Mèo đóng vai trò là ổ chứa tự nhiên của Bartonella henselae và sinh vật này gây bệnh nhiễm khuẩn huyết trong hồng cầu và có thể tồn tại một năm hoặc lâu hơn ở một số con mèo.
Cơ chế nhiễm bệnh có thể do mèo cào hay cắn gây trầy xước trên cơ thể bệnh nhân hoặc mèo liếm rây nước bọt vào vết thương hở trên cơ thể bệnh nhân.
Trong tuần vừa qua, Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí tiếp nhận và điều trị cho 3 trường hợp liên tiếp nhập viện với vết thương do mèo cào, cắn. Điều đáng nói là các vết thương khi nhập viện có dấu hiệu nhiễm trùng: sưng đỏ, có dịch chảy ra tại miệng vết thương.
Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí cho biết, khi xâm nhập từ mèo vào cơ thể con người qua vết cào hoặc vết cắn, vi khuẩn sẽ tấn công hệ thống hạch bạch huyết của cơ thể gây ra tình trạng viêm hạch tại chỗ.
Bệnh nhân sẽ có biểu hiện sưng tấy, đau, đóng vảy. Tuy nhiên, sau một thời gian vảy bong, vết thương không liền sẹo như vết thương thông thường mà vẫn sưng, phù nề, các hạch bạch huyết gần vùng cắn có thể bị sưng to gây tình trạng sốt, chán ăn, nhức đầu kéo dài 2-5 tháng.
Bệnh mèo cào nếu được bác sĩ chẩn đoán kịp thời, bệnh nhân có thể dùng thuốc hạ sốt, giảm đau, kháng sinh đặc hiệu kịp thời thì tình trạng bệnh nhân hoàn toàn ổn định.
Qua đây, các bác sĩ khuyến cáo, khi mèo cào, cắn, liếm vết thương hở phải rửa vết thương dưới vòi nước sạch, có thể dùng nước sát khuẩn rửa, vệ sinh.
Mặc dù tỷ lệ bệnh dại do mèo tương đối thấp nhưng cần theo dõi tình trạng ốm, chết của mèo khoảng 15 ngày, đến cơ sở y tế tư vấn, tiêm phòng uốn ván hoặc phòng dại.