Vị bác sĩ hết lòng vì bệnh nhân COVID-19

(VOH) - Nhóm Oxy Sài Gòn được bác sĩ Trần Thanh Nhân khởi xướng từ những ngày đầu tháng 8 và lớn dần khi hiện hay đã hơn 40 người tham gia tình nguyện.

Những ngày TPHCM căng mình với đại dịch vừa qua, số lượng F0 tại cộng đồng tăng cao với hàng nghìn ca mới mỗi ngày, một bác sĩ đã được những bệnh nhân Covid nói riêng và người TP nói chung xem là ân nhân bởi anh đã không ngại khó khăn, nguy hiểm, lần theo từng cuộc gọi khẩn cấp để mang oxy đến tận nơi cho người bệnh.

Đó là bác sĩ Trần Thanh Nhân hiện công tác tại bệnh viện Bình Dân TPHCM, người phụ trách điều trị F0 tại nhà và là người sáng lập nhóm thiện nguyện Oxy Sài Gòn – chuyên phát thuốc miễn phí và oxy cho bệnh nhân Covid bất kể khi nào họ cần giúp. Bác sĩ Nhân cũng được xem là vị bác sĩ gia đình của những bệnh nhân Covid.

Hiện tại, có hàng trăm bệnh nhân Covid-19 đang điều trị hoặc đã khỏi bệnh vẫn hàng ngày liên lạc với nhau trên các nhóm zalo được điều hành bởi bác sĩ Trần Thanh Nhân. Với nhiều người, dù đã khỏi bệnh lâu nhưng vẫn không rời nhóm, vì với họ đây như một gia đình thứ hai dù chưa ai gặp ai ở ngoài bao giờ.

Đơn giản vì với cộng đồng này, họ đã cùng nhau trò chuyện, tâm sự, điều trị bệnh… dưới sự quản lý của một “trưởng nhóm” luôn hết lòng vì họ - bác sĩ Trần Thanh Nhân. Những bệnh nhân Covid-19 nhận được sự giúp đỡ về thuốc men, oxy đều được bác sĩ Nhân thêm vào nhóm để theo dõi bệnh tình hàng ngày, cùng lắng nghe, chia sẻ và cho họ những liều thuốc tinh thần tốt nhất.

Vị bác sĩ hết lòng vì bệnh nhân COVID-19 giữa đại dịch 1
Oxy được giao khẩn cấp miễn phí tận nơi cho bệnh nhân khó thở.

Nhóm Oxy Sài Gòn được bác sĩ Nhân khởi xướng từ những ngày đầu tháng 8 và lớn dần khi hiện hay đã hơn 40 người tham gia tình nguyện. Nhóm hình thành để cùng bác sĩ Thanh Nhân mua và ship bình oxy cũng như thuốc cho các bệnh nhân nặng khó thở trong lúc chờ đi cấp cứu.

Theo lời kể từ các bệnh nhân đã được giúp đỡ, khi bệnh nhân cảm thấy không ổn thì họ sẽ liên hệ với bác sĩ Nhân qua zalo để bác sĩ tư vấn kê thuốc miễn phí. Nếu tình trạng khó thở thì người nhà sẽ quay khoảng 30 giây cận cảnh bệnh nhân để bác sĩ xem và "ship" bình oxy ngay lập tức, sau đó nhắn riêng cho bác sĩ tóm tắt quá trình bệnh Covid, triệu chứng, bệnh nền, đã và đang uống thuốc gì, kèm tên bệnh nhân, tuổi, địa chỉ, số điện thoại nhận thuốc.

Sau khi bệnh nhân quan cơn nguy hiểm, chính họ hoặc người nhà sẽ liên hệ lại với bác sĩ Nhân qua zalo để nói rõ hơn quá trình bệnh Covid-19 và lịch sử bệnh nền, gửi hình chụp kết quả xét nghiệm, gửi hình chụp đo chỉ số oxy nếu có, từ đó giữ liên hệ với bác sĩ Nhân như một người bạn, bác sĩ sẽ trò chuyện, theo dõi hàng ngày.

Việc giúp đỡ oxy miễn phí của bác sĩ Nhân là không kể giàu nghèo, vì theo chia sẻ của bác sĩ Nhân: đối với cơ hội cấp cứu sự sống, giàu nghèo cũng bình đẳng.

Thực tế, cũng không phải nhà giàu không có tiền mua bình mà vì rất khó kiếm được bình vào thời điểm vừa qua. Những chỗ bán bình truyền thống bán giá 3tr, 3,5 tr thậm chí tới 11tr/bình mà dùng hết bình họ không dám tới thay bình mà bắt bà con mua bình mới cho ngày hôm sau.

Trong tháng 7 đầu tháng 8 thì toàn thành phố hầu như rất khó mua bình nên nhóm của anh đã cố gắng gom góp bình và van với giá sỉ hỗ trợ bà con miễn phí. Nhóm cũng không yêu cầu đặt cọc bình, vì đợi bà con chuyển khoản online mới mang bình tới thì đã mất thời gian, nguy hiểm cho họ. Bác sĩ Nhân cho biết chỉ mong bà con qua khỏi cơn nguy cấp đừng ôm bình dự trữ mà hãy liên hệ lại để người khác có cơ hội được cứu oxy.

Hiện tài khoản zalo của bác sĩ Nhân có hàng trăm bệnh nhân đang kết nối với nhau như một gia đình nhỏ. Họ cùng bác sĩ chia sẻ những buồn vui, chuyện gia đình, chuyện bệnh tình…

Dù rất bận rộn trong hoàn cảnh này, bác sĩ Nhân vẫn hàng ngày không bỏ sót một tin nhắn nào dù đôi lúc có những câu chuyện không liên quan đến Covid-19. Chính điều này đã giúp các bệnh nhân Covid-19 dần khỏe mạnh và nhiều người đã khỏi bệnh nhanh chóng.

Ngoài ra, những lúc công việc có phần bớt căng thẳng, bác sĩ Thanh Nhân còn tham gia các hoạt động trao tặng quà, giúp đỡ cho bà con các khu cách ly và những người khó khăn trong đại dịch.

Bình luận