Rối loạn mỡ máu nguy hiểm thế nào, cách giúp bạn phòng ngừa hiệu quả

(VOH) – Rối loạn mỡ máu là bệnh lý khá phổ biến hiện nay, bệnh có thể gây ra những biến chứng vô cùng nguy hiểm đến sức khỏe người bệnh nếu không được điều trị và phòng ngừa sớm.

Rối loạn mỡ máu là gì?

Theo BS CKI Tăng Ngọc Diệp (Chuyên khoa Nội tổng quát BV quốc tế Sài Gòn), mỡ máu là tên gọi thông thường của lipid máu, được tạo ra do cơ thể tự tổng hợp (chiếm 75%) và từ thức ăn (chiếm 15%).

Mỡ trong máu bao gồm nhiều thành phần khác nhau, trong đó thành phần quan trọng nhất là cholesterol và triglyciride, đây là những thành phần cấu tạo trong cơ thể. Khi mỡ máu có sự thay đổi của 1 hoặc nhiều hơn 4 thành phần được gọi là rối loạn mỡ máu.

Rối loạn mỡ máu là tình trạng dư thừa các thành phần mỡ máu cũng như sự tích tụ thức ăn hàng ngày như dầu mỡ, chất béo bão hòa trong cơ thể. Những người gầy ốm hay ăn chay vẫn có khả năng bị rối loạn mỡ máu do rối loạn cholesterol tại gan hoặc do cơ địa, yếu tố di truyền, rối loạn chuyển hóa nội sinh...

roi-loan-mo-mau-nguy-hiem-the-nao-cach-giup-ban-phong-ngua-voh

Rối loạn mỡ máu là bệnh lý thường gặp ở nhiều người (Nguồn: Internet)

Khi xét nghiệm lượng mỡ máu bác sĩ sẽ dựa vào 4 thành phần để định lượng, đánh giá một người có bị rối loạn mỡ máu hay không, đó là:

  • Cholesterol toàn phần.
  • HDL cholesterol (lipoprotein tỷ trọng cao). Đây là loại “mỡ tốt” mang cholesterol dư thừa trở về gan và giúp vận chuyển cholesterol ra khỏi mảng xơ vữa khỏi mạch máu. Đồng thời giúp chống lại quá trình xơ vữa động mạch cũng như các biến cố động mạch khác.
  • LDL cholesterol (lipoprotein tỷ trọng thấp). Đây là loại “mỡ xấu” gây lắng đọng ở thành mạch máu, gây xơ vữa động mạch.
  • Triglyciride máu tăng cường đi kèm với cholesterol máu tăng, là chất có hại gây xơ vữa động mạch và biến cố tim mạch.

Nếu các thông số thành phần mỡ máu vượt quá ngưỡng cho phép sẽ làm tăng nguy cơ và gây biến chứng. Những mức chỉ số mỡ máu làm tăng nguy cơ biến chứng là:

  • Cholesterol toàn phần tăng cao trên 240 mg/dL  hoặc là 6.2 mmol/L.
  • LDL cholesterol tăng cao trên 160 mg/dL  hoặc trên 4.1 mmol/L.
  • Triglyciride tăng cao trên 200 mg/dL  hoặc 2.3 mmol/L.
  • Giảm HDL cholesterol dưới 40 mg/dL hoặc dưới 1 mmol/L

Các giá trị chỉ số này sẽ được thể hiện khi bạn làm xét nghiễm mỡ máu.

Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng rối loạn mỡ máu?

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng rối loạn mỡ máu, bao gồm:

  1. Nguyên nhân nguyên phát

Gây ra do một hay nhiều gen tổng hợp quá mức LDL-c hay Triglyciride máu hoặc tổng hợp không đủ hay đào thải quá mức HDL-c.

Những rối loạn tiên phát là nguyên nhân hàng đầu gây rối loạn mỡ máu ở trẻ em.

  1. Nguyên nhân thứ phát

  • Do lối sống ít vận động thường gặp ở nhân viên văn phòng, buôn bán.

roi-loan-mo-mau-nguy-hiem-the-nao-cach-giup-ban-phong-ngua-1-voh

Người ăn nhiều thức ăn chứa chất béo bão hòa dễ bị rối loạn mỡ máu (Nguồn: Internet)

  • Những người ăn nhiều thức ăn có chứa chất béo bão hòa.
  • Chế độ ăn dư thừa năng lượng ở người béo phì.
  1. Những nguyên nhân khác

Thường gặp ở những người có bệnh sẵn như bệnh tiểu đường, bệnh thận mãn hay suy gan, hay dùng các loại thuốc huyết áp dạng beta giao cảm, thuốc lợi tiểu, nội tiết tố, thuốc kháng viêm...

Đặc biệt, sau 30 tuổi chức năng tế bào bị suy giảm, chuyển hóa cơ bản giảm sẽ càng làm tăng nguy cơ bị rối loạn mỡ máu.

Rối loạn mỡ máu gây ra những hậu quả gì?

Theo bác sĩ Tăng Ngọc Diệp, rối loạn mỡ máu có thể dẫn đến rất nhiều những biến chứng khác nhau như:

  • Biến chứng mạch máu: Gây xơ vữa động mạch, thành mạch xơ cứng, hẹp lòng mạch và nguy cơ gây tắc mạch máu, đặc biệt là các mạch máu nhỏ.
  • Gây biến chứng nhồi máu cