Chờ...

10 tác dụng của củ sen cho sức khỏe

(VOH) - Sen không chỉ tượng trưng cho vẻ đẹp cao quý và thuần khiết mà các bộ phận của sen cũng có công dụng tốt cho sức khỏe, trong đó tác dụng của củ sen đã được chứng minh trong y học lẫn ẩm thực.

1. Củ sen là gì ?

Đối với văn hóa phương Đông như Trung Quốc, Nhật Bản và cả Việt Nam, sen đã đi vào đời sống thường nhật của con người, không chỉ bởi nét đẹp thanh tao mà nó còn rất hữu ích đối với cuộc sống.

Hầu như tất cả các bộ phận sen như lá sen, hạt sen, ngó sen, tim sen... đều được sử dụng trong y học hoặc trong các món ăn khác nhau. Ngoài ra, chúng ta không thể nào không nhắc đến củ sen – một bộ phận rất nhỏ tưởng như bỏ đi của sen nhưng lại chứa đựng nhiều lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe.

10-tac-dung-cua-cu-sen-cho-suc-khoe-voh-1
Củ sen là thực phẩm lành mạnh và an toàn (Nguồn: Internet)

Củ sen là một loại củ màu trắng, có nhiều lỗ, vị ngọt, giòn kể cả khi nấu chín. Củ sen chứa nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu và được mệnh danh là một trong những loại thực phẩm lành mạnh và an toàn nhất trên thế giới. Các loại củ sen phổ biến hiện nay là củ sen 7 lỗ và củ sen 9 lỗ.

1. Tác dụng của củ sen với sức khỏe

Rất nhiều các nghiên cứu khoa học đã chững minh tác dụng của củ sen với sức khỏe con người. Dưới đây là  tác dụng nổi bật nhất:

1.1 Bổ gan

Củ sen có chứa tanin – một chất làm se có tác dụng bảo vệ gan. Các nghiên cứu cho thấy, chất tamin trong củ sen giúp cải thiện các bệnh về gan như: bệnh xơ gan, gan nhiễm mỡ không do rượu...

1.2 An thần

Trong củ sen có chứa pyridoxine là một thành phần quan trọng của các vitamin B –complex, có thể tương tác trực tiếp với các thụ thể thần kinh trong não giúp kiểm soát đau đầu, căng thẳng và tâm trạng bất an, khó chịu.

1.3 Chữa bệnh tiêu chảy

Một trong những tác dụng của củ sen đã được xác nhận vào năm 1995 chính là đặc tính chống tiêu chảy. Nếu bạn đang có dấu hiệu bị tiêu chảy bạn nên ăn củ sen đã hấp chín sẽ thấy tình trạng được cải thiện rõ rệt.

10-tac-dung-cua-cu-sen-cho-suc-khoe-voh-2
Củ sen hấp tốt cho người bệnh tiêu chảy (Nguồn: Internet)

1.4 Chống oxy hóa

Một chế độ dinh dưỡng chứa nhiều chất chống oxy hóa sẽ giúp chống lại những tổn thương do các gốc tự do gây ra, từ đó ngăn chặn các căn bệnh chết người như ung thư. Củ sen chính là một trong những thực phẩm có thể giúp bồi đắp lượng dự trữ các chất chống oxy hóa trong cơ thể.

Xem thêm: 12 thực phẩm giàu chất chống oxy hóa giúp bạn 'hạ gục' các gốc tự do gây ung thư

1.5 Hạ sốt

Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, tác dụng củ sen tương tự như thuốc hạ sốt. Củ sen có tính mát, do đó nếu bạn đang bị sốt có thể ăn một bát canh từ củ sen để giúp hạ sốt kịp thời.

1.6 Tốt cho hệ hô hấp

Công dụng của củ sen cũng rất tốt đối với hệ hô hấp, bởi có thể giúp làm sạch đường hô hấp vì lượng vitamin C cao trong củ sen sẽ làm tan chất nhầy và thông thoáng đường thở.

1.7 Cải thiện sức khỏe hệ thống miễn dịch

Với hàm lượng vitamin C cao, củ sen giúp cải thiện và tăng cường hệ thống miễn dịch một cách lâu dài. Nó cũng vô hiệu hóa các gốc tự do, giúp các cơ quan, da và mạch máu khỏe hơn.

1.8 Cải thiện lưu thông máu và điều chỉnh huyết áp

Sự kết hợp của đồng và sắt trong củ sen giúp cải thiện lưu thông máu trong cơ thể. Chúng còn giúp giảm nguy cơ phát triển các triệu chứng liên quan đến thiếu máu, cũng như cải thiện năng lượng.

Kali trong củ sen cũng giúp điều hòa huyết áp, giãn các mạch máu, cân bằng lượng chất lỏng trong cơ thể và cải thiện lưu lượng máu.

1.9 Tác dụng của củ sen tốt cho da và tóc

Sự hiện diện của vitamin B và C trong củ sen giúp mang lại làn da trắng sáng hoàn hảo và mái tóc mềm mượt. Vitamin C kích thích sản xuất collagen trong cơ thể, một chất chịu trách nhiệm cho sự săn chắc của da.

10-tac-dung-cua-cu-sen-cho-suc-khoe-voh-3
Củ sen góp phần giúp da săn chắc (Nguồn: Internet)

1.10 Thúc đẩy giảm cân

Củ sen không chỉ chứa ít calo mà còn chứa nhiều chất xơ giúp no lâu hơn. Do đó, giảm cảm giác đói trong ngày và giúp ăn ít hơn.

Lưu ý: Do củ sen giàu tinh bột nên những người bị tiểu đường nên hạn chế ăn nhiều. Củ sen cũng chứa nhiều chất xơ, vì thế những người bị kích ứng đại tràng, chướng bụng hay viêm loét đại trạng cũng không nên ăn.

Xem thêm: Gợi ý về chế độ ăn và thực đơn lành mạnh cho bệnh nhân tiểu đường

2. Tác dụng của củ sen theo y học cổ truyền

Trong y học cổ truyền và kinh nghiệm dân gian, củ sen có vị ngọt, tính mát bình, không độc. Củ sen còn sống có tính hàn, nấu chín có tính ôn. Công dụng của củ sen là cầm máu, bổ huyết và điều kinh.

Một số bài thuốc thường dùng từ củ sen là:

2.1. Bài thuốc thanh nhiệt

Sử dụng khoảng 200 – 250g củ sen loại tươi cắt thành đoạn ngắn, lá đạm trúc diệp 10g. Cho tất cả vào nồi, nấu và lấy nước uống thay trà hàng ngày.

2.2. Bài thuốc trị cảm, nóng trong người

Củ sen tươi 100g, mật ong hoặc mật mía 50g. Củ sen giã dập vắt lấy nước hòa với mật ong (mật mía) để uống trong ngày.

2.3. Bài thuốc trị kinh nguyệt không đều

Dùng 20g củ sen, 12g củ gấu đã rang cháy hết rễ và lông, đem phơi khô, tán nhỏ, rây thành bột mịn, trộn với mật ong làm thành viên bằng hạt đậu xanh. Ngày uống 2 lần, mỗi lần uống khoảng 50 viên.

2.4. Bài thuốc trị chảy máu cam do nóng

Củ sen tươi 200g rửa sạch giã lấy nước uống hoặc đem củ sen cắt khúc nấu canh sẽ giúp giải nhiệt cơ thể.

10-tac-dung-cua-cu-sen-cho-suc-khoe-voh-5
Củ sen trị bệnh chảy máu cam ( Nguồn: Internet )

3. Bà bầu ăn củ sen được không?

Có thể nói, củ sen là thực phẩm bổ dưỡng nên phụ nữ trong giai đoạn mang thai hoàn toàn có thể thêm củ sen vào chế độ dinh dưỡng hàng ngày.

Khi sử dụng đúng cách, củ sen có tác dụng giúp mẹ bầu giảm căng thẳng, kiểm soát huyết áp, bảo vệ đường hô hấp, tăng sức đề kháng, giảm nguy cơ thiếu máu, hay các vấn đề vàng da ở trẻ sơ sinh...

Xem thêm: Với 8 công dụng này chắc chắn củ sen sẽ khiến mẹ bầu 'ghiền' ăn mãi!

3. Tác hại của củ sen thế nào?

Mặc dù tác dụng của củ sen tốt cho sức khỏe nhưng thực phẩm này không được khuyên dùng với những người bị bệnh tiểu đường, vì trong củ sen có chứa tinh bột. Người bệnh tiểu đường ăn củ sẽ sẽ khiến lượng insulin trong cơ thể tăng nhanh.

Nếu bạn có tiền sử loét dạ dày hoặc loét tá tràng thì bạn cũng không nên ăn củ sen. Chất xơ có trong thực phẩm này có thể khiến bạn bị khó chịu hoặc đầy hơi.

Bên cạnh đó, củ sen là loại củ rất dễ bị nhiễm ký sinh trùng, bởi nó là cây thủy sinh sống ở vùng nước dễ bị ô nhiễm, thường bị dính ấu trùng lát gừng. Do đó, tuyệt đối bạn không ăn củ sen sống, cần nấu chín củ sen trước khi ăn để tránh bệnh nhiễm trùng lát gừng.

Với những người sử dụng trà củ sen cũng cần dùng đúng cách để tránh gặp phải những tác dụng phụ không mong muốn.

Xem thêm: 'Khám phá' 8 lợi ích sức khỏe từ trà củ sen cùng những lưu ý khi uống

4. Củ sen nấu món gì ngon ?

Củ sen đã được người Việt sử dụng từ rất lâu, các món ăn từ cử sen đều mang đậm nét truyền thống và mang hương vị rất Việt Nam. Dưới đây là món ăn từ củ sen mà bạn có thể làm tại nhà cực kỳ dễ dàng:

10-tac-dung-cua-cu-sen-cho-suc-khoe-voh-4
Các món ăn từ củ sen (Nguồn: Internet)

Canh củ sen – hồng táo: Món ăn này sẽ giúp bổ huyết, bổ phế, ích tùy vị, từ đó cơ thể sẽ khỏe mạnh, da dẻ hồng hào, tươi nhuận.

Củ sen hầm đuôi heo: Có tác dụng tùy vị, bổ phế, tốt cho người bị thiếu máu, suy nhược cơ thể, ăn uống không ngon miệng, người cao tuổi bị ho kéo dài, mất ngủ.

Canh củ sen – đậu đỏ hầm thăn bò: Tác dụng giúp bổ huyết, dưỡng da, giúp tăng cường sinh lực, tráng dương. Tốt cho người bị huyết hư, thiếu máu, ho lâu ngày, người gầy yếu, ăn ngủ kém, phụ nữ kinh nguyệt không đều.

Gỏi củ sen, tôm thịt, bao tử heo: Món này tốt cho người bị phế hư, thận dương suy yếu, cơ thể suy nhược, ho kéo dài, ăn ngủ kém, đau lưng, nhức mỏi tay chân.

Xem thêm: Củ sen nấu món gì ngon? Đây là 8 món ăn gây 'nghiện' cả nhà siêu ngon, siêu hấp dẫn

5. Nguyên tắc chọn và cách chế biến củ sen

Khi chọn mua củ sen, nên chọn loại có vỏ ngoài màu vàng sẫm, phần thịt dày, trắng. Không nên chọn loại đã biến màu, thịt khô và có mùi lạ.

Củ sen nếu chưa chế biến ngay thì nên để nguyên củ, bảo quản ở nơi thoáng mát.

Sau khi gọt lớp vỏ bên ngoài, củ sen thường bị sẫm màu, vì vậy phải ngâm vào nước lạnh có pha giấm khoảng 5 – 10 phút, sau đó tráng qua nước lạnh để giữ được màu trắng và độ giòn.

Không dùng chảo sắt để luộc chế biến củ sen để tránh bị thâm đen. Trong lúc xào củ sen, có thể thêm chút nước chanh để món ăn giữ được màu tươi sáng.

10-tac-dung-cua-cu-sen-cho-suc-khoe-voh-6
Cách chế biến củ sen tại nhà ( Nguồn: Internet )

6. Giá trị dinh dưỡng của củ sen

Theo Bảng thành phần thực phẩm Việt Nam – Bộ Y tế, trong 100g phần ăn được trong củ sen có đầy đủ hàm lượng chất dinh dưỡng. Một số chất dinh dưỡng điển hình như:

  • Nước: 79.1g
  • Năng lượng: 74KCal
  • Protein: 2.6g
  • Carbohydrate: 17.2g
  • Chất béo: 0.1g
  • Chất xơ: 4.9g
  • Canxi: 45mg
  • Magie: 23mg
  • Photpho: 100mg
  • Natri: 40mg
  • Vitamin C: 44mg
  • Vitamin B6: 0.3mg

Trên đây đã phần nào giải đáp các tác dụng của củ sen mang lại cho sức khỏe khi ăn, vừa là vị thuốc chữa bệnh, vừa là món ăn bổ dưỡng, ngon miệng. Còn chần chừ gì nữa mà không thêm củ sen vào thực đơn của gia đình mình ngay hôm nay.