Niêm mạc tử cung mỏng có thai được không?

Nếu trong thời kỳ rụng trứng, niêm mạc tử cung đo được qua siêu âm có độ dày dưới 6mm thì được coi là niêm mạc tử cung mỏng và tình trạng này có thể làm ảnh hưởng đến quá trình thụ thai của phụ nữ.

Niêm mạc tử cung (hay còn gọi là nội mạc tử cung) là lớp niêm mạc bao phủ toàn bộ mặt trong của tử cung. Lớp lót này phát triển nhờ vào estrogen có trong cơ thể, đóng vai trò quan trọng trong quá trình thụ thai cũng như mang thai ở người phụ nữ.

Khi trứng rụng và gặp tinh trùng để tiến hành thụ thai, sẽ phải cần phải có lớp niêm mạc tử cung đủ dày để phôi làm tổ và phát triển. Nếu sự thụ tinh không diễn ra, lớp niêm mạc tử cung sẽ bong tróc ra và tạo thành hiện tượng kinh nguyệt hàng tháng. Lớp niêm mạc tử cung chịu nhiều biến đổi trong chu kỳ kinh nguyệt và thay đổi theo từng thời kỳ.

1. Niêm mạc tử cung mỏng là gì?

Niêm mạc tử cung mỏng (hay nội mạc tử cung mỏng) là cụm từ miêu tả trạng thái của lớp lót tử cung. Chị em có thể biết chính xác liệu mình có bị tình trạng niêm mạc tử cung mỏng hay không thông qua việc tiến hành siêu âm. Kết quả siêu âm sẽ được đối chiếu với từng giai đoạn trong chu kỳ kinh nguyệt để xác định nội mạc tử cung mỏng ở mức độ nào.

Dưới đây là các mức chỉ số độ dày của niêm mạc tử cung bình thường mà chị em có thể tham khảo:

  • Thời kỳ ra kinh: niêm mạc tử cung rất mỏng, chỉ số tiêu chuẩn < 4mm.
  • Thời kỳ tăng sinh: niêm mạc tử cung bắt đầu dày lên, chỉ số tiêu chuẩn từ 4 - 8mm.

benh-niem-mac-tu-cung-mong-co-thai-duoc-khong-VOH

Vào thời kỳ tăng sinh niêm mạc tử cung thường đạt từ 4 - 8mm (Nguồn:Internet)

  • Thời kỳ rụng trứng: niêm mạc tử cung dày hơn, chỉ số tiêu chuẩn từ 6 – 10mm.
  • Thời kỳ sau rụng trứng: niêm mạc tử cung dày nhất, chỉ số tiêu chuẩn từ 7 – 14mm.

Như vậy có thể thấy, trong thời gian hành kinh nếu niêm mạc tử cung có độ dày thấp hơn 6mm thì chứng tỏ chị em có niêm mạc tử cung mỏng.

1.1 Tại sao niêm mạc tử cung mỏng?

Có nhiều nguyên nhân khiến cho niêm mạc tử cung mỏng như:

  • Do chị em có nồng độ estrogen trong cơ thể thấp. Toàn bộ chu kỳ kinh nguyệt sẽ phụ thuộc vào lượng estrogen. Phụ nữ kinh nguyệt không đều thường có lớp tử cung mỏng do nồng độ estrogen thấp. Lượng estrogen sẽ giảm theo thời gian và đó lý do những phụ nữ trên 40 thường khó mang thai hoặc giữ thai.
  • Lối sống ít vận động, không có sự luyện tập thể dục, thể thao thường xuyên ở một số chị em phụ nữ cũng có thể là nguyên nhân khiến niêm mạc tử cung mỏng hơn.
  • Do mắc các bệnh lý liên quan đến tử cung.
  • Do mắc các bệnh nhiễm trùng hoặc viêm vùng chậu.
  • Hậu quả của việc nạo phá thai: Lớp niêm mạc tử cung sẽ bị mỏng đi một chút sau mỗi lần nạo, phá thai.
  • Lạm dụng thuốc tránh thai, nhất là các loại thuốc tránh thai khẩn cấp.
  • Do lạm dụng clomid - một loại thuốc kích thích rụng trứng. Đây được cho là một antiestrogen có hoạt động đối kháng với estrogen trong cơ thể phụ nữ.

