Bình luận: Nỗi lo dân số vàng

(VOH) - Hôm nay ngày 01/11/2013, là thời điểm Việt Nam đón chào công dân thứ 90 triệu ra đời tại bệnh viện Phụ sản Trung ương. Với cột mốc này, Việt Nam đang là quốc gia đông dân đứng thứ ba khu vực Đông Nam Á và thứ 14 thế giới.

Nhìn lại hành trình dân số kế hoạch hóa gia đình, chúng ta hoàn toàn có quyền tự hào về những mục tiêu đã đạt được. Từ năm 1960 đến nay, số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đã giảm mạnh từ 6,3 xuống còn 2,05. Tỉ lệ tăng dân số hiện chỉ còn 1%. Trong khi đó tuổi thọ của người dân đã được nâng cao, từ 40 tuổi lên 73 tuổi. Đây có thể xem là một thành tựu quan trọng của nước ta trong quá trình thực hiện chiến lược dân số, kế hoạch hóa gia đình, nâng cao chất lượng sống cho người dân.

Cùng với con số 90 triệu, chúng ta đang bước vào thời kỳ cơ cấu dân số vàng với khoảng 70% dân số đang ở độ tuổi lao động, 2 người đang trong độ tuổi lao động nuôi 1 người phụ thuộc. Đây là lợi thế lớn để phát triển kinh tế xã hội. Rõ ràng, trong thời gian qua, với lực lượng lao động dồi dào, trình độ ngày một nâng cao, Việt Nam dần trở thành một địa điểm lý tưởng thu hút đầu tư nước ngoài, xu hướng tiến đến trở thành công xưởng của thế giới. Vậy nhưng trên thực tế đang có nhiều vấn đề đặt ra buộc phải suy tính.


Ba em bé chào đời lúc 0giờ tại BV Trung ương Huế - Ảnh: TTO.

Khi rơi vào cơ cấu dân số vàng, vô hình đã tạo ra một áp lực rất lớn cho Nhà nước trong việc tạo công ăn việc làm, duy trì các chính sách bảo hiểm xã hội, chưa kể các vấn đề khác như an ninh trật tự, an ninh lương thực, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, giáo dục…. Người ta tính toán rằng, nếu dân số tăng 1% thì kinh tế phải tăng thêm 3-4% mới đảm bảo xã hội phát triển liên tục và bền vững. Trong khi đó, nền kinh tế quốc dân hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn và chưa có dấu hiệu phục hồi rõ nét. Dân số nước ta là lý tưởng - nhất là lực lượng lao động trong độ tuổi, nhưng còn quá bấp bênh. Thể hiện ở chỗ, số lao động có trình độ khoa học kỹ thuật, lành nghề, đáp ứng được các yêu cầu điều kiện làm việc còn thấp, tỉ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm cao. Các điều kiện chăm sóc y tế, giáo dục vẫn còn không đồng đều và đang ở tình trạng quá tải. Ở các vùng nông thôn, đa số vẫn là lao động thủ công, nghề chính là nông nghiệp thuần túy. Trong khi nhìn sang một số quốc gia lân cận thì thấy rõ, nhân công rẻ đã không còn là lợi thế tuyệt đối trong quá trình cạnh tranh mà nhất thiết vẫn phải là lao động được qua đào tạo tay nghề, người lao động phải đủ điều kiện sức khỏe để đáp ứng được công việc áp lực cao với chuẩn quốc tế.

Một nỗi lo nữa là sự mất cân đối giữa tỉ lệ sinh ở các vùng miền và mất cân bằng giới tính giữa trẻ sơ sinh nam và nữ ngày càng lớn. Tại các đô thị lớn như TPHCM, Hà Nội xu hướng sinh ít hơn 2 con, độ tuổi sinh nở cũng tăng dần theo thời gian. Trong khi ở các vùng sâu, vùng xa thì tỉ lệ sinh lại có xu hướng tăng cao. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến cơ cấu lao động và sức khỏe của nguồn nhân lực về sau. Tư tưởng trọng nam khinh nữ còn nặng nề khiến tình trạng mất cân bằng giới tính là đáng báo động. Một số gia đình khi biết được bào thai là gái đã lựa chọn phương án bỏ hoặc gia đình đã có nhiều con nhưng người chồng vẫn bắt vợ phải sinh thêm con trai để nối dõi tông đường. Và hệ quả đáng quan ngại hiện nay là tỷ số giới tính khi sinh của nam đã vượt nữ 12%. Nhiều người do chủ quan và không hề biết rằng vài chục năm tới đây, con cháu họ sẽ đứng trước nguy cơ không thể kết hôn hoặc phải trì hoãn việc kết hôn do nam thừa và nữ lại quá thiếu…

Nhìn vào các quốc gia phát triển, tỉ lệ sinh thấp chính là yếu tố quan trọng để thúc đẩy kinh tế phát triển nhưng những hệ lụy mà Chính phủ các nước đang phải đối mặt là dân số già, gánh nặng chế độ xã hội và đau đầu hơn là nguồn nhân lực quốc gia. Bởi vậy một số nước phải thực hiện việc tăng tuổi nghỉ hưu. Những bài học đó là kinh nghiệm quý giá để các nhà hoạch định chính sách dân số nước ta nghiên cứu lại chiến lược dân số là nên khuyến sinh hay giảm sinh, tăng tuổi nghỉ hưu cho phù hợp, đồng thời cũng cần chú trọng đến việc đầu tư cho thế hệ thanh niên trong độ tuổi vàng tiếp cận các dịch vụ xã hội có chất lượng như sức khỏe sinh sản, giáo dục đào tạo, dạy nghề cùng các cơ hội việc làm để thúc đẩy kinh tế phát triển.

Bình luận