Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Cây lá gai và những tác dụng ít người biết

(VOH) - Cây gai không chỉ được dùng làm nguyên liệu trong ẩm thực mà còn được sử dụng để điều trị bệnh trong Đông y. Vậy những tác dụng của cây gai đối với sức khỏe là như thế nào?

Cây gai thường mọc hoang hoặc được trồng để lấy sợi làm lưới đánh cá hoặc dùng bánh ăn. Thế nhưng, bên cạnh những lợi ích trong đời sống và ẩm thực thì cây gai cũng rất hữu ích đối với sức khỏe con người vì có thể giúp chữa nhiều bệnh lý.

1. Cây gai là cây gì?

Cây gai (Boehmeria nivea) còn có tên gọi khác là cây lá gai, trữ ma, tầm ma, tầm gai, là loài thực vật có hoa thuộc họ Gai (Urticaceae), phân bố chủ yếu ở vùng Đông Á.

Cây lá gai là loài cây sống lâu năm, có thân cao 1-2.5 m. Lá mọc so le, kích thước tương đối lớn, rộng 4-8cm, dài 7-15cm, phiến lá hình tim và mép có răng cưa. Mặt dưới của lá màu trắng vì có nhiều lông trắng bạc, cuống lá màu đỏ có lông mềm. Cụm hoa mọc thành chụm dày đặc ở kẽ lã, hoa đực và hoa cái riêng. Toàn cây có tinh dầu thơm mùi quýt. 

tac-dung-cua-cay-gai-voh-0

Cây lá gai mọc nhiều ở miền Bắc và miền Trung (Nguồn: Internet)

Cây gai thường được trồng hoặc mọc hoang ở nơi ẩm ướt. Ở nước ta, cây lá gai mọc nhiều ở miền Bắc và miền Trung, tuy nhiên, hiện nay, loại cây này cũng đã di thực về miền Nam. Các tỉnh phía Nam trồng nhiều cây lá gai nhất là Đắk Lắk, Kon Tum, Đồng Nai,…

Bộ phận thường dùng trong ăn uống và làm thuốc của cây lá gai là lá và rễ (hay còn gọi là củ). Thông thường chúng sẽ được thu hái về rửa sạch đất, cắt thái miếng hoặc để nguyên rồi phơi khô hay sấy khô dùng dần.

2. Tác dụng của cây gai như thế nào?

Trong các nghiên cứu y học hiện đại, người ta phát hiện rễ cây gai có chứa một số axit chẳng hạn như axit chlorogenic (là một tannin) và vitamin C. Bên cạnh đó, trong rễ cây lá gai còn chứa một lượng lớn flavonoid rutin, đây là một chất chống oxy hóa tế bào, ngăn chặn các tác nhân gây hại cho cơ thể và chống viêm. Ngoài ra, hạt gai cũng chứa nhiều chất béo và các axit tự do.

Với những thành phần được tìm thấy trong cây gai, các nghiên cứu y học hiện đại ghi nhận, axit chlorogenic (một loại tanin) có thể có tác dụng ức chế vi trùng và diệt nấm, tăng cường hiệu lực của adrenalin, thông tiểu tiện. Ngoài ra, đây là chất có tác dụng chống oxy hóa (cao hơn gấp 10 lần so với vitamin E), nên có tác dụng ngăn ngừa tình trạng cao huyết áp, xơ vữa động mạch và nhồi máu cơ tim.

Các thí nghiêm trong động vật cũng cho thấy, chiết xuất bằng cồn từ cây lá gai có tác dụng thúc đẩy quá trình đông máu, giảm hiện tượng xuất huyết.

Tuy nhiên, các nghiên cứu dược lý hiện đại của cây lá gai chủ yếu chỉ dừng lại trên động vật hoặc trong ống nghiệm. Do đó, những tác dụng chữa bệnh từ cây lá gai đều chỉ ở phương diện Đông y.

3. Tác dụng của cây gai theo Đông y

Theo Đông y, cây gai có vị ngọt, tính hàn, không độc. Quy vào kinh Tâm, Can và Bàng Quang. Đông y thường sử dụng toàn bộ cây gai để cầm máu, giải độc, thanh nhiệt, an thai, giảm đau, lợi tiểu,...

Dưới đây là một số tác dụng của cây gai được thể hiện thông qua một số bài thuốc kinh nghiệm dân gian hoặc y học cổ truyền:

3.1 Cầm máu do vết thương hở

Một trong những tác dụng nổi bật của cây gai là khả năng cầm máu hiệu quả. 

Trong dân gian, người ta thường sử dụng lá gai để cầm máu cho vết thương hở. Bạn chỉ cần chuẩn bị lá gai tươi, rửa sạch và để ráo dược liệu. Trong thời gian này, nên vệ sinh vết thương thật sạch và lau khô. Sau đó, giã nát lá gai đắp vào vết thương và băng cố định lại để cầm máu.

Xem thêm: Không chỉ làm tăng nguy cơ bị sẹo, những loại thực phẩm này còn cản trở tốc độ chữa lành vết thương hở trên da

3.2 Dưỡng huyết, an thai

Công dụng phải kể đầu tiên của cây lá gai chính là an thai. Cả lá và rễ của cây lá gai đều có tác dụng trị đau bụng, chống ra huyết khi mang thai. Trong rễ (củ) lá gai có nhiều chất sắt, góp phần giúp bổ máu.

Lá gai còn chứa vitamin C, giúp hấp thu chất sắt vào cơ thể được tốt hơn. Bên cạnh đó, chất chống oxy hóa trong lá gai còn hỗ trợ chống co thắt, giảm đau bụng,…Do đó, cây lá gai rất thích hợp là thực phẩm an thai cho chị em phụ nữ.

Để dưỡng huyết, an thai, bạn có thể sử dụng bài thuốc từ cây gai. Bạn cần chuẩn bị rễ cây gai tươi đem sắc đặc với nước, rồi chia làm 3 lần uống trong ngày. Hoặc bạn cũng có thể nấu cháo từ phần nước được sắc của rễ cây gai, hồng táo và gạo nếp, rồi chia làm vài lần ăn trong ngày.

Liệu trình này chỉ nên sử dụng trong khoảng thời gian ngắn từ 2 - 3 ngày, không nên dùng kéo dài.

3.3 Lợi tiểu

Với đặc tính hàn, không độc, cây gai có tác dụng lợi tiểu rất tốt. Bạn chỉ cần sử dụng rễ cây gai đem sắc uống, mỗi ngày dùng 1 lần, tình hình bệnh sẽ được cải thiện. Nên dùng liệu trình này liên tục từ 3 - 5 ngày.

3.4 Chữa tiểu dắt do nhiệt

Để chữa tiểu dắt do nhiệt, bạn cần chuẩn bị rễ cây gai, cây mã đề và hành tươi. Tất cả nguyên liệu bạn đem rửa sạch rồi cho vào nồi sắc đặc, mỗi ngày uống 1 lần. Áp dụng bài thuốc từ 3 - 5 ngày sẽ thấy bệnh thuyên giảm hoàn toàn.

3.5 Trị tê mỏi chân tay

tac-dung-cua-cay-gai-voh-1

Rễ cây lá gai thường được dùng để làm thuốc trị bệnh (Nguồn: Internet)

Bên cạnh đó, tác dụng của cây gai còn hỗ trợ điều trị chân tay tê mỏi. Bạn chỉ cần chuẩn bị rễ cây gai đem rửa sạch rồi sắc đặc, dùng uống trong ngày, tình hình bệnh sẽ ngày một thuyên giảm. 

3.6 Trị người nóng, tiểu tiện đỏ do nhiệt

Trị tiểu tiện ra máu do nóng trong người từ rễ cây gai rất tốt. Bạn cần chuẩn bị rễ cây gai, kết hợp cùng lá cây cối xay, nhân trần, cát căn và một ít nước lọc. Tất cả đem rửa sạch, cho vào ấm đun sôi kỹ, dùng uống thay trà trong ngày. Sử dụng liệu trình này liên tục từ 5 - 7 ngày.

3.7 Trị nước tiểu trắng đục như nước vo gạo

Nếu đang gặp phải tình trạng nước tiểu trắng đục như nước vo gạo, bạn cũng có thể sử dụng bài thuốc từ cây gai.

Bạn cần chuẩn bị các dược liệu gồm rễ cây gai cùng thổ phục linh, rau dừa nước, thương nhĩ tử, đinh lăng và cây trinh nữ. Sau đó, bạn đem nấu với 1 lít nước với lửa nhỏ cho đến khi còn 250ml. Tiếp tục, chia phần nước sắc này thành 2 lần uống trong ngày và sử dụng liệu trình này liên tục từ 5 - 7 ngày.

3.8 Làm mụn nhọt giảm sưng đau và chóng mưng mủ

Một tác dụng khác của cây gai đó chính là giúp mụn nhọt giảm sưng đau và bớt mưng mủ. Với cách làm đơn giản, bạn chỉ cần chuẩn bị rễ cây gai và rễ cây vông vang đem rửa sạch, giã nát rồi đắp vào chỗ mụn nhọt, mỗi ngày 1 lần. Để triệu chứng mau khỏi, bạn nên sử dụng liên tục liệu trình từ 1 - 2 ngày.

3.9 Ngăn ngừa rụng tóc

Ngoài ra, tác dụng của cây gai còn được phát huy công hiệu trong việc giảm thiểu lượng tóc rụng hằng ngày. Bạn chỉ cần sử dụng phần nước được sắc đặc từ rễ cây gai đem dùng uống trong ngày, sẽ có tác dụng ngăn ngừa rụng tóc, giúp tóc chắc khỏe hơn. 

Xem thêm: Khắc phục tình trạng rụng tóc từ những thói quen hàng ngày

 

3.10 Tốt cho người bệnh xương khớp

Đối với các bệnh xương khớp thì có thể dùng rễ cây lá gai để khắc phục và chữa trị.

