Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Chánh niệm là gì?  Ý nghĩa và cách thực hành chánh niệm trong đời sống

(VOH) – Khi những giá trị tinh thần ngày càng được mọi người quan tâm và hướng đến, người ta thường nhắc đến hai từ “chánh niệm”. Vậy chánh niệm là gì và mang lại ý nghĩa gì trong đời sống con người?

Chắc chắn nhiều người trong chúng ta đã từng nghe qua “thiền”, hay “chánh niệm”. Ý nghĩa của thiền thì khá dễ hiểu và gần gũi với đời sống con người, còn "chánh niệm" lại là một cụm từ tương đối xa lạ, nhưng chúng cũng đang dần len lỏi vào cuộc sống của mỗi người hiện đại ngày nay.

1. Chánh niệm là gì?

Chánh niệm hay chính niệm được dịch từ sammā sati (tiếng Pali), trong đó, sati có nghĩa là niệm. Từ chánh niệm nếu dịch từ chữ Hán "正 念" có nghĩa là tâm ghi nhớ những điều xảy ra ở hiện tại.

Còn trong tiếng Pali, sati có nghĩa là: ghi nhớ, sự nhớ, ghi nhận. Từ sammā thường dịch là chánh, chơn, đúng. Ngoài ra, sammā còn có nghĩa là đúng đắn, thích hợp, toàn diện, hoàn toàn, trọn vẹn,… tức là một điều gì đó xuất hiện trước mắt bạn như thế nào thì bạn ghi nhận nó như vậy, không phân tích, không phán xét dựa vào cảm tính hay tư duy chủ quan của mình.

Như vậy, chánh niệm được hiểu là ghi nhận, là chú tâm một cách trọn vẹn, toàn diện những gì đang có mặt, xảy ra, bất kể đối tượng ấy đẹp hay xấu, tròn hay méo, ác hay thiện.

Chánh niệm là gì?  Cách thực hành chánh niệm trong đời sống 1

Trong Phật giáo nguyên thủy, chánh niệm là trái tim của thiền tập, là nguồn năng lượng quán chiếu mà bất kỳ một thiền giả nào cũng không thể thiếu. Nó là cột trụ, là cốt tủy trong đạo Phật, tức là dù bạn tu theo bất cứ pháp môn nào thì điều tiên quyết đầu tiên chính là phải thực tập cho mình có chánh niệm.

Bốn nền tảng của Chánh niệm là Tứ niệm xứ, có nghĩa là thiết lập, xây dựng chánh niệm tỉnh giác hay chánh niệm hiện tiền. Phương pháp này giúp con người đạt đến sự giác ngộ viên mãn về tâm tỉnh thức.

Thông thường, thực hành thiền quán (chánh niệm) thường sẽ tập trung: quán thân trong thân, quán cảm giác trong cảm giác, quán tâm trong tâm, quán pháp trong các pháp; với nhiệt tâm, tỉnh giác, và chánh niệm, bỏ đi mọi tham ái và ưu tư dành cho đời.

  • Quán chiếu về thân: Bao gồm sự tỉnh giác trong hơi thở (thở ra – thở vào); tỉnh giác trong 4 dạng cơ bản của thân (đi, đứng, nằm, ngồi); tỉnh giác trong mọi hoạt động của thân thể, quán sát 32 phần thân thể (tóc, lông, da, thịt, xương, thận, gan, mủ, máu, mồ hôi, nước mắt…), quán sát các yếu tố tạo thành thân thể cũng như thiền quán tử thi.
  • Quán chiếu về cảm giác: Là những cảm giác, cảm xúc trỗi dậy trong tâm, có thể là dễ chịu, khó chịu, hay trung tính.
  • Quán chiếu về tâm: Là chú ý đến các ý nghĩ đang hiện diện trong đầu, biết rõ nó là tham hay vô tham, sân hay vô sân, si hay vô si; biết rõ tâm quảng đại hay không quảng đại; tâm hữu hạn hay không hữu hạn, tâm định hay không định, tâm giải thoát hay không giải thoát, tâm cao thượng hay không cao thượng…
  • Quán chiếu về pháp: Là biết rõ mọi pháp đều phụ thuộc lẫn nhau, điều Vô ngã, biết rõ Năm Chướng Ngại (tham lam, sân hận, trạo cử, hôn trầm và nghi ngờ) có hiện hữu hay không, biết rõ con người chỉ là Ngũ uẩn (nhóm tượng trưng cho 5 yếu tố tạo thành toàn bộ thân tâm con người) đang hoạt động, biết rõ gốc hiện hành của các pháp và hiểu rõ Tứ diệu đế (những sự thật của bậc thánh).

Xem thêm:
Bình yên là gì? Những câu caption bình yên trong cuộc sống giúp bạn nhẹ lòng
‘Giác ngộ’ để cuộc đời an nhiên, hạnh phúc tự tìm đến!
Học cách buông bỏ và chấp nhận để có được một cuộc đời hạnh phúc, bình yên

2. Ý nghĩa của chánh niệm là gì?

Chánh niệm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nó “đánh thức” con người dậy để nhận thấy sự thật rằng, sự sống của ta chỉ có mặt trong giây phút hiện tại mà thôi. Nếu chúng ta không sống trọn vẹn trong những giây phút ấy, ta sẽ bỏ qua những thức quý báu nhất trong đời, những cơ hội giúp ta trưởng thành và chuyển hóa trong suy nghĩ.

