hữu

Tinh sương hớp cạn chén trà

Nhìn vào thế giới Ta bà ngát hương

Nơi đây vẫn đoá chân thường

Vẫn ngày mùng Tám tỏ tường sắc không.

 

Đản sinh Ngài chốn bụi hồng

Mà sao ấm áp giữa lòng thế nhân

Phật về tỉnh mộng, chuyên cần

Trang kinh con tụng chưa lần sang trang.

 

Thế gian thắm nụ hoa vàng

Khói trầm ngun ngút lướt làn nhiễm ô

Dung từ Ngài ngát sông hồ

Câu kinh vô tự lần vô cõi Thiền

Phật về đời - đạo bình yên

Giáng trần trong chốn thiêng liêng tuyệt vời!

Đóa sen Phật Đản - Đại đức Thích Thiện Hữu

Đầu cúi lạy, đấng từ tôn xuất hiện

Đến Ta bà để ứng hóa, độ sanh

Phật về đây thế giới sẽ an lành

Hồn ấm hẳn trinh anh không điên đảo.

Ngày Phật Đản con quỳ trên ngôi báu

Lò hương tâm dâng cúng Phật thậm thâm

Nhiệm huyền thay xin Phật rưới pháp âm

Để kẻ điếc, người mù tâm nhuận thắm.

Ngày Phật Đản không dâng hoa nhung gấm

Dâng lòng son hòa quyện với bùn non

Bảy đóa sen ngày ấy vẫn vuông tròn

Ngàn năm nữa chẳng mỏi mòn gương - cánh.

Ngày Phật Đản ngồi đây lòng thấm lạnh

Nhìn hoa rơi thấy cả một đường về

Bọt bèo trôi con chẳng phút não nề

Ngày Phật Đản vẫn đề huề chơn tánh!

Sáng soi Phật Đản - Đại đức Thích Thiện Hữu

Ngày Phật Đản muôn đời con vẫn nhớ

Pháp thân Người chuyên chở bóng chân thường

Người về đây bao đau khổ nhiễu nhương

Tan theo gió, hòa trong làn sóng nước.

Ngàn năm trước vẫn còn đầy ô trược

Giấc chiêm bao sao thấy mộng đêm dài

Cuộc trần ai chìm đắm luỵ bi ai

Say hay tĩnh con thơ nào có biết.

Ngày Phật Đản thấy lòng mình da diết

Cũng vì ai có mặt Bụt - Như Lai

Xin Ngài về mang lại ánh ban mai

Bình minh sáng, soi tâm hồn đen tối.

Ngày Phật Đản, Phật mở đường, khai lối

Nẻo luân hồi muôn thuở phải đi ra

Ngài về đây mang nhung gắm Lục hòa

Cõi Tịnh độ từ Ta bà hiển hoá.

Kính mừng Phật Đản - Thích Như Giải

Kính mừng ngày Phật đản sanh

Khắp nơi thôn xóm thị thành hoan ca

Nhớ ngày Phật tổ Thích Ca

Giáng thần thị hiện trẻ già mừng vui

 

Lá cờ năm sắc tuyệt vời

Tín tấn Niệm Định ngời ngời cõi tâm

Huệ lực sáng khắp dương âm

Lục căn hổ dụng vạn phần thong dong 

 

Hạ về sen nở thanh trong

Ngát hương trần thế sạch lòng vô minh

Rằm tháng tư đượm nghĩa tình

Suối từ khai mở chúng sinh vượt nàn

Cờ phấp phới chuyển đạo vàng

Năm châu bốn bể âm vang hương lòng

 

Cõi nào là cõi thanh trong?

Bỏ buông tâm rỗng nhẹ không cuộc đời

Nơi nào hết chuyện chơi vơi?

Điều tâm tùy tức ngôn lời hòa vui

 

Chổ nào hoa lá xanh tươi?

Hỷ hoan tha thứ người người tình thân

Đêm về chiêm bái Kim thân

Bình an cầu nguyện nẻo gần cõi xa

 

 Lá cờ Phật giáo mọi nhà

Treo mừng Thánh đản trẻ già tri ân

Rằm Tháng Tư niệm nguồn tâm

Bỏ buông thanh tịnh muôn phần an vui.

Nụ cười Phật Đản - Đại đức Thích Thiện Hữu

Phật cười vui nhẫn nại

Tự tại kiếp trang đài

Tâm kinh con chép lại

Giật mình thấy Như Lai.

Sắc không nay tan lối

Xa bay chuỗi não phiền

Lòng trinh nguyên thanh thoát

Vào đời chữ Tuỳ duyên.

Hôm nay mừng Phật Đản

Chân tâm vụt hiển bày

Đâu đây chim non hót

Vọng từ cõi thường nguyên!

Lễ Phật Đản 2023 là ngày nào? Nguồn gốc, ý nghĩa lễ Phật Đản 15

Trăng tháng Tư - Triệu Nguyên Phong

Dang tay đón lấy bóng rằm

Tôi chiêm bao gió bao năm đi về

Vướng chân ngọn cỏ sơn khê

Trăng chia bóng với đầm đìa giọt sương

Chân trời quần lấm bùn vương

Sen lồng ngọn gió triều hương dâng đời

Thơ tôi khua vọng mắt người

Lung linh một ánh trăng vời vợi xa

Về đây lễ hội đăng hoa

Đèn sông ngũ sắc trôi va vấp bờ

Sông Hương nửa chảy nửa chờ

Sương pha mực tím mộng mơ sớm chiều.

Hương Khánh đản - Hoàng Hạ Miên

Trầm hương xông ngát Phật đài

Triệu người con Phật vọng ngày Đản sanh

Rằm nghiêng từng giọt trăng lành

Hương Khánh đản chợt long lanh mắt cười.

Mừng Phật đản sanh - Nguyễn Miên Thượng

Ngài thị hiện giữa trần gian u tối

Dắt quần sanh qua khỏi chốn lầm mê

Đời lặn ngụp trong vô vàn tội lỗi

Phật đản sanh soi ngời sáng ngõ về

Hương hoa ngát thành Ca Tỳ La Vệ

Lâm Tỳ Ni rực rỡ ánh hào quang

Trời đất chuyển rung - triều thần đảnh lễ

Bảy bước chân thái tử rộ sen vàng.

Chim chóc mười phương kéo về phủ phục

Tịnh Phạn vương nghe lòng rộn niềm vui

Hoàng hậu Ma Da khóc mừng hạnh phúc

Trăng sáng hoàng thành - trăng sáng muôn nơi…

Rằm tháng Tư của mấy nghìn năm trước

Đấng Thế Tôn lại về với nhân loài

Thắp lửa từ bi… chúng sanh nguyện ước

Theo đuốc tuệ Ngài ngời sáng tương lai…

Lễ Phật Đản là dịp để mọi Phật tử khắp nơi trên thế giới dâng lòng thành kính, tưởng nhớ lại cuộc hành trình 80 năm nơi trần thế của Đức Phật, từ khi đản sanh cho đến thành đạo và cuối cùng là Niết bàn tịch diệt. Ngoài ra, đây còn là ngày nhắc nhở mọi người không ngừng tu tập, buông bỏ phiền não để trở về với chính mình, tìm thấy chân tâm tự tánh, bản lai diện mục. 

Đừng quên cập nhật liên tục những bài viết mới nhất, hấp dẫn nhất tại voh.com.vn - Thường thức.