Bà bầu uống nước dừa có tốt không? Lưu ý cách uống an toàn

(VOH) – Nước dừa là thức uống mát lành, ngọt thơm và cũng được sử dụng nhiều khi chế biến món ăn. Tuy nhiên trong giai đoạn mang thai, bà bầu uống nước dừa có tốt không?

Cơ thể chúng ta luôn cần bổ sung đầy đủ nước để đảm bảo năng lượng cho các hoạt động, với các mẹ bầu thì điều này đặc biệt quan trọng và cấp thiết. Bên cạnh dùng nước lọc thông thường, vào thời kì dưỡng thai, nhiều mẹ cũng lựa chọn uống nước dừa

1. Bà bầu uống nước dừa có tốt không?

Các chuyên gia dinh dưỡng chia sẻ rằng bà bầu hoàn toàn có thể uống nước dừa trong thai kì. Với hàm lượng chất dinh dưỡng dồi dào, bao gồm các khoáng chất thiết yếu như kali, magie, photpho cùng nhóm vitamin C, vitamin B1, vitamin B6, vitamin B9,…thức uống này không chỉ cải thiện tốt sức khỏe của mẹ mà còn thúc đẩy sự phát triển của thai nhi. 

Dưới đây là một số lợi ích sức khỏe nước dừa đem lại cho bà bầu: 

1.1 Bổ sung chất điện giải

Các chất điện giải đảm nhiệm vai trò quan trọng giúp ổn định nồng độ chất lỏng ở các mô tế bào, đảm bảo cơ thể không rơi vào tình trạng thiếu nước. Việc bổ sung nước dừa với một lượng hợp lý sẽ giúp mẹ bầu tiếp nạp thêm kali, photpho, magie – các hoạt chất góp phần bù nước và cân bằng chất điện giải trong cơ thể. 

1.2 Kiểm soát cân nặng

Nước dừa được đánh giá là thức uống thiên nhiên hỗ trợ mẹ bầu kiểm soát cân nặng vô cùng hữu hiệu. Các phân tích dinh dưỡng cho thấy, trong khoảng 125ml nước dừa tươi nguyên chất chỉ chứa khoảng 21 kcal, do đó các chị em không cần quá lo lắng vấn đề tăng cân mất kiểm soát. 

ba-bau-uong-nuoc-dua-co-tot-khong-luu-y-cach-uong-an-toan-voh-0
Nước dừa là thức uống thiên nhiên hỗ trợ mẹ bầu kiểm soát cân nặng vô cùng hữu hiệu (Nguồn: Internet) 

1.3 Phòng tránh nhiễm trùng tiết niệu 

Nhiễm trùng tiết niệu nằm trong nhóm những bệnh lý xảy ra khá phổ biến ở phụ nữ mang thai. Theo đó, thói quen uống ít nước của mẹ bầu được xem như một tác nhân gây ra tình trạng viêm nhiễm này. Để có thể chủ động phòng tránh, bà bầu nên uống thêm nước dừa vào các bữa phụ, nhằm làm sạch đường tiết niệu và tăng cường bài tiết độc tố. 

Xem thêm: Những thói quen có thể gây nhiễm trùng tiểu mà chị em khó ngờ tới

1.4 Ngăn ngừa nguy cơ thiếu ối

Thiếu ối hay còn được biết đến là hiện tượng nước ối ít hơn mức bình thường, gây ảnh hưởng tới sự an toàn của thai nhi. Nếu mẹ thường uống nước dừa khi mang thai thì đây là một thói quen tốt. Tiếp nạp thêm thức uống này vừa giúp đảm bảo duy trì đủ lượng nước ối, vừa tăng cường thêm chất dinh dưỡng trong dịch ối để nuôi dưỡng em bé. 

1.5 Kích thích tiêu hóa

Ợ hơi và táo bón - hai trong những triệu chứng phổ biến gây nhiều khó chịu cho mẹ bầu, song có thể khắc phục hiệu quả nhờ vào các chất dinh dưỡng có trong nước dừa. Chất xơ trong nước dừa sẽ kích thích nhu động ruột hoạt động, đồng thời làm trung hòa axit trong quá trình tiêu hóa.

Xem thêm: Giải pháp giúp mẹ vượt qua chứng táo bón khi mang thai nhẹ nhàng

1.6 Duy trì đường huyết ổn định

Nhiều mẹ bầu lo lắng rằng vì nước dừa có vị ngọt nên cần hạn chế sử dụng để tránh làm tăng đường huyết, tuy nhiên nhận định này không hoàn toàn đúng. 

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng hàm lượng vitamin C cùng hoạt chất L – arginine trong nước dừa còn có khả năng cải thiện độ nhạy của tế bào với insulin, kiểm soát quá trình hấp thu đường vào máu và ngăn ngừa tiểu đường thai kì

1.7 Tốt cho tim mạch

Nhờ cung cấp hàm lượng lớn khoáng chất kali nên nước dừa là thức uống ‘thân thiện’ với sức khỏe tim mạch. Dưỡng chất này sẽ tham gia vào quá trình điều hòa nhịp tim ổn định, phòng ngừa nguy cơ tăng huyết áp và giảm tỉ lệ mắc đột quỵ. 

Xem thêm: Tăng huyết áp thai kỳ nguy hiểm thế nào, làm sao nhận biết và phòng ngừa?

1.8 Cung cấp độ ẩm làn da

Cùng với việc bổ sung nước, nước dừa còn đem đến cho cơ thể mẹ bầu thêm nhóm chất axit lauric – có đặc tính kháng viêm, dưỡng ẩm và chống lão hóa làn da. 

ba-bau-uong-nuoc-dua-co-tot-khong-luu-y-cach-uong-an-toan-voh-1
Nước dừa cung cấp axit lauric, giúp duy trì độ ẩm cho làn da bà bầu (Nguồn: Internet) 

1.9 Ngăn ngừa dị tật thai nhi 

Để giảm thiểu tỉ lệ thai nhi mắc dị tật, một trong những dưỡng luôn phải đảm bảo cung cấp đủ trong chế độ ăn uống của bà bầu là vitamin B9 (axit folic). Thật may là nhóm chất này được tìm thấy nhiều trong nước dừa nên các mẹ hãy cố gắng duy trì thói quen uống nước dừa đều đặn. 

Xem thêm: 'Điểm mặt' 6 dị tật bẩm sinh ở trẻ sơ sinh thường gặp và các nguyên nhân gây bệnh

2. Bà bầu uống nước dừa từ tháng thứ mấy?

Không thể phủ nhận nước dừa đem đến nhiều lợi ích lành mạnh, nhưng nếu sử dụng thức uống này quá sớm vào những tháng đầu thai kì thì có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ và bé. 

Theo đó, phụ nữ mang thai 3 tháng đầu không nên uống nước dừa bởi sẽ gây ra các triệu chứng mệt mỏi, đuối sức. Ngoài ra, nước dừa (nhất là nước dừa xiêm) là thức uống có tính hàn, giúp làm giảm nhiệt cơ thể và làm các cơ trở nên mềm, yếu, hạ huyết áp. Do đó, nếu bà bầu uống nước dừa trong 3 tháng đầu thai kỳ có thể dẫn đến sảy thai.

Tuy nhiên, bắt đầu từ tháng thứ 4, bà bầu có thể uống nước dừa với một lượng đều đặn, mỗi ngày một ly và giảm dần vào những tháng cuối thai kỳ, khoảng 2 – 3 ly/tuần là đủ.

Những mẹ bầu nào được chẩn đoán là thiếu nước ối thì nên bổ sung lượng nước dừa nhiều hơn, có thể một ngày uống 1 trái dừa hoặc tham khảo ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể. 

3. Một số lưu ý khi bà bầu uống nước dừa

Để đảm bảo có thể tận dụng tối đa những công dụng mà nước dừa đem lại, khi uống mẹ bầu cần thực hiện những lưu ý sau đây: 

  • Không uống nước dừa khi cơ thể cảm thấy mệt mỏi, khó chịu.
  • Không uống quá nhiều nước dừa, tốt nhất là nên duy trì “tiêu chuẩn” mỗi ngày 1 ly.
  • Mẹ bầu có tiền sử suy nhược, huyết áp thấp nên tham khảo ý kiến bác sĩ nếu muốn uống nước dừa.
  • Không nên uống nước dừa đã để qua đêm cũng như nước dừa có vị lạ.
  • Không nên uống nước dừa trước khi đi ngủ, vì nước dừa lợi tiểu sẽ khiến mẹ bầu mắc tiểu thường xuyên hơn, từ đó làm ảnh hưởng đến giấc ngủ.

Hi vọng những thông tin trên sẽ giúp mẹ bầu giải đáp được thắc mắc “bà bầu uống nước dừa có tốt không?” để từ đó có thể cung cấp, bổ sung dinh dưỡng hợp lý đầy đủ hơn trong thai kỳ.