Chánh niệm cũng là phương pháp giúp con người làm chủ được hướng đi và phẩm chất của đời mình, nhất là trong các mối tương quan giữa gia đình, xã hội, rộng hơn là thế giới, đặc biệt nhất là với chính bản thân mình.

Chánh niệm là gì?  Cách thực hành chánh niệm trong đời sống 2
Chánh niệm giúp con người nhận ra sự sống của ta chỉ có mặt trong giây phút hiện tại.

3. Những cách thực hành chánh niệm

Dù là một phương pháp tu tập cổ truyền trong đạo Phật, chánh niệm vẫn mang nhiều ý nghĩa tích cực và rất thích hợp trong đời sống hiện đại ngày nay. Không phải chỉ có Phật tử mới có thể tu tập chánh niệm mà bất cứ ai trong chúng ta cũng đều có thể thực hành phương pháp này, chỉ cần bạn nhớ rõ 2 điều, đó là: nhận thức bản thân đang sống trong thực tại và chấp nhận mọi vấn đề xảy ra, không phán xét, đánh giá, tích cực hóa hay cố gắng né tránh.

3.1 Nhận thức được bản thân đáng sống giữa thế giới thực tại

Thực hành chánh niệm không cần phải phức tạp, tức là bạn không cần phải mặc một bộ trang phục phù hợp hay đến đúng nơi mới có thể thực hành chúng. Bạn có thể nhận thức bản thân đang sống hiện hữu giữa thế giới thực tại ở bất kỳ nơi đâu, cảm nhận sự tồn tại của bản thân trong từng hơi thở, từng bước đi và hành động, vậy là bạn đang dần bước vào thế giới chánh niệm rồi đấy.

Thay vì lựa chọn một góc thật đẹp với chim hót và gió thoảng để thực hành chánh niệm, bạn hãy cảm nhận sự tồn tại của mình trên từng con phố đông đúc, từng dòng người kẹt cứng, khi uống một tách trà hay nghe một bản nhạc… Đừng nghĩ chánh niệm là một thứ gì đó siêu nhiên, nó chỉ “đơn giản” là việc lúc nào bạn cũng thấy mình hiện diện trong thực tại.

3.2 Chấp nhận thực tại, không trốn tránh

Nguyên tắc thứ hai khi thực hành chánh niệm là hãy học cách chấp nhận. Chấp nhận mọi cảm xúc trong tâm trí bạn, không cố gắng né tránh hay xua đuổi, hoặc lừa gạt cảm xúc của mình.

Thực hành chánh niệm không thể giúp bạn rũ bỏ hoàn toàn hay giải quyết những vấn đề trong cuộc sống. Nó chỉ giúp bạn nhận ra rằng các vấn đề như một cơn gió thổi qua người bạn rồi sẽ rời đi. Hãy nhìn nhận mọi thứ bằng tâm thế, tổn thương hay đau khổ là điều ai cũng sẽ phải đối mặt, nhưng việc chấp nhận bản thân đau khổ là lựa chọn của riêng mỗi người.

Xem thêm
Chiêm nghiệm 37 bài thơ Phật giáo ý nghĩa, thấm thía lẽ nhân sinh muôn đời
Phật Pháp và những câu nói giúp bạn nhận ra cuộc sống thật tươi đẹp
Hạnh phúc ở đâu, bình yên ở đâu? - Những câu nói của thiền sư Thích Nhất Hạnh sẽ giúp ta giải mã điều đó!

4. Tại sao người trẻ đang dần hướng về lối sống chánh niệm?

Chánh niệm bao trùm lên nhiều điều ý nghĩa trong cuộc sống, là chấp nhận sống thật với bản thân, chấp nhận không có gì là mãi mãi, là hiểu được giá trị của hiện tại.

Chánh niệm là gì?  Cách thực hành chánh niệm trong đời sống 3

Chúng ta không thể hạnh phúc và vui vẻ khi cứ đắm chìm trong những ý niệm về tương lai. Cho nên, người trẻ hiện đại đang dần học cách sống chánh niệm để trân trọng giá trị của cuộc sống hiện tại. Chỉ khi bạn hiểu được trọn vẹn từng khoảnh khắc trong hơi thở, bạn mới thực sự hiểu được ý nghĩa của cuộc sống này.

Hơn thế, chánh niệm cũng là cách để người trẻ hiểu hơn về sự khoan dung và gây dựng lòng trắc ẩn. Thay vì tránh né nỗi đau của của bản thân hay nhìn nhận nỗi đau của người khác một cách hời hợt, thì giờ đây chúng ta chấp nhận thực tế một cách bao dung, thấu hiểu hơn.

Cuộc sống sẽ luôn chứa đầy sự bất mãn nếu con người không biết hài lòng. Vậy nên, nếu có thể hãy học cách sống chánh niệm trong mọi hoàn cảnh cuộc sống ngay từ bây giờ. Đừng đợi đến khi đã “băng qua” những năm tháng chông chênh nhất của cuộc đời vết đầy vết sẹo mới học cách quay về chánh niệm.

Bình luận