1.2 Niêm mạc tử cung mỏng có thai được không?

Lòng tử cung chính là nơi để trứng đã thụ tinh làm tổ và phát triển. Tuy nhiên, với những chị em có niêm mạc tử cung mỏng hơn 6mm thì quá trình làm tổ sẽ khó khăn hơn, từ đó cũng sẽ rất khó để mang thai.

Trong trường hợp phôi thai đã bám vào được lòng tử cung thì cũng rất dễ bị bong ra gây nên hiện tượng thai chết lưu. Bên cạnh đó, khi tử cung có niêm mạc mỏng cũng sẽ không thể cung cấp được đủ chất dinh dưỡng để nuôi thai nhi. Từ đó, dễ dẫn đến nguy cơ sảy thai.

benh-niem-mac-tu-cung-mong-co-thai-duoc-khong-1-VOH

Niêm mạc tử cung mỏng rất dễ dẫn đến nguy cơ sảy thai (Nguồn: Internet)

Đặc biệt, tình trạng niêm mạc tử cung mỏng còn là dấu hiệu của nhiều bệnh về tử cung, có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của chị em nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời.

2. Niêm mạc tử cung mỏng có chữa được không?

Để cải thiện tình trạng niêm mạc tử cung mỏng, chị em cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và kiểm tra tình trạng bệnh cụ thể và có hướng điều trị phù hợp nhất.

  • Nếu niêm mạc tử cung mỏng do thiếu hụt estrogen thì bác sĩ sẽ chỉ định bổ sung estrogen bằng thuốc, chế độ ăn uống, thực phẩm chức năng...
  • Nếu nguyên nhân gây niêm mạc tử cung mỏng là do bệnh lý, các bác sĩ sẽ có những phác đồ điều trị cụ thể.

3. Niêm mạc tử cung mỏng nên ăn gì?

Bên cạnh việc áp dụng các phương pháp điều trị theo chỉ định bác sĩ, các chị em cũng cần xây dựng cho mình một chế độ ăn uống, thói quen sinh hoạt hợp lý để cải thiện độ dày niêm mạc tử cung. Cụ thể:

3.1 Bổ sung lượng sắt cho cơ thể

Sắt là chất đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc tái tạo, nuôi dưỡng cũng như làm tăng độ dày lớp lót nội mạc tử cung. Do đó, chị em có thể bổ sung sắt vào cơ thể qua các loại thực phẩm thông dụng như thịt bò, bí đỏ, ngũ cốc nguyên hạt...

3.2 Vitamin E và L-Arginine

Vitamin E và L-Arginine cũng là những chất rất hữu ích trong việc làm tăng độ dày của nội mạc tử cung. Chị em có thể tìm thấy vitamin E và L-Arginine trong các các chế phẩm từ thuốc hoặc trong các loại thực phẩm.

3.3 Đậu nành

Là thực phẩm giàu estrogen, đậu nành có thể cung cấp lượng estrogen lớn cho những chị em phụ nữ có niêm mạc tử cung mỏng. Chị em hãy bổ sung nhiều đậu nành để cải thiện tình trạng mỏng niêm mạc tử cung.

3.4 Tập thể dục mỗi ngày

Các bài tập thể dục nhẹ nhàng như đi bộ, tập yoga... là phương pháp thể dục đơn giản nhất tạo sự chuyển động của hông giúp thúc đẩy lượng máu chảy vào tử cung hỗ trợ làm dày lớp niêm mạc tử cung, đồng thời tăng tuần hoàn cho các cơ quan sinh sản.

Bên cạnh đó, chị em cũng có thể kết hợp với các liệu pháp như: châm cứu, bấm huyệt, vận động nhẹ nhàng để tăng cường lượng máu lưu thông trong tử cung, từ đó cải thiện tình trạng niêm mạc tử cung bị mỏng.

Nhìn chung, để xác định niêm mạc tử cung có mỏng hay không chỉ có thể phát hiện qua hình thức siêu âm, do đó chị em nên thực hiện tốt việc khám phụ khoa định kỳ để có thể nhận biết sớm và can thiệp y tế kịp thời, hạn chế tối đa những ảnh hưởng cho quá trình sinh sản về sau.