Phải có trách nhiệm với ODA

(VOH) - “Dự kiến từ tháng 7/2017, Việt Nam không còn được vay theo điều kiện ODA khi các đối tác chuyển dần sang sử dụng nguồn vốn vay với ưu đãi thấp hơn và tiến tới cho vay theo lãi suất thị trường. Nguồn ODA đã vay sẽ phải trả nợ nhanh gấp đôi hoặc tăng lãi suất từ 2 đến 3,5%”.

Đó là công bố của Bộ Tài Chính trong buổi họp báo về các nguồn vốn vay.

Nghe nội dung bài viết:

Sở dĩ điều kiện vay ODA thay đổi là do từ năm 2016 Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình với thu nhập bình quân đầu người 2.019 USD/năm.

Thoát khỏi nước nghèo, trở thành quốc gia thu nhập trung bình là điều đáng mừng, chứng tỏ chính phủ đang điều hành nền kinh tế đất nước hiệu quả. Vậy nhưng, việc tăng áp lực trả nợ nước ngoài và nguồn vốn vay bị thu hẹp với các điều khoản khắt khe hơn chắc chắn khiến ngân sách quốc gia càng "eo hẹp".

Tính đến tháng 10/2015, nợ công của Việt Nam khoảng 93 tỷ USD và hiện chiếm 45,9% GDP. Có thể nói, bội chi là căn bệnh kinh niên trong nhiều năm qua. Kỷ luật ngân sách lỏng lẻo cũng là nguyên nhân chính dẫn tới bội chi ngân sách ở mức cao dù nguồn thu tăng đều hàng năm.

ODA tại TPHCM tập trung chủ yếu vào các dự án đường sắt đô thị, các dự án chống ngập. (Ảnh: K.Huân)

Tất cả là tiền thuế của dân

Dù là ngân sách địa phương hay trung ương nhưng vẫn là tiền thuế của dân do vậy người dân không chấp nhận đầu tư lãng phí dẫn đến khoản nợ công quá lớn.

Nếu như ngân sách được siết chặt, mỗi đồng vốn đầu tư được giám sát chặt chẽ và tính toán kỹ lưỡng thì làm gì có chuyện dự án mở rộng nhà máy gang thép Thái Nguyên 8.100 tỷ đồng trở thành đống sắt gỉ; nhà máy Bio Ethanol Dung Quất (Quảng Ngãi) gần 1.900 tỷ đồng mới đây buộc phải đóng cửa do thua lỗ.

Đó chỉ là 2 "minh chứng" trong số nhiều công trình ngàn tỷ để rồi hoạt động cầm chừng hoặc không hiệu quả và phải "đắp chiếu". Ngoài ra, chưa kể các dự án đội vốn, tăng gấp 2,3 lần so với ban đầu đang “đè nặng” ngân khố quốc gia vốn bị thâm thủng nặng nề.

Cơ chế sử dụng vốn ODA (cấp phát cho địa phương và Nhà nước chịu rủi ro toàn bộ) đang bộc lộ bất cập. Đó là tâm lý ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước, chưa thực sự khuyến khích chủ đầu tư sử dụng vốn tiết kiệm, hiệu quả. Tình trạng “vung tay quá trán” từ đây mà ra. 

Công bằng giữa Trung ương và địa phương

Cơ quan chức năng dự kiến chia các địa phương thành 5 nhóm với tỷ lệ vay lại vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và được cấp phát rõ ràng.

Dự án cải tạo kênh và đường dọc kênh Tân Hóa - Lò Gốm được triển khai từ nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới. Trong hình: nạo vét kênh trong quá trình triển khai dự án (Ảnh: Lan Hương)

Những nơi còn khó khăn sẽ được áp dụng tỷ lệ vay lại vốn ODA chỉ là 10% và vẫn cấp phát khoảng 90%. Địa phương "khá hơn" sẽ có tỷ lệ vay lại khoảng 20%-30%. Với địa phương dồi dào hơn có thể áp dụng cơ chế 50-50, tức là Nhà nước hỗ trợ 50%, địa phương tự vay lại 50%.

Hà Nội và TPHCM dự kiến áp dụng tỷ lệ 80-20, đồng nghĩa Nhà nước hỗ trợ 20%, địa phương tự vay lại 80%”.

Điều này nhằm để địa phương chia sẻ gánh nặng với Trung ương. Việc quy định các địa phương “có vay, có trả” với vốn vay được Bộ Tài chính hy vọng sẽ giảm bớt sức ì bấy lâu của nơi nhận vốn.

Đã qua rồi cái thời ODA được quốc tế viện trợ dồi dào với nhiều ưu đãi. Giờ đây từng đồng vốn ngân sách phải được tính toán căn cơ, chắt chiu cho những dự án đầu tư trọng điểm, có quan hệ mật thiết với đời sống dân sinh, cho người dân thấy được hiệu quả mà dự án mang lại. Đó mới chính là những đồng tiền được sử dụng đúng mục đích.

Cũng đến lúc cần quy trách nhiệm rõ ràng với người ra quyết định, ký dự án gây thất thoát, lãng phí và xử lý triệt để ngành, địa phương gây thất thoát, lãng phí các khoản vay.

Sử dụng nguồn vốn - tiền đóng thuế của người dân hiệu quả là yêu cầu cấp thiết ngay từ bây giờ.