Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Bệnh sỏi thận có nguy hiểm không? Biến chứng của bệnh sỏi thận và cách phòng ngừa

Hầu hết những bệnh nhân mắc bệnh sỏi thận đều có chung nỗi lo lắng về mức độ nguy hiểm của căn bệnh này. Bài viết dưới đây sẽ giải đáp nỗi băn khoăn bệnh sỏi thận có nguy hiểm không ?

Sỏi thận hay sạn thận là hiện tượng chất khoáng trong nước tiểu lắng đọng lại ở thận, lâu ngày kết lại tạo thành sỏi. Độ tuổi mắc bệnh sỏi thận ở nam giới thường từ 20 – 50 tuổi, ở nữ là từ 20 – 40 tuổi. Bệnh thường gặp ở nam giới nhiều hơn nữ giới, tỉ lệ khoảng 2 – 3 nam/1 nữ.

1. Bệnh sỏi thận có nguy hiểm không?

Thông thường, nếu hạt sỏi thận nhỏ có thể được đẩy ra ngoài qua đường tiểu, nhưng nếu sỏi to thì có thể ở lại trong thận và ngày càng to dần lên. Sự di chuyển của sỏi, nhất là những viên sỏi có gai nhọn sẽ cọ xát vào đường niệu gây ra những cơn đau lưng, tiểu ra máu,…

benh-soi-than-co-nguy-hiem-khong-bien-chung-va-cach-phong-soi-than-voh-1

Sỏi thận có thể gây biến chứng nguy hiểm nếu không kịp thời điều trị (Nguồn: Internet)

Những phiền toái của sỏi thận không dừng lại ở những cơn đau mà nó còn có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu người bệnh không kịp thời phát hiện và điều trị đúng cách.

Chính vì thế, bệnh sỏi thận có nguy hiểm hay không, điều đó phụ thuộc và ý thức bảo vệ sức khỏe và điều trị của người bệnh.

2. Biến chứng của sỏi thận

Nếu bệnh sỏi thận không được can thiệp chữa trị sớm thì có thể dẫn đến một số biến chứng sau đây:

2.1 Viêm nhiễm đường tiểu

Khi sỏi thận cọ xát vào đường niệu thì nguy cơ niêm mạc bị phù nề, viêm. Đây là điều kiện tốt cho vi khuẩn xâm nhập và gây viêm nhiễm đường tiểu. Người bệnh sẽ thấy đau lưng, tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu đục.

2.2 Bí tiểu

Do sỏi chít cổ bàng quang, sỏi niệu đạo.

2.3 Ứ nước bể thận

Đây là biến chứng cấp tính nặng. Nếu tắc nghẽn hoàn toàn niệu quả, bể thận giãn to và sau 6 tuần nhu mô thận có thể không hồi phục. Hậu quả của ứ nước bể thận là hủy hoại về cấu trúc dẫn đến sự hủy hại về chức năng thận.

2.4 Suy thận

  • Suy thận cấp tính

Suy thận cấp tính có thể do tình trạng tắc nghẽn nặng (hoàn toàn hoặc gần hoàn toàn) cả 2 bên niệu quản. Suy thận cấp cũng có thể xảy ra ở bệnh nhân chỉ có sỏi niệu quản một bên nhưng gây phản xạ co mạch cả 2 bên gây vô niệu (không có nước tiểu).

  • Suy thận mạn tính

Sỏi thận có thể làm tắc nghẽn đường tiểu, tồn đọng nước tiểu, gây viêm nhiễm. Tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến xơ hóa đường tiểu và giảm chức năng co bóp đường tiểu gây nên các lỗ rò ở bang quang, niệu quản và gây suy thận mạn tính.

Nhìn chung, chức năng thận sẽ bị giảm nếu có sỏi ở 2 bên thận, nhất là khi có sự hiện diện của viêm nhiễm gây ra suy thận.

3. Cách phòng bệnh sỏi thận

Để không gặp phải những biến chứng nguy hiểm trên, cách tốt nhất là phòng ngừa và đừng để mắc bệnh sỏi thận. Dưới đây là những cách giúp bạn phòng ngừa sỏi thận hiệu quả.

benh-soi-than-co-nguy-hiem-khong-bien-chung-va-cach-phong-soi-than-voh-2

Uống nước lọc mỗi ngày là cách phòng ngừa sỏi thận hiệu quả (Nguồn: Internet)

  • Bạn nên uống nhiều nước mỗi ngày. Nói như vậy không có nghĩa là bạn uống càng nhiều nước càng tốt mà chỉ nên uống từ 2,5 – 3 lít nước mỗi ngày. Việc uống quá nhiều nước trong ngày có thể dẫn đến tình trạng thừa nước và phù các tế bào trong cơ thể.
  • Giảm lượng muối ăn hàng ngày bởi điều này sẽ giúp cắt giảm lượng oxalat trong nước tiểu, nhờ đó cũng có thể giảm nguy cơ bị sỏi thận.
  • Cắt giảm lượng caffein: những thức uống chứa caffein như cà phê, trà, nước ngọt sẽ khiến cơ thể bạn dễ bị mất nước. Mất nước chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến bệnh sỏi thận.
  • Nếu mắc sỏi canxi thì không nên kiêng tuyệt đối những thực phẩm giàu canxi mà chỉ nên dùng ở mức độ vừa phải để tránh tình trạng cơ thể thiếu hụt khoáng chất này.
  • Dùng vitamin C theo chỉ dẫn của bác sĩ chứ không tùy tiện, đặc biệt là không nên dùng liều cao trong thời gian dài ngày.

Ngoài ra, nếu bị sỏi canxi, có thể cần phải giảm lượng thức ăn chứa nhiều oxalat, canxi như các loại quả hạnh nhân, socola, chè, rau chân vịt, các loại quả mọng như dâu tây. Đồng thời ăn kiêng với chế độ ít đạm cũng làm giảm nguy cơ hình thành sỏi thận.

Lời khuyên: Để phòng ngừa sỏi thận tái phát, tốt nhất người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ nhằm có biện pháp phòng ngừa cụ thể và phù hợp hơn.

Bình luận