Bác sĩ cảnh báo: Vắt chanh vào miệng hạ sốt là làm hại con

(VOH) - Có nhiều cách để hạ sốt cho trẻ, tuy nhiên, cha mẹ có thể “hại con” nếu hạ sốt sai cách, chẳng hạn như vắt chanh vào miệng con.

Mới đây bác sĩ Nguyễn Thanh Sang – Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố đã đưa ra các cảnh báo các bậc phụ huynh về việc nặn chanh tươi vào miệng trẻ để hạ sốt.

Tuyệt đối không vắt chanh vào miệng để hạ sốt cho trẻ

Bác sĩ Sang chia sẻ: “Cách đây 1 tháng, tôi nhận một bé viêm phổi hít khá nặng, mẹ bé kể tôi nghe trong uất ức rằng khi bé đang sốt và co giật, bác sĩ dưới An Giang cấp cứu thì bà nội ra ngoài tìm một lát chanh vắt vào miệng con, lập tức đứa nhỏ tím tái, các bác sĩ phải cấp cứu. Rồi điều trị 3 ngày bé thở mệt dần nên chuyển lên tuyến trên. Bé nằm cấp cứu rồi chuyển lên khoa tim mạch với chẩn đoán viêm phổi hít. Sau đó cũng may mắn bé đáp ứng với kháng sinh và viêm phổi đỡ dần”.

Vắt chanh vào miệng trẻ để hạ sốt là một trong những quan niệm xưa, được không ít người thuộc thế hệ bà nội, bà ngoại hiện nay vẫn sử dụng. Tuy nhiên, theo bác sĩ Sang, tính axit của nước cốt chanh là một yếu tố kích thích phản xạ co thắt thanh môn cực kỳ mạnh. Vì vậy, khi vắt chanh vào miệng trẻ, đặc biệt với trẻ sơ sinh, trẻ có thể bị tím tái do đóng nắp thanh môn, do hít sặc nước cốt chanh vào phổi và gây viêm phổi.

hạ sốt, hạ sốt bằng chanh, xử lý khi trẻ bị sốt co giật, sốt cao, co giật

Cha mẹ không nên tự hạ sốt cho trẻ và để trẻ ở nhà theo dõi (Ảnh: Healthline)

Bác sĩ Nguyễn Thanh Sang cho biết, nguyên nhân gây sốt cho trẻ đôi khi chỉ là nhiễm siêu vi bình thường và trẻ sẽ tự ổn sau 5-7 ngày, nhưng đây cũng có thể là biểu hiện ban đầu của viêm phổi, viêm amydal mủ... cần nhập viện để khám và điều trị.

Khi phát hiện trẻ bị sốt, cha mẹ nên cho hạ sốt cho trẻ bằng thuốc hạ sốt hoặc thuốc nhét hậu môn (Ví dụ: bé nặng 10kg, cặp nhiệt thấy 38 độ C, nên nhét 1 viên paracetamol 150 mg hậu môn hoặc uống 1 gói hạ sốt 150mg), rồi đưa trẻ ngay tới trung tâm y tế gần nhất.

Cha mẹ không nên tự ý hạ sốt rồi giữ trẻ ở nhà theo dõi vì đôi khi trẻ chỉ sốt nhẹ nhưng là biểu hiện của một tình trạng nhiễm trùng nặng như viêm phổi, viêm não - màng não...

Ngoài ra các bậc cha mẹ không nên dùng nhiệt kế đo trán hoặc nhiệt kế đo tai mà trường hợp này nên dùng nhiệt kế kẹp nách hoặc hậu môn. Nếu kẹp nách thì cộng thêm 0.5 độ C vào kết quả đo. Còn nếu đo nhiệt độ hậu môn (đặt nhiệt kế vào hậu môn trẻ cho tới khi phần đầu bạc của nhiệt kế không còn thấy nữa) thì kết quả bao nhiêu đó chính xác là nhiệt độ thân nhiệt của trẻ.

Cách xử đúng lý khi sốt cao, co giật

Khi trẻ sốt cao và co giật tại nhà, phần lớn bố mẹ chọn xử trí sai cách, thậm chí gây biến chứng cho con. Do đó, trong trường hợp trẻ sốt cao, co giật, các bậc cha mẹ chú ý làm những điều sau:

* KHÔNG chèn vật dụng hay ngón tay vào miệng trẻ. Trẻ sốt co giật không cắn lưỡi mà chỉ gồng cứng miệng. Việc cha mẹ cạy miệng trẻ và đưa ngón tay vào sẽ khiến trẻ cắn tay cha mẹ và có thể làm tắc đường thở của trẻ.

hạ sốt, hạ sốt bằng chanh, xử lý khi trẻ bị sốt co giật, sốt cao, co giật

Cha mẹ nên đặt trẻ trên mặt phẳng thoáng khi trẻ lên cơn sốt co giật (Ảnh: Kidspot)

* KHÔNG vắt chanh hay bất kỳ đồ gì vào miệng trẻ. Viếc vắt chanh vào miệng trẻ khiến trẻ ngưng thở do phản xạ đóng nắp thanh môn hoặc viêm phổi do hít nước chanh vào phổi.

* KHÔNG bế trẻ chạy đi khi trẻ đang co giật, thay vào đó cho trẻ nằm trên mặt phẳng thoáng, dọn sạch vật dụng xung quanh có thể gây hại. Cụ thể là:

  • Cởi bỏ hết quần áo cho trẻ.
  • Đặt trẻ nằm nghiêng trái
  • Lấy khăn lau hết đàm nhớt hay chất nôn của trẻ
  • Đặt 1 viên nhét hậu môn paracetemol liều 15mg/kg cho trẻ
  • Khi trẻ hết co giật thì lập tức đưa trẻ đến trung tâm y tế gần nhất.

Theo bác sĩ Sang, 30% trẻ sốt cao co giật sẽ bị lại lần 2 nên lời khuyên là cha mẹ cần thủ sẵn paracetamol dạng viên nhộng tại nhà.

Nếu lần đầu trẻ co giật lúc 39 độ C. Thì các lần sau, ngay khi đo nhiệt độ ở nách, thấy trẻ sốt 38 độ C thì cha mẹ nên nhét hậu môn 1 viên hạ sốt và đưa ngay vào bệnh viện.

Phòng ngừa sốt xuất huyết bằng chế độ ăn nhiều sắt - Chế độ ăn uống nhiều sắt có thể giúp kiểm soát một cách hiệu quả virus sốt xuất huyết, do muỗi có nhiều khả năng mang virus này hơn khi hút loại máu thiếu sắt.

Sức khỏe của bé Bình An và người mẹ ung thư vú sau hai tháng ra viện thế nào? - Sau 2 tháng được xuất viện về với gia đình, bé Bình An, con trai sản phụ ung thư vú giai đoạn cuối Nguyễn Thị Liên vẫn tăng cân đều và sức khỏe ổn định.