Tiêu điểm: Nhân Humanity

VĐHN: Bữa ăn học đường – Còn đó nỗi lo

(VOH) - Dư luận chưa hết lo lắng bởi những vụ ngộ độc tập thể xảy ra tại các trường học, mà gần đây nhất là vụ 47 học sinh tỉnh Hà Giang ăn phải thịt heo nhiễm vi khuẩn tụ cầu vàng bị ngộ độc vào cuối tháng 9 vừa qua, thì nay lại bức xúc trước thông tin bắt quả tang vụ “ăn bớt” suất ăn học sinh tiểu học tại trường Tiểu học Tân Lập 1, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Chưa đề cập đến lương tâm và trách nhiệm của người làm công tác giáo dục, chỉ đứng ở khía cạnh quản lý của ngành giáo dục - đào tạo và trách nhiệm người đứng đầu đối với vấn đề dinh dưỡng trong học đường, cũng đã thấy vô cùng quan ngại, bởi lẽ ở đó đây trên nhiều tỉnh thành vẫn còn tồn tại không ít khiếm khuyết trong các công đoạn chăm sóc trẻ bán trú.
Ảnh minh họa: TNO

Phụ huynh, khi giao con em cho nhà trường để học bán trú, là xem như đã trao trọn niềm tin vào các thầy cô giáo. Ở đó, ngoài học tập, dung nạp kiến thức, các cháu còn cần được ăn ngủ, nghỉ ngơi và tham gia các hoạt động thể dục thể thao, hoạt động ngoại khóa. Đặc biệt, miếng ăn, giấc ngủ là điều mà phụ huynh vô cùng quan tâm. Ăn trưa là bữa chính trong ngày, và đặc biệt với trẻ trong độ tuổi đang phát triển, nguồn dinh dưỡng cho bữa ăn chính này không chỉ là để no, mà còn phải đầy đủ dưỡng chất. Vậy nhưng, trên thực tế, có không ít trường học chưa quan tâm đến vấn đề dinh dưỡng, nâng chất khẩu phần ăn theo đúng nhu cầu của trẻ, mà chỉ làm theo những gì sẵn có, thậm chí là giao hẳn cho nhà thầu mà không kiểm tra, giám sát quy trình chế biến thức ăn. Việc đấu thầu bếp ăn trong các trường học cũng không có quy định cụ thể về điều kiện, tiêu chuẩn, mà chủ yếu dựa vào vài ba mối mang quen biết với Ban giám hiệu, chủ tịch Công Đoàn hoặc giáo viên trong trường. Do không có kiến thức cơ bản về dinh dưỡng cho trẻ em, không có bằng cấp về nấu ăn, thậm chí một số nhà thầu không đảm bảo cơ sở hạ tầng cho việc nấu nướng, không đăng ký theo quy định về tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm… nên thức ăn không đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cả về lượng lẫn về chất, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm là điều dễ hiểu. Những vụ ngộ độc thức ăn tập thể trong học đường, các đợt dịch bệnh lây truyền qua đường ăn uống bùng phát cũng do sự tắc trách, cẩu thả của các nhà thầu mà ra. Bên cạnh đó, việc đấu thầu không rõ ràng về quy định, tiêu chuẩn, điều kiện hoặc chỉ thông qua người quen, sẽ dễ tạo kẽ hở để các nhà thầu bắt tay với một số cán bộ, nhân viên trong trường xà xẻo, ăn bớt khẩu phần của học sinh.



Ở các nước, việc cung cấp thức ăn cho các trường học phải tuân thủ theo những quy chuẩn nghiêm ngặt, như: người trực tiếp chế biến thức ăn bắt buộc phải có bằng cấp về lĩnh vực ẩm thực, dinh dưỡng; công ty đứng ra thầu phải đăng ký kinh doanh, dịch vụ theo quy định với đầy đủ điều kiện cơ sở hạ tầng đảm bảo cho gói thầu; Hợp đồng phục vụ bữa ăn phải quy định rõ về số lượng, chất lượng… Vì vậy, khi có sự cố hoặc nghi vấn về thức ăn do nhà thầu cung cấp, nhà chức trách lập tức vào cuộc điều tra, có kết luận và chế tài theo luật định. Đó là về điều kiện ràng buộc pháp lý. Còn về chất lượng phục vụ, học sinh – đối tượng quan tâm chính của nhà thầu, được lựa chọn, đề đạt và góp ý đối với thức ăn trong khẩu phần. Do đó, học sinh luôn cảm thấy hài lòng khi dùng bữa tại trường và phụ huynh cũng vô cùng an tâm.


Thực tế cho thấy, thời gian qua, khi đặt vấn đề giáo dục – đào tạo lên bàn nghị sự hay ở các diễn đàn chuyên ngành, rất hiếm khi chúng ta thấy đề cập đến vấn đề dinh dưỡng và an toàn vệ sinh thực phẩm trong học đường. Chính vì vậy mà nhiều vụ việc xảy ra, mặc dù gây bức xúc trong dư luận xã hội, nhưng rồi sau đó lại đi vào… quên lãng! Đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có một văn bản mang tính pháp lý, hoặc thống nhất của ngành Giáo dục – Đào tạo quy định về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm và chế tài đối với các bên có liên quan trong đấu thầu và quản lý bếp ăn học đường. Việc đấu thầu bếp ăn là do các trường tự quyết định, còn xử lý các vụ việc xảy ra cũng chỉ dừng lại ở mức độ cao nhất là “xem xét và cắt hợp đồng” đối với nhà thầu mà thôi! Đã đến lúc phải chấn chỉnh, thắt chặt quản lý, xây dựng những tiêu chí, điều kiện, quy chuẩn cụ thể và chế tài nghiêm khắc đối với những vụ việc liên quan đến bếp ăn học đường, chất lượng bữa ăn và chế độ dinh dưỡng cho học sinh. Đồng thời, ngành giáo dục nói chung, các trường học và bản thân từng giáo viên, bảo mẫu cần xem đây là nhiệm vụ quan trọng, là trách nhiệm, góp phần cùng gia đình, xã hội chăm lo sức khỏe cho học sinh.

Bình luận