Chứng khó đọc: Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị

(VOH) – Chứng khó đọc là một dạng rối loạn ngôn ngữ không chỉ gặp ở trẻ em mà còn có cả người lớn. Vậy làm thế nào nhận biết được chứng khó đọc cũng như cách điều trị căn bệnh này.

Theo các số liệu thống kê, cứ 10 người sẽ có 1 người mắc chứng khó đọc. Không chỉ ở trẻ em mà có rất nhiều người trưởng thành gặp khó khăn khi đọc trong suốt cuộc đời nhưng không bao giờ biết mình đang mắc phải chứng bệnh này.

1. Chứng khó đọc là gì?

Chứng khó đọc (Dyslexia) là một dạng rối loạn ngôn ngữ khá phổ biến, đặc trưng cho các vấn đề gặp rắc rối về đọc hiểu và đánh vần dù trí tuệ bình thường. Các vấn đề có thể bao gồm: khó khăn trong việc đánh vần các từ, đọc nhanh, viết chữ, “phát âm” các từ trong đầu”, phát âm từ khi đọc to và nghe người khác đọc.

Chứng khó đọc chủ yếu xảy ra ở trẻ em và nếu không được phát hiện thì sẽ kéo dài cho đến khi trưởng thành.

1.1 Nguyên nhân dẫn đến chứng khó đọc

Chứng khó đọc không liên quan đến trí thông minh của cá nhân mà liên quan đến một số gen kiểm soát sự phát triển của não bộ, vì thế nguyên nhân dẫn đến chứng khó đọc có liên quan đến di truyền. Các yếu tố di truyền làm ảnh hưởng đến não và khả năng làm việc với các chữ và từ ngữ. Ngoài ra, chứng khó đọc còn xảy ra với những người hay gặp phải hội chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD).

chung-kho-doc-dau-hieu-nhan-biet-va-cach-dieu-tri-voh

Hội chứng khó đọc thường do yếu tố di truyền (Nguồn: Internet)

Ở người lớn, chứng khó đọc có thể là kết quả sau một chấn thương sọ não, đột quỵ hoặc mất trí nhớ.

1.2 Dấu hiệu và triệu chứng nhận biết chứng khó đọc

Các biểu hiện chứng khó đọc khác nhau tùy theo mức độ nghiêm trọng cũng như từng độ tuổi cụ thể:

Trẻ trong độ tuổi mẫu giáo

  • Chậm chạp trong lời nói.
  • Chậm học thuộc các từ mới.
  • Khó khăn khi thể hiện giọng điệu, nhịp điệu.
  • Ít kiến thức.
  • Viết chữ đảo ngược.

Trẻ học tiểu học

chung-kho-doc-dau-hieu-nhan-biet-va-cach-dieu-tri-1-voh

Trẻ mắc chứng khó đọc gặp khó khăn trong việc đọc chữ (Nguồn: Internet)

  • Khó học bảng chữ cái hoặc thứ tự chữ cái.
  • Gặp khó khăn khi kết hợp với các chữ cái và cách phát âm chữ cái đó.
  • Khó xác định hoặc tạo ra những từ có vần điệu.
  • Khó khăn để hiểu chữ viết.
  • Khó đọc: đọc sót chữ (đắng – đắn), sót từ (cái ca – cái), đọc thêm chữ cái (cái ca – cái can), đọc thêm từ (cái – cái ca), đọc chệch từ (quả cam – quả com), đọc thiếu chữ cái (con – chon), đọc đảo lộn chữ cái (con – non, chí – híc)...
  • Đọc chậm hoặc đọc không chính xác.
  • Đánh vần từ vựng rất yếu.
  • Khó đọc thành tiếng, đọc chữ theo thứ tự sai, bỏ qua lời nói.
  • Khó khăn khi hiểu ý nghĩa của từ riêng lẻ.
  • Trẻ em bị chứng khó đọc có thể không nhìn thấy (hoặc không nghe thấy) sự giống và khác nhau trong các chữ cái và các từ, có thể không nhận ra khoảng cách giữa các âm trong tiếng, tiếng trong từ.

Trẻ ở độ tuổi trung học và người trưởng thành

Trẻ càng lớn sẽ càng khó nhận ra những dấu hiệu của chứng khó đọc. Nhiều người cho rằng, người mắc chứng khó đọc sẽ viết chữ ngược. Tuy nhiên, trong thực tế, điều này chỉ xảy ra trong một nhóm nhỏ người mắc chứng khó đọc.

Vì thế, để đánh giá một người có đang mắc chứng khó đọc hay không hãy quan sát cách họ đọc hoặc nói chuyện. Ngoài ra, cũng có thể cho họ làm một bài viết, người mắc chứng này thường hay nhầm lẫn các từ gần giống nhau ví dụ hoa – hao, oanh – hoanh….

2. Chứng khó đọc điều trị bằng cách nào?

Chẩn đoán chứng khó đọc có thể sẽ khó khăn vì các dấu hiệu không phải lúc nào cũng rõ ràng. Vì thế, bác sĩ có thể sẽ hỏi một số vấn đề liên quan để chẩn đoán bệnh như:

  • Tiền sử bệnh của gia đình.
  • Bác sĩ sẽ yêu cầu trẻ trả lời các câu hỏi liên quan để kiểm tra khả năng ngôn ngữ.
  • Kiểm tra thị giác, thính giác và não bộ (thần kinh).
  • Các thử nghiệm tâm lý.
  • Kiểm tra các kỹ năng đọc và học tập khác.

2.1 Cách điều trị chứng khó đọc

chung-kho-doc-dau-hieu-nhan-biet-va-cach-dieu-tri-2-voh

Cha mẹ đóng một vai trò quan trọng trong việc cải thiện chứng khó đọc ở trẻ (Nguồn: Internet)

Hiện này, y học vẫn chưa tìm ra được cách nào để loại bỏ các bất thường tiềm ẩn của não bộ gây ra chứng khó đọc bằng thuốc. Do đó, các phương pháp thường áp dụng là:

  • Kích thích giáo dục: Sử dụng một số kỹ thuật liên quan đến nghe, nhìn và tiếp xúc để cải thiện kỹ năng đọc. Chuyên gia ngôn ngữ có thể giúp trẻ cách nhận ra các âm để xây dựng các từ, hiểu những điều đã nói, thực hành đọc to...
  • Chăm sóc cha mẹ: Cha mẹ cần phát hiện vấn đề của trẻ càng sớm càng tốt, thực hành đọc to cùng trẻ và khuyến khích trẻ đọc thường xuyên hơn.

3. Những thói quen sinh hoạt giúp cải thiện tình trạng chứng khó đọc ở trẻ

Các bậc cha mẹ đóng một vai trò quan trọng trong việc cải thiện chứng khó đọc ở trẻ. Dưới đây là những điều cha mẹ nên làm:

  • Phát hiện ra bệnh của con từ sớm: Nếu nghi ngờ trẻ mắc chứng khó đọc hãy đưa bé đến gặp bác sĩ sớm. Sự can thiệp càng sớm càng làm tăng khả năng cải thiện bệnh thành công.
  • Đọc lớn cho con tập nghe: Cha mẹ rèn khả năng nghe của trẻ bằng cách đọc to khi đẻ được 6 tháng tuổi, thậm chí nhỏ hơn. Bạn có thể thử nghe những quyển sách kèm theo ghi âm cùng con nhỏ. Khi bé đã có thể nghe hiểu hãy đọc truyện cùng con.
  • Khuyến khích tăng cường thời gian tập đọc: Để nâng cao khả năng đọc, trẻ cần phải tập đọc nhiều lần. Cha mẹ nên khuyến khích con đọc tài liệu in hoặc sách thay vì cho bé đọc tài liệu online.
  • Làm gương cho trẻ: Hãy dành ra một khoảng thời gian để đọc một cuốn sách hoặc tài liệu khi con cũng đang tập đọc mỗi ngày, bởi đây sẽ làm tấm gương tốt để trẻ làm theo và học hỏi.

Như vậy, chứng khó đọc là một căn bệnh khó nhận biết và điều trị. Tuy nhiên, nếu bệnh được phát hiện sớm thì vẫn có thể điều trị bằng các lộ trình giáo dục.