1. Vì sao bị sưng mặt?
Bị phù mặt có thể do những yếu tố từ bên trong lẫn bên ngoài. Nó có thể là một hiện tượng sinh lý bình thường không cần chữa trị, nhưng đây cũng có thể là dấu hiệu báo động các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe.
Những nguyên nhân gây sưng mặt gồm có:
1.1 Hiện tượng tích tụ chất lỏng
Uống nhiều nước trước khi đi ngủ dễ gây sưng mặt vào sáng hôm sau (Nguồn: Internet)
Mặt bị sưng sau khi ngủ dậy có thể do buổi tối trước khi đi ngủ bạn đã uống quá nhiều nước hoặc đồ uống có cồn. Việc này sẽ gây tích tụ nước trong các cơ và mô mặt khiến khuôn mặt của bạn bị sưng lên.
1.2 Dị ứng thuốc và thực phẩm
Mặt của bạn có thể bị sưng lên khi cơ thể bị dị ứng với thuốc. Một số loại thuốc dễ gây dị ứng gồm aspirin, thuốc kháng sinh,…Hoặc mặt sưng phù do dị ứng với một số thực phẩm như cua, tôm và một số loại trái cây như dâu, cà chua,…
1.3 Hấp thụ quá nhiều cortisol
Căng thẳng kéo dài khiến cơ thể sản sinh ra mức độ hormone căng thẳng hoặc cortisol bất thường, từ đó gây ra chứng rối loạn gọi là Hội chứng Cushing.
Đó có thể là do khối u ở tuyến yên hoặc tuyến thượng thận gây ra, hoặc do sử dụng lâu dài các loại thuốc corticosteroid được sử dụng để điều trị thấp khớp. Những người bị tình trạng này thường bị sưng phù mặt, mất lớp mỡ ở tay và chân, tăng cân ở phần bụng.
1.4 Viêm xoang
Viêm xoang thường gây đau ở các khu vực xung quanh mắt và xương gò má, làm cho người bệnh cảm thấy rất khó chịu. Bệnh có thể gây sưng trên mặt và dẫn đến nhiễm trùng đường hô hấp trên, người bệnh có thể đau đầu nhẹ đến nghiêm trọng.
1.5 Viêm mô tế bào
Viêm mô tế bào là một bệnh nhiễm trùng da xảy ra do vi khuẩn, có thể khiến mặt bị sưng lên đột ngột. Các triệu chứng đi kèm khác gồm đỏ, đau và ấm ở xung quanh vùng mặt.
1.6 Bệnh quai bị
Bị sưng mặt có thể là dấu hiệu của bệnh quai bị. Bệnh thường ảnh hưởng tuyến nước bọt nằm trước mang tai, dẫn đến viêm. Sự sưng tấy của tuyến nước bọt có thể gây phồng má cùng với sốt, mệt mỏi và chán ăn.
1.7 Các vấn đề về tuyến giáp
Tuyến giáp giải phóng các hormon làm tăng lưu lượng oxy và kích thích các tế bào tạo ra các protein mới, do đó nó kiểm soát quá trình trao đổi chất của cơ thể. Vấn đề xảy ra khi tuyến giáp sản xuất quá ít hoặc quá nhiều các hormon này. Khi sản xuất quá nhiều hormon sẽ dẫn đến chứng cường giáp làm cho các chức năng cơ thể tăng tốc.
Khi tuyến giáp hoạt động kém và sản xuất không đủ hormon sẽ dẫn đến suy giáp. Cả hai loại đều khiến mặt sưng lên.
Như vậy, có nhiều nguyên nhân có thể gây ra tình trạng sưng phù mặt. Để khắc phục chứng sưng mặt hiệu quả, bạn cần xác định chính xác nguyên nhân. Nếu hiện tượng này tự khỏi và không tái phát thì bạn không cần phải lo lắng, tuy nhiên nếu sưng mặt tái diễn thường xuyên và gây ngứa rát hay đau nhức thì bạn cần đến bệnh viện để thăm khám và điều trị phù hợp.
2. Một số biện pháp khắc phục chứng sưng mặt tại nhà
2.1 Chườm đá
Chườm đá lên vùng bị sưng là phương pháp giúp giảm viêm và đau. Bạn có thể dùng túi đá hoặc gói đá trong khăn và áp lên những vùng bị sưng trên mặt. Áp túi đá trên mặt khoảng 10 - 20 phút. Bạn có thể chườm đá mỗi ngày nhiều lần, tối đa đến 72 tiếng.
2.2 Kê cao đầu
Phương pháp nâng cao vùng bị sưng có thể giúp giảm sưng, vì vậy bạn nên đặt đầu ở vị trí cao. Ban ngày, bạn nên ngồi thẳng đầu. Khi chuẩn bị đi ngủ, bạn hãy chọn tư thế ngủ sao cho đầu được kê cao trong khi ngủ.
2.3 Tránh mọi thứ nóng
Khi mặt bị sưng, bạn nên tránh những thứ nóng trong khoảng thời gian tối thiểu là 48 tiếng. Nhiệt độ cao có thể làm trầm trọng hơn tình trạng sưng và viêm trên mặt. Điều này cũng đồng nghĩa với việc tránh tắm vòi sen nước nóng, bồn tắm nước nóng hoặc túi chườm nóng.
Nhìn chung, hiện tượng sưng mặt không quá nghiêm trọng đến sức khỏe, trừ khi đó là biểu hiện của bệnh tật. Hãy đến gặp bác sĩ nếu tình trạng sưng mặt diễn ra thường xuyên mà không rõ nguyên nhân, để có thể điều trị kịp thời.