Bộ Y tế: 5 biện pháp phòng, chống bệnh cúm mùa

(VOH) – Bộ Y tế khuyến cáo người dân 5 biện pháp nhằm chủ động phòng chống bệnh cúm mùa.

Theo Bộ Y tế, hiện nay đang là thời điểm giao mùa, thuận lợi cho các mầm bệnh đường hô hấp phát triển. Nhiều người dễ mắc bệnh viêm đường hô hấp, đặc biệt là bệnh cúm mùa.

Để chủ động phòng chống bệnh cúm mùa, bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng, Bộ Y tế khuyến cáo:

Người dân khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, không tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà mà cần đến cơ sở y tế để khám và xử trí kịp thời.

Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, che bằng khăn vải, khăn tay, khăn giấy dung một lần hoặc ống tay áo.

Đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.

Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh cúm hoặc đang nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết.

Tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe, sống lành mạnh.

Bộ Y tế: 5 biện pháp phòng, chống bệnh cúm mùa 1
Bộ Y tế khuyến cáo 5 biện pháp phòng, chống bệnh cúm mùa.

Về chế độ dinh dưỡng và chế độ sinh hoạt, người dân cần bổ sung nước (vì nước giải độc cho cơ thể người bệnh, làm loãng dịch gây tắc nghẽn mũi và ngăn ngừa nhiễm trùng cơ thể).

Bổ sung thực phẩm giàu kẽm (thịt bò, tôm, hàu, sò, thịt gà, ngũ cốc, yến mạch...), ăn các loại rau củ quả, thêm gừng, tỏi khi chế biến đồ ăn. Tăng cường các loại trái cây giàu vitamin C để tăng hệ miễn dịch cho cơ thể.

Theo các chuyên gia y tế, trong các loại cúm thì cúm B là loại virus thường gây nhiễm trùng đường hô hấp. Kể từ sau đại dịch COVID-19, các nghiên cứu thấy rằng, cúm B gặp khoảng 40%, do cúm A chiếm 60% trong các trường hợp cúm mùa, rất hiếm gặp cúm C, D.

Trẻ em bị cúm có thể có các triệu chứng tiêu hóa (buồn nôn, nôn mửa và tiêu chảy. Để tránh biến chứng và hậu quả khôn lường, khi trẻ nhỏ có dấu hiệu của bệnh cúm cha mẹ nên đưa đến cơ sở y tế để được thăm khám kịp thời.