Chờ...

Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị bệnh tim mạch

VOH - Bệnh tim mạch là một trong những bệnh lý nguy hiểm nhất trên thế giới, ngay cả những người trẻ tuổi cũng có xu hướng mắc bệnh này.

Đa số các bệnh về tim có thể phòng ngừa và điều trị cùng với một chế độ sống lành mạnh. Dưới đây là nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị bệnh tim mạch.

Nguyên nhân bệnh tim mạch

- Hút thuốc lá: Việc hút thuốc lá thường xuyên cũng là một yếu tố nguy cơ đáng kể đối với bệnh tim mạch. Các chất độc hại có trong thuốc lá chính là “kẻ thù” của mạch máu, nó có thể làm hỏng và thu hẹp mạch máu.

Chất Nicotine và Carbon monoxide có trong thuốc lá là những chất gây ra các cơn co thắt ở các mạch máu, xơ vữa động mạch.

benh-tim-mach-110424
Chất Nicotine và Carbon monoxide có trong thuốc lá là những chất gây ra các cơn co thắt ở các mạch máu, xơ vữa động mạch - Ảnh: BPincontrol

- Cholesterol cao: Cholesterol là một chất béo được tìm thấy trong máu. Khi hàm lượng cholesterol cao, nó khiến mạch máu bị thu hẹp và tăng nguy cơ hình thành cục máu đông.

- Bệnh tiểu đường: Cũng như cholesterol, lượng đường trong máu quá cao cũng góp phần làm hỏng các mạch máu, khiến chúng dễ bị thu hẹp hơn.

Có thể nói, bệnh tim là biến chứng nguy hiểm của bệnh tiểu đường. Nhiều người bị tiểu đường tuýp 2 cũng dễ bị thừa cân hoặc béo phì, đây cũng là yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

- Thừa cân hoặc béo phì: Chúng đều làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và huyết áp cao, cả hai đều là yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch.

Một người có khả năng bị bệnh tim cao hơn nếu như chỉ số BMI từ 25 trở lên, nam giới có số vòng eo từ 94 cm và nữ giới có vòng eo từ 80 cm.

- Không vận động: Khi một người không tập thể dục thường xuyên, nhiều khả năng người đó sẽ bị cao huyết áp, cholesterol cao và thừa cân. Tất cả những điều này góp phần gây ra bệnh tim.

Ngược lại, một người tập thể dục đều đặn mỗi ngày, kết hợp với chế độ lành mạnh sẽ mang đến cho họ một trái tim thực sự khỏe mạnh.

- Căng thẳng kéo dài: Căng thẳng kéo dài có thể làm hỏng các động mạch và làm trầm trọng thêm các yếu tố nguy cơ khác của bệnh tim.

- Tiền sử gia đình mắc bệnh tim: Nguy cơ bị tim cũng bị tăng lên nếu một người có tiền sử bị tim mạch. Cụ thể là cha hoặc anh trai được chẩn đoán mắc bệnh tim trước 55 tuổi, mẹ hoặc chị gái được chẩn đoán mắc bệnh tim trước 65 tuổi.

Ngoài ra, một số yếu tố khác cũng được cho là ảnh hưởng đến nguy cơ phát triển của bệnh tim mạch. Cụ thể, người trên 50 tuổi, là nam giới, chế độ ăn uống không lành mạnh, uống quá nhiều rượu...

Triệu chứng của bệnh tim mạch  

- Cảm giác bị đau tức ngực: là triệu chứng thường gặp của bệnh tim. Tuy nhiên nó cũng xuất hiện ở các bệnh lý khác như hô hấp, thần kinh.

- Chán ăn, buồn nôn: người bệnh sẽ cảm thấy chán ăn buồn nôn do sự tích tụ của dịch trong gan, hệ thống tiêu hóa.

- Ho dai dẳng, khò khè: máu bị ứ lại do tim bơm máu không đủ để cung cấp cho cơ thể. Dịch ứ ở phổi lâu ngày gây tình trạng ho mạn tính, thở khò khè.

- Khó thở: xuất hiện từ từ và dần tăng lên khi người bệnh gắng sức, đặc biệt khi nằm xuống.

- Cơ thể bị tích nước, căng phù: triệu chứng phù do bệnh tim mạch thường là phù tím, phù mềm, dấu hiệu bắt đầu từ hai bàn chân.

- Thường xuyên mệt mỏi, kiệt sức: đây là dấu hiệu thiếu máu đến tim, não và phổi, nó sẽ làm cho cơ thể mệt mỏi, kiệt sức khi thực hiện các hoạt động thường ngày.

- Đi tiểu đêm: do sự chuyển dịch lượng nước tích tụ trong cơ thể gây phù ở nhiều bộ phận đến thận thông qua các mạch máu làm cho người bệnh suy tim sẽ đi tiểu thường xuyên vào ban đêm.

- Nhịp tim nhanh, mạch không đều: tốc độ đập của tim sẽ nhanh hơn, xuất hiện tình trạng đánh trống ngực hoặc đập dồn dập.

- Chóng mặt, ngất xỉu: là triệu chứng thường xuất hiện khi bệnh nhân bị rối loạn nhịp tim, máu đến não bị gián đoạn.

Các phương pháp điều trị bệnh tim

- Thay đổi lối sống: là phương pháp đơn giản nhất nhưng đòi hỏi sự kiên trì từ bệnh nhân.

Người bệnh tim nên lựa chọn cho mình một chế độ ăn uống ít chất béo và sodium, tập thể dục đều đặn (ít nhất 30 phút mỗi ngày trong tuần), từ bỏ hút thuốc và hạn chế việc uống rượu bia.

- Sử dụng thuốc: Đối với các trường hợp nhiễm trùng, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân sử dụng các loại thuốc kháng sinh. Sử dụng thuốc nào để điều trị sẽ phụ thuộc vào loại bệnh tim cụ thể của từng bệnh nhân.

- Phẫu thuật: Nếu thuốc không hiệu quả trong điều trị bệnh tim, bác sĩ có thể đề xuất phẫu thuật tim.

- Nong mạch: điều trị tắc nghẽn mạch bằng cách sử dụng một thiết bị tương tự như quả bóng đưa vào điểm hẹp nhất của động mạch. Có thể chèn stent (một ống thép không gỉ nhỏ) để giữ động mạch mở ra và đảm bảo lưu thông máu.

- Cắt động mạch: Loại phẫu thuật dùng để cắt mảng bám khỏi động mạch, tạo điều kiện cho máu lưu thông tự do.

- Bắc cầu động mạch: Bác sĩ có thể lấy một phần động mạch hoặc tĩnh mạch từ một vị trí khác trên cơ thể (như cánh tay hoặc chân) và sử dụng nó để tạo một đường dẫn máu xung quanh khu vực động mạch bị tắc nghẽn.

- Máy tạo nhịp tim nhân tạo: sử dụng một thiết bị điện tử nhỏ, đặt vào bên trong cơ thể để điều chỉnh nhịp tim.

- Thay thế van tim: Nếu van tim bị hỏng hoặc không hoạt động đúng cách, bác sĩ có thể chỉ định thay van tim.

- Cắt nội mạc động mạch cảnh: trong quy trình này, bác sĩ sẽ loại bỏ mảng bám tích tụ tại động mạch cảnh để ngăn ngừa đột quỵ.

Dù nguyên nhân đau tim là gì, chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát và phòng tránh được. Chỉ cần bạn đừng chủ quan và hết sức lưu ý trong lối sống sinh hoạt hàng ngày.