4. Một số cách sử dụng cây lá gai

Cây gai có chứa hàm lượng vi chất dinh dưỡng (vitamin A, B, C, B2, B9, B5, K…, chất khoáng như sắt, kẽm, đồng, mangan tương đối cao) nên có thể được xem như rau ăn hằng ngày. Khi luộc chín, cây lá gai mềm, không chứa axit nên không gây ngứa, mùi vị hơi giống rau dền.

tac-dung-cua-cay-gai-voh-2

Cây lá gai là nguyên liệu quan trọng để làm món bánh ít lá gai nổi tiếng (Nguồn: Internet)

Cây lá gai là nguyên liệu quan trọng để làm bánh gai. Sở dĩ bánh gai giữ được lâu là nhờ vào thành phần chlorogenic nằm trong lá (có khả năng chống vi khuẩn và chống nấm). Nếu làm bánh gai mà không có lá gai, chỉ sau vài ngày bánh sẽ bị mốc.

Ngoài ra bạn cũng có thể dùng lá gai để nấu canh ăn hàng ngày. Dưới đây là cách nấu canh lá gai để ăn hàng ngày:

4.1 Canh lá gai mặn

  • Nguyên liệu: 300g rễ cây lá gai khô hoặc 600 – 700g rễ cây lá gai tươi; 50g lá gai khô hoặc 100g lá gai tươi; giò heo hoặc gà ác.
  • Cách làm: Cho giò heo hoặc gà ác vào hầm với rễ và lá của cây lá gai sẽ có được món canh bổ dưỡng.

4.2 Canh lá gai chay

  • Nếu bạn ăn chay thì thay thế giò heo hoặc gà ác bằng đậu đen. Cách làm cũng như tương tự như nấu canh mặn, tức là bạn hầm rễ và lá cây lá gai với đậu đen để ăn.
  • Món canh này có tác dụng bổ thận, bổ máu, bổ xương cốt,…

Lưu ý: Với phụ nữ mang thai có thể ăn canh lá gai 1 tuần 3 lần, người bình thường thì chỉ cần 1 tuần ăn 1 – 2 lần là đủ.

5. Lưu ý cần nhớ khi sử dụng cây gai

Dù sử dụng cây lá gai trong ăn uống hoặc dùng làm thuốc thì bạn cũng nên lưu ý một số điều sau đây:

  • Cây lá gai có thể gây ngứa khi dùng tươi nhưng khi luộc chín hoặc nấu canh, chúng sẽ không còn ngứa và còn có thể ăn như một loại rau.
  • Cây gai không có độc nhưng có tính hàn. Vì vậy không nên dùng cây gai cho người có thể trạng hư hàn hoặc sử dụng trong thời gian dài.
  • Nếu không phải bệnh do thực nhiệt thì không nên sử dụng cây gai.
  • Ngoài ra, để giảm thiểu rủi ro và tác dụng phụ khi điều trị, bạn nên thăm khám để được thầy thuốc hoặc bác sĩ có chuyên môn hướng dẫn bài thuốc cụ thể.

6. Thành phần dinh dưỡng có trong cây gai

Như đã nói, trong rễ của cây lá gai có chứa chất flavonoid rutin – chất chống oxy hóa tế bào, ngăn chặn tác nhân gây hại cho cơ thể (vi rút, vi khuẩn…); toàn cây chứa axit cyanhydric, phần hạt giàu chất béo và các axit tự do. Bên cạnh đó, cây lá gai còn chứa nhiều các vitamin và khoáng chất.

Dưới đây là thành phần dinh dưỡng cụ thể có trong 100g cây gai.

  • Chất đạm: 85.3g
  • Chất béo: 0.5g
  • Chất đường bột: 5.4g
  • Chất xơ: 3.1g
  • Canxi: 334mg 
  • Sắt: 150mg
  • Magie: 481mg
  • Mangan: 1,64mg
  • Photpho: 80mg
  • Kali: 17.4mg
  • Kẽm: 0.3mg  
  • Đồng: 779mg
  • Selen: 76mcg
  • Vitamin A: 1.15mg
  • Vitamin C: 30mcg
  • Vitamin B1: 0,2mg
  • Vitamin B5: 0.39mg
  • Vitamin B6: 0.3mg
  • Vitamin B7: 498.6mcg
  • Folat: 0.1mg
  • Vitamin E: 333mg
  • Vitamin K: 0.8mg

Có thể nói, cây lá gây là một vị thuốc cổ truyền được sử dụng từ rất lâu trong dân gian. Các nghiên cứu hiện đại về thành phần dinh dưỡng cũng đã chứng minh tác dụng của cây gai rất có lợi cho sức khỏe con người. Tuy nhiên, để phát huy hết những công dụng của vị thuốc này đối với sức khỏe, bạn nên tham khảo ý kiến thầy thuốc trước khi sử dụng.

Bình luận