Những thực phẩm có thể gây mất nước trong cơ thể

VOH - Mất nước xảy ra khi lượng nước bài tiết ra khỏi cơ thể cao hơn so với lượng nước cơ thể nạp vào.

Tình trạng này gây phá vỡ sự cân bằng của nồng độ muối, khoáng chất và lượng đường trong máu, từ đó gây cản trở hoạt động bình thường của cơ thể. Dưới đây là những thực phẩm có thể gây mất nước trong cơ thể.

Thực phẩm chứa nhiều muối

Muối hấp thu nước trong cơ thể, có thể giữ nước, gây phù. Nếu ăn quá nhiều khiến cơ thể mất cân bằng nước, dẫn đến khô môi, khát nước.

Ngoài ra, tiêu thụ sản phẩm chứa nhiều muối còn gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe khác như đầy hơi, thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn helicobacter pylori, làm hại niêm mạc dạ dày.

Chúng còn tăng nguy cơ ung thư đường tiêu hóa, tăng huyết áp, bệnh tim mạch, ảnh hưởng chức năng thận khiến thận hoạt động kém, mất nước do rối loạn bài tiết nước tiểu…

Ảnh minh họa – 07-01-2025

Ảnh minh họa: Internet

Đồ uống có đường

Mặc dù đường thường không được coi là tác nhân gây mất nước nhưng nghiên cứu cho thấy nhiều người tiêu thụ đồ uống có đường thay cho nước có thể dẫn đến tình trạng mất nước.

Đồ uống có đường cũng có thể dẫn đến mất chất lỏng trong ruột và ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe thận. Thận rất cần duy trì độ ẩm vì chúng kiểm soát lượng nước tiểu.

Các nghiên cứu cho thấy, việc bù nước bằng soda sau khi tập thể dục cường độ cao trong thời tiết nóng có thể gây ra tổn thương thận cấp tính.

Đồ ăn nhanh

Các loại thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhanh thường ở dạng chiên rán nhiều dầu mỡ hoặc chứa nhiều muối như khoai tây chiên, gà rán, snack, ngũ cốc rang muối, bánh quy…

Hàm lượng chất béo cao làm chậm quá trình rỗng dạ dày, khiến cơ thể mất nhiều năng lượng để tiêu hóa, làm tăng nhiệt độ toàn thân, gây mất nước.

Tiêu thụ đồ ăn nhanh kích thích cơ thể sử dụng đồ uống có đường, nước có gas hoặc rượu bia. Trong khi những loại đồ uống này có thể gây mất nước.

Những người có bệnh lý về tiêu hóa như hội chứng ruột kích thích, viêm tụy mạn... tiêu thụ đồ ăn nhanh nhiều chất béo có thể bị tiêu chảy, tăng nguy cơ thiếu nước.

Nghiên cứu của các nhà khoa học Brazil trên 1,1 triệu người vào năm 2022 đăng trên thư viện Y khoa Hoa Kỳ, cho thấy tiêu thụ một lượng nhỏ đồ ăn nhanh làm tăng 12% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, ăn quá nhiều làm tăng rủi ro lên 31% so với việc không tiêu thụ.

Để pha loãng glucose dư thừa tích lũy trong máu, cơ thể sẽ tách nước từ các tế bào và bơm lượng nước này vào máu, khiến người bệnh tiểu đường cảm thấy khát nước do thiếu nước liên tục. Mặc dù người bệnh có thể đã uống nhiều nước.

Cà phê có hàm lượng caffeine cao

Cà phê thông thường và các loại đồ uống có chứa caffeine khác như trà ít có khả năng gây mất nước.

Tuy nhiên, đồ uống có hàm lượng caffein cao như cà phê đậm đặc có thể dẫn đến mất nước vì caffeine là một chất lợi tiểu. Nó làm tăng sản xuất nước tiểu khiến chúng ta đi tiểu nhiều hơn.

Những người có bàng quang hoạt động quá mức dễ bị ảnh hưởng bởi tác dụng lợi tiểu của caffeine.

Rượu bia

Lý do uống rượu làm cơ thể mất nước là vì các chất chuyển hóa từ rượu làm tăng nhu cầu đào thải qua thận, hoặc như bia có tỷ lệ nước nhiều, sẽ dẫn đến tăng lượng nước tiểu.

Việc tăng sản xuất nước tiểu, đổ mồ hôi, nôn mửa và tiêu chảy do uống rượu khiến cơ thể mất nước nhiều hơn. Tình trạng mất nước càng nặng thì các biểu hiện nôn nao do rượu càng trở nên trầm trọng.

Rượu cũng có thể góp phần gây mất nước bằng cách ảnh hưởng đến sự tỉnh táo và phán đoán, khiến chúng ta ít nhận thức được nhiệt độ cơ thể của mình. Khi cơ thể bị mất nước, nó bắt đầu mất khả năng đổ mồ hôi và tự làm mát.

Khi không nhận thức được nhiệt độ cơ thể đang tăng, bạn có thể bị mất nước mà không nhận ra.

Bình luận