Củ mài vốn là một loại thực phẩm quen thuộc với mọi người từ lâu, vì đây là nguyên liệu cho các món ăn hàng ngày. Ngoài ra, củ mài còn được biết đến như một dược liệu giúp phòng và điều trị bệnh.
1. Củ mài là củ gì?
Củ mài hay còn gọi là khoai mài, hoài sơn (tên khoa học: Dioscorea hamiltonii) là loài thực vật thuộc họ Củ nâu (Dioscoreaceae). Củ mài được tìm thấy nhiều ở Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Myanmar và ở các vùng núi miền Trung và Bắc của Việt Nam.
Cây củ mài thuộc họ dây leo, thân nhẵn, hơi góc cạnh, màu đỏ hồng, có mọc những củ nhỏ ở nách lá. Rễ củ đơn đọc hoặc từng đôi, ăn sâu vào đất, hơi phình ở gốc, vỏ ngoài màu nâu xám, thịt màu trắng. Lá mọc so le hoặc đối, hình tim. Hoa có màu vàng mọc thành chùm.
Củ mài rất dễ chế biến, dễ tiêu hóa và ngon miệng nên thường được sử dụng trong rất nhiều thực đơn bánh trái, món ăn. Ngoài ra, rễ và củ của củ mài còn được sử dụng để làm thuốc.
2. Tác dụng của củ mài trong Đông y
Trong Đông y, củ mài được gọi là hoài sơn, một vị thuốc có vị ngọt, tính bình. Tác dụng của củ mài là giúp:
- Thanh nhiệt cơ thể
- Bồi bổ cho người bị suy nhược cơ thể
- Trị các chứng tỳ hư, phế hư, thận hư
- Ho lâu ngày
- Suy thận, mỏi lưng, chóng mặt, hoa mắt
- Thường xuyên ra mồ hồi trộm...
Để sử dụng làm thuốc, bạn sẽ thu hái rễ và củ của mài, sửa sạch, gọt vỏ, ngâm với nước phèn chua từ 2- 4 giờ cho bớt nhớt, sau đó xông diêm sinh 28 giờ, rồi phơi khô.
Mỗi ngày có thể dùng 12 – 24g, sắc uống hoặc tán thành bột uống. Liều lượng cụ thể cho từng loại bệnh cần tham khảo thêm ý kiến thầy thuốc.
3. Củ mài có tác dụng gì trong y học hiện đại?
Trong y học hiện đại, các nghiên cứu và phân tích thành phần dưỡng chất từ củ mài đã dần được tiến hành, đồng thời kì vọng cao vào những tác dụng của củ mài với việc cải thiện một số vấn đề sức khỏe thường gặp sau:
3.1 Tốt cho hệ tiêu hóa
Củ mài được đánh giá là thực phẩm khá lành mạnh dành cho nhóm người mà hệ tiêu hóa thường gặp “trục trặc”. Theo đó, tinh chất diosgenin từ củ mài có khả năng tăng sinh lợi khuẩn đường ruột, giảm hội chứng ruột kích thích và ngăn ngừa chứng táo bón. Ngoài ra, hấp thu dưỡng chất của củ mài còn góp phần tăng lượng bicarbonat ở tuyến tụy, từ đó trung hòa acid dịch vị, giảm đau dạ dày.
Xem thêm: Chế độ ăn uống để thoát khỏi sự mỏi mệt của bệnh đau dạ dày theo tư vấn của chuyên gia đầu ngành
3.2 Củ mài có tác dụng bảo vệ tim mạch
Dựa trên phân tích dinh dưỡng, củ mài có chứa lượng vitamin B6 tương đối dồi dào. Nhóm vitamin này khi vào cơ thể sẽ ức chế hoạt động của homocysteine – tác nhân chính làm tổn thương thành mạch và gây ra các bệnh tim mạch nguy hiểm.
3.3 Kiểm soát đường huyết
Ăn trực tiếp củ mài hoặc sử dụng bột củ mài đều là những phương pháp giúp bạn hấp thu thêm lượng chất xơ cần thiết cho thể. Chất xơ đảm nhiệm vai trò giảm tốc độ thủy phân và chuyển hóa tinh bột thành đường, duy trì đường huyết ở mức an toàn cũng như hạn chế nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
3.4 Phòng chống ung thư
Một số nghiên cứu nhận thấy rằng khoáng chất mangan do củ mài cung cấp được xem như một thành tố quan trọng hỗ trợ hình thành “rào chắn” bảo vệ tế bào khỏi gốc tự do, từ đây phòng chống ung thư hữu hiệu.
3.5 Hỗ trợ tăng tiết testosteron
Tác dụng của củ mài trong việc tác động tăng tiết testosterone ở nam giới vẫn đang được tiến hành chuyên sâu hơn. Tuy nhiên, một số thí nghiệm trên chuột cho thấy, củ mài có tác dụng tăng đồng hóa và hướng sinh dục. Dịch chiết củ mài làm tăng trọng lượng tuyến tiền liệt, túi tinh của chuột.
3.6 Cải thiện hội chứng tiền kinh nguyệt
Hoạt chất diosgenin trong củ mài vốn hoạt động như một estrogen thực vật tự nhiên rất cần thiết cho cơ thể nữ giới. Cụ thể, nó sẽ kết hợp với vitamin B6 cải thiện hội chứng tiền kinh nguyệt, giảm cảm giác bốc hỏa, bức bối cũng như tình trạng khô rát âm đạo.
3.7 Củ mài có tác dụng trẻ hóa làn da
Một trong những tác dụng của củ mài mà chị em có thể tam khảo tận dụng đó là dưỡng da và giảm tỉ lệ bị lão hóa sớm. Lúc này, hoạt chất allantoin được tìm thấy trong củ mài có đặc tính kết nối lớp biểu bì da, xoa dịu nốt mụn và quầng thầm, từ đó làm trẻ hóa làn da.
Xem thêm: Thói quen chăm sóc da cần có để chống lại 'dấu vết thời gian'
4. Củ mài nấu món gì ngon?
Như đã chia sẻ, bạn có thể “biến tấu” vô vàn món ăn từ củ mài cũng như bột củ mài mà không cần phải chuẩn bị nhiều nguyên liệu hay thực hiện các công đoạn cầu kì. Những món ăn tưởng chừng rất quen thuộc nhưng được làm mới bằng củ mài hứa hẹn sẽ khiến cả nhà cảm thấy thích thú.
Dưới đây là một vài gợi ý để bạn tham khảo nên chưa biết củ mài nấu món gì ngon:
- Củ mài luộc
- Chè củ mài
- Bánh củ mài mật ong
- Cháo củ mài
- Canh củ mài
Xem thêm: Đây là 7 công thức chế biến bạn cần biết để bớt băn khoăn củ mài nấu gì ngon!
5. Những lưu ý khi sử dụng củ mài
Để tránh các dụng phụ của củ mài đối với sức khỏe thì khi sử dụng cần lưu ý một vài vấn đề sau:
5.1 Không sử dụng quá nhiều
Việc lạm dụng ăn củ mài nhiều quá mức sẽ gây ra tình trạng như đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy. Ngoài ra còn có trường hợp ăn củ mài bị dị ứng nên những người dễ mẫn cảm, dị ứng thì không nên ăn.
5.2 Phụ nữ có thai nên tham khảo ý kiến bác sĩ
Phụ nữ đang mang bầu hoặc đang cho con bú, mắc bệnh liên quan đến hormone,.... thì cần tham khảo ý kiến bác sĩ về liều lượng hợp lý khi muốn bổ sung củ mài vào thực đơn.
Xem thêm: 2 điều cần lưu ý để mẹ bầu có được một chế độ dinh dưỡng hoàn hảo
5.3 Không thay thế thuốc đặc trị
Củ mài là củ lành tính nên có thể chế biến sử dụng như món ăn hàng ngày nhưng khi dùng để làm bài thuốc chữa bệnh thì tuyệt đối không nên lạm dụng và thay thế hoàn toàn thuốc đặc trị.
6. Giá trị dinh dưỡng trong củ mài
Theo nhiều nghiên cứu, thành phần hóa học trong củ mài có chứa khoảng
- Tinh bột: 63.25%
- Lipid: 0.45%
- Protein: 6.75%
- Chất nhầy: 2-2.8%
Ngoài ra, củ mài còn chứa nhiều các thành phần khác như dioscin, allantoin, saponin có nhân sterol, cholin cùng hàng loạt các axit amin, các men oxy hóa, vitamin C và nhiều nguyên tố vi lượng khác.
Nhìn chung, củ mài là thực phẩm thường được sử dụng trong ẩm thực, khi kết hợp với các nguyên liệu khác cũng mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, nếu bạn chủ đích muốn sử dụng củ mài để điều trị bệnh thì tốt nhất vẫn nên tham vấn ý kiến của bác sĩ hoặc lương y trước khi sử dụng loại củ này.