Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Nỗi lo bệnh tật từ thực phẩm độc hại

(VOH) - Vào những tháng cuối năm và giáp Tết nguyên đán, nhiều nơi trong cả nước bỗng rộ lên tình trạng buôn bán, vận chuyển và tiêu thụ các loại thực phẩm làm giả, kém chất lượng và không rõ nguồn gốc, nhưng tập trung nhất vẫn là ở các đô thị lớn.

Tại Hà Nội, ngày 29/12, quản lý thị trường vừa phát hiện công ty cổ phần XNK thực phẩm Bách Hợp tổ chức đóng gói và đưa đi tiêu thụ các loạt mứt gừng và dâu tây xuất xứ Thái Lan đã hết hạn từ 9/1/2011, nay nghiễm nhiên mang nhãn hiệu của Đức và hạn sử dụng tới cuối năm 2012! Cũng công ty này còn đưa mì ống của Ý - đã không còn được sử dụng từ tháng 3 năm ngoái vào bao bì mới và có niên hạn tới năm 2014!

Tại TPHCM, Trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức phối hợp với CSGT liên tục phát hiện và bắt giữ nhiều trường hợp vận chuyển nội tạng trâu bò, heo, heo sữa, chân trâu bò, mỡ… đã thối rữa, bốc mùi và chảy nhớt xanh. Hầu hết những thịt bẩn này được đóng trong thùng xốp và chở bằng xe tải, xe khách từ Đồng Nai hoặc miền trung vào tiêu thụ. Đã có hàng chục tấn hàng loại này bị tạm giữ và tiêu hủy ngay, hòng diệt tận gốc mầm dịch bệnh nguy hiểm. Đáng lo ngại là ngoài tình trạng thịt bẩn đang trong thời gian phân hủy, các dấu hiệu còn cho thấy không loại trừ số heo này đã chết hàng loạt trước khi mổ, có nghĩa là đã chết vì bệnh.

Một vụ vận chuyển heo sữa thối bị lực lượng QLTT TP.HCM thu giữ sáng 20-12.

Trên thực tế, đây chỉ là một phần những lô hàng thịt bẩn, hàng quá niên hạn bị lực lượng chuyên ngành kiểm tra và bắt giữ được vì đã có không ít hàng hóa hết hạn sử dụng được phù phép bằng việc thay thế bao bì, nhãn mác trở thành hàng xịn. Các loại thịt bẩn, sau công đoạn sơ chế bằng nhiều loại hóa chất để tẩy trắng, khử mùi, tẩm ướp màu và làm cho dai, cho giòn… được hô biến thành thịt tươi ngon, hấp dẫn, tràn ra các chợ chồm hỗm, chợ tự phát, đi vào các bếp ăn tập thể hoặc nằm chễm chệ trên bàn nhậu của các quán bình dân, trở thành món khoái khẩu của thực khách, vừa rẻ tiền, lại vừa ngon miệng… heo sữa bệnh và hư thối bỗng chốc biến thành món heo quay hấp dẫn trong các nhà hàng hạng vừa.

Theo Trung tâm y tế dự phòng TP, để xử lý các loại thịt bẩn nói trên, người ta thường dùng hàn the và chất porax hoặc các hóa chất có gốc phốt phát để tẩy trắng và tăng độ dai và giòn. Porax là chất bột màu trắng, thường dùng để hàn kim loại, giúp hạ điểm chảy trong quá trình hàn. Những hóa chất này khi vào cơ thể sẽ phân hủy tế bào, làm dị dạng tế bào, phá hủy dần hệ tiêu hóa. Phẩm màu công nghiệp dùng tẩm ướp thực phẩm sẽ gây ra các loại ung thư, nhất là ung thư gan. Thời gian qua, nhiều vụ ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể của công ty và trường học - không loại trừ khả năng có sử dụng loại thực phẩm độc hại này.

Hậu quả của thịt bẩn và các loại thực phẩm thuộc dạng hàng hóa không rõ nguồn gốc và xuất xứ là đã rõ, vậy nhưng để kiểm soát loại hàng hóa này thật không dễ. Đơn giản là chúng xuất hiện quá nhiều, ở mọi lúc mọi nơi mà lực lượng quản lý thị trường và kiểm dịch động vật lại quá mỏng. Bác sỹ Nguyễn Thị Huỳnh Mai - Chi cục phó Chi cục VSATTP TP nhìn nhận: hiện chỉ kiểm soát được khoảng 80% nguồn thịt tại các chợ. Số còn lại rất khó quản lý. Đáng lo ngại thay là lượng thịt bẩn kể trên chủ yếu được buôn bán tại các chợ nhỏ nằm trong khu đông dân nhập cư, khu nhà trọ của công nhân, sinh viên và tiêu thụ tại hàng chục, hàng trăm ngàn quán nhậu bình dân nằm khắp mọi nơi ở thành phố này. Rõ ràng, nếu không tiếp tục ngăn chặn tích cực, không xử lý nghiêm tình trạng này thì hậu quả sau nhiều năm là khó lường…

Với lợi nhuận to lớn, những người tham gia vận chuyển, mua bán và chế biến thực phẩm nguy hại này vẫn bất chấp những hiểm họa đang đe dọa cộng đồng, ngang nhiên kinh doanh, cũng là thách thức đối với nỗ lực kiểm soát và ngăn chặn thực phẩm độc hại của ngành chức năng. Về phía người tiêu dùng, có thể đã nghe, đã biết và lo ngại về thực phẩm không sạch, song họ cũng khó mà có một lựa chọn nào khác, một khi khả năng kinh tế eo hẹp, thu nhập hạn chế.

Vậy nhưng nói gì thì nói, đã tới lúc phải mạnh tay với nạn mua bán, vận chuyển và chế biến các loại thực phẩm độc hại có nguy cơ mang dịch bệnh cao như thế này. Cũng rất cần các biện pháp chế tài mạnh mẽ và hiệu quả hơn, bởi chỉ sử phạt hành chính có phần còn nhẹ như hiện nay, e rằng không đủ sức răn đe. Cuối cùng thì chính người tiêu dùng phải tự lựa chọn lấy sản phẩm có lợi cho sức khỏe của mình. Dùng một vài lần có thể chưa mang bệnh, song có thói quen và thậm chí là ưa thích ăn các loại thực phẩm biết là độc hại nhưng rẻ tiền và khoái khẩu thì nguy cơ mang bệnh nan y là điều cầm chắc.

Bình luận