Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Mộc nhĩ (nấm mèo) ngâm quá lâu có thể gây ngộ độc khi ăn

( VOH ) - Mộc nhĩ ngâm quá lâu có thể tạo điều kiện để vi khuẩn phát triển, sinh ra độc tố, khi ăn vào cơ thể có thể gây ra những tổn thương về gan và thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Tháng 7 vừa qua, tại tỉnh Chiết Giang, Trung quốc, đã xảy ra trường hợp một gia đình 3 người đã phải nhập viện khẩn cấp do bị ngộ độc thực phẩm khi ăn phải mộc nhĩ (nấm mèo) ngâm qua 2 ngày đêm.

Trong số 3 người nhập viện, một người đã qua cơn nguy kịch, 2 người còn lại tình trạng ngộ độc khá nghiêm trọng với những biểu hiện da chuyển vàng, chức năng gan suy yếu nghiêm trọng và nhiều cơ quan khác cũng bị tổn thương ở các mức độ khác nhau. 

Theo kết quả kiểm tra của các bác sĩ tại bệnh viện tỉnh Chiết Giang, các bệnh nhân trên đã bị nhiễm vi khuẩn Pseudomonas từ mộc nhĩ. Dù đã được tiến hành lọc máu nhưng tình trạng bệnh nhân vẫn rất nguy kịch và cơ hội sống sót là rất mong manh.

1. Ăn mộc nhĩ ngâm lâu ngày tại sao nguy hiểm?

Trong thông tin chia sẻ từ PGS.TS Nguyễn Thị Chính, Nguyên giảng viên bộ môn Vi sinh, Khoa Sinh học, Trường ĐHKHTN, ĐHQGHN (theo trang emdep.vn), mộc nhĩ là loại nấm không độc, ăn được và có thể chế biến thành nhiều món ăn bổ dưỡng. Tuy nhiên, nếu mộc nhĩ ngâm nước quá lâu sẽ bị biến chất, tạo điều kiện thuận lợi để các loại vi khuẩn có hại sinh sôi và phát triển.

moc-nhi-nam-meo-ngam-qua-lau-co-the-gay-ngo-doc-khi-an-VOH

Mộc nhĩ ngâm qua đêm có thể sản sinh ra vi khuẩn nguy hiểm (Nguồn: Internet)

Loại vi khuẩn trong mộc nhĩ có thể có thể sản sinh ra một chất độc cực mạnh có tên là BKA không dễ bị phân hủy ở nhiệt độ cao, chính vì thế dù thức ăn đã được nấu chín hoàn toàn cũng sẽ không thể tiêu diệt được hết độc tố này.

Chất độc này khi đã xâm nhập vào cơ thể sẽ gây ảnh hưởng đến nhiều cơ quan. Nếu người bệnh ngộ độc nhẹ còn có thể cứu chữa nhưng nếu độc tố quá mạnh, đã xâm nhập vào nhiều cơ quan thì khả năng cứu sống là rất thấp. Loại độc tố này có tỷ lệ tử vong lên đến 50%.

2. Ăn mộc nhĩ thế nào để bảo vệ sức khỏe?

Mộc nhĩ là loại thực phẩm phổ biến và cũng mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe, tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Thị Chính, để bảo vệ sức khỏe mọi người không nên ăn mộc nhĩ khi còn tươi. Mộc nhĩ tươi có chứa chất porphyrin - chất nhạy cảm ánh sáng. Nếu sau khi ăn mộc nhĩ tươi, cơ thể có tiếp xúc với ánh sáng sẽ gây viêm da, ngứa, phù nề, trầm trọng có thể gây hoại tử da.

Khi mộc nhĩ được phơi khô, chất cảm quang ánh sáng sẽ mất đi, độc tính không còn nên ăn sẽ an toàn hơn. Ngoài ra, khi nấu mộc nhĩ nên nấu chín hoàn toàn, tuyệt đối không ăn mộc nhĩ khi vừa nấu chín tới.

Phần lớn các loại mộc nhĩ khi đến tay người tiêu dùng đều đã được phơi khô, cần phải ngâm vào nước lạnh để mềm và nở ra như trạng thái ban đầu.

Mộc nhĩ nói riêng và các loại thực phẩm khô nói chung khi ngâm vào nước sẽ giúp hòa tan độc tố và làm cho thực phẩm an toàn hơn. Tuy nhiên, với mộc nhĩ khi ngâm lâu sẽ bị biến chất do chất đạm bị thủy phân khiến cho vi khuẩn dễ tấn công, gây ra nhiễm khuẩn, dẫn đến nguy cơ ngộ độc.

Ăn phải mộc nhĩ nhiễm khuẩn nguy cơ ngộ độc là rất cao. Khi bị ngộ độc mức độ nhẹ, người bệnh sẽ xuất hiện triệu chứng đau bụng, buồn nôn, đi ngoài. Ở mức nặng có thể phải nhập viện cấp cứu.

Do đó, để an toàn cho sức khỏe các bác sĩ khuyên mọi người chỉ nên ăn mộc nhĩ khô được ngâm trong nước lạnh từ 15 - 20 phút. Sau đó rửa sạch, cắt bỏ phần chân trước khi chế biến.

Bình luận