Táo bón là hiện tượng giảm số lần đi ngoài (ít hơn 3 lần/tuần) kèm theo đó là những khó khăn trong việc đi vệ sinh như phân cứng, đau đớn và khó chịu. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của các mẹ mà còn có thể dẫn đến các hệ lụy khác như: bệnh trĩ, sa trực tràng, sa dạ con,...
Nguyên nhân khiến mẹ bị táo bón sau sinh?
Sau sinh, cơ thể mẹ bầu thường rất mệt mỏi khiến cho mẹ không muốn vận động, đi lại nhiều. Việc nằm một chỗ, cơ thể ít vận động là nguyên nhân làm cho nhu động ruột càng yếu hơn, phân di chuyển chậm. Phân lưu lại trong ruột lâu bị tái hấp thu nước nhiều lần nên khô cứng gây táo bón.
Nằm nhiều, ít vận động là một nguyên nhân gây táo bón sau sinh (Nguồn: Internet)
Chế độ dinh dưỡng sau sinh cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến việc mẹ bị táo bón khi sinh thường hoặc sinh mổ. Việc bổ sung quá nhiều chất dinh dưỡng với mong muốn có nguồn sữa tốt cho con như chân giò, thịt hầm,.... mà quên đi việc ăn rau củ quả, khiến cơ thể bị thiếu chất xơ và dẫn đến tình trạng táo bón.
Một nguyên nhân khác gây táo bón sau sinh là do uống ít nước. Khi cho bé bú, một phần lượng nước trong cơ thể mẹ phải chia sẻ cho con bú, nhưng tâm lý người mẹ lại không dám uống nhiều nước vì cho rằng uống nhiều nước sẽ làm loãng sữa, con bú thiếu chất.
Thậm chí, một số loại thuốc giảm đau khi chuyển dạ cũng có thể làm chậm hoạt động của ruột dẫn đến táo bón. Hoặc có trường hợp, một số mẹ khi sinh sẽ phải cắt tầng sinh môn để sinh em bé được dễ dàng. Thế nhưng, sau khi sinh nhiều mẹ thường nhịn hoặc hạn chế đi đại tiện vì sợ đau và bị bục vết khâu, điều này cũng là một nguyên nhân dẫn đến táo bón.
Làm sao để khắc phục táo bón sau sinh?
Đối với phụ nữ đang cho con bú, các mẹ cần hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bởi thuốc thường sẽ được bài tiết một phần qua sữa mẹ. Khi trẻ bú phải nguồn sữa chưa đào thải hết lượng thuốc ra ngoài, bé vô tình trở thành người dùng thuốc bị động, gây nên những ảnh hưởng không tốt.
Tuy nhiên, trường hợp mẹ bị táo bón sau sinh quá nặng có hiện tượng đi ngoài ra máu thì mẹ cần đi khám để được sự tư vấn hợp lý nhất từ bác sĩ về việc dùng thuốc.
Ngoài ra, những mẹ sau sinh bị táo bón cần lưu ý, không nên sử dụng phương pháp thụt tháo để chữa táo bón, bởi việc thụt tháo sẽ tác động vào hậu môn gây nên những tổn thương đau đớn. Hơn thế, việc dùng thuốc thụt lâu ngày sẽ làm giảm cơ trơn hậu môn, dẫn đến mất phản xạ khi đi ngoài.
Chế độ ăn giàu chất xơ sẽ giúp phòng ngừa được tình trạng táo bón sau sinh (Nguồn: Internet)
Các bác sĩ cho biết, để không phải gặp tình trạng táo bón sau sinh, mẹ nên chủ động phòng tránh, tự thúc đẩy cơ chế hoạt động tự nhiên của đường ruột bằng cách:
- Uống nước, trung bình từ 1.5 – 2 lít nước mỗi ngày.
- Ăn các loại thực phẩm chứa nhiều chất xơ, bao gồm các loại trái cây, rau củ quả tươi, ngũ cốc nguyên hạt,... Không ăn những loại thức ăn cay nóng, vì sẽ khiến mẹ bị táo bón và cũng làm ảnh hưởng đến nguồn sữa mẹ.
- Nếu đang cho con bú và cảm thấy khát nước, mẹ nên uống thật nhiều nước.
- Đi bộ thường xuyên. Đi bộ có thể gây đau cho mẹ vào thời gian đầu sau sinh do cơ thể đang hồi phục, tuy nhiên, nó sẽ giúp mẹ đi đại tiện dễ dàng hơn. Mẹ không cần đi lâu, chỉ cần đi bộ trong thời gian ngắn và đều đặn mỗi ngày cũng sẽ hạn chế được rất nhiều tình trạng táo bón.
- Không bao giờ nhịn khi mẹ cảm thấy mình có nhu cầu đi đại tiện.
- Trường hợp nghiêm trọng hãy đến gặp bác sĩ để được kê toa thuốc phù hợp.
Chữa táo bón sau sinh tại nhà bằng cách xoa bụng
Hành động xoa bụng có thể giúp tăng cường nhu động đường ruột. Thực hiện cùng với việc hít thở sâu và đều sẽ giúp cho quá trình bài tiết chất thải trong ruột dễ dàng hơn. Mẹ có thể áp dụng cách xoa bụng trị táo bón theo 2 cách sau:
Cách 1
- Tay trái chống eo, tay phải từ vùng rốn xoa ly tâm ra xung quanh nhiều vòng.
- Thực hiện xoa xuống phía dưới qua bên trái di chuyển về bụng phải rồi trở lại vùng dạ dày 1 lần. Xoa liên tục khoảng 36 lần.
- Đổi tay, tay phải chống éo và thực hiện ngược lại. Với số lần như trên.
Cách 2
- Nằm ngửa, tĩnh tâm, duỗi mềm các cơ.
- Dùng 2 bàn tay đặt chồng lên nhau, xoa bụng theo chiều kim đồng hồ với một lực ép vừa phải. Thực hiện khoảng 5 vòng.
Lưu ý: Không thực hiện xoa bụng khi mới ăn cơm xong để giảm thiểu gánh nặng lên dạ dày. Những mẹ sinh mổ chỉ nên thực hiện khi vết thương ở vùng bụng đã lành miệng. Tránh thực hiện quá sớm sẽ ảnh hưởng đến quá trình hồi phục vết thương.
Tài liệu tham khảo
- Trang hellobacsi.com
- Trang marrybaby.vn
- Trang vinmec.com
Trĩ nội là gì? Làm sao nhận biết và phòng ngừa? : Trĩ nội là bệnh lý thuộc về hệ thống ống tiêu hóa. Bệnh thường gây khó khăn trong việc phát hiện và điều trị. Vậy bệnh trĩ nội là gì, làm sao nhận biết và điều trị ra sao?
Đi cầu ra máu và những nguyên nhân không thể xem thường : Có rất nhiều nguyên nhân có thể gây ra tình trạng đi cầu ra máu. Bài viết dưới đây chia sẻ những nguyên nhân phổ biến nhất gây nên tình trạng này và cách xử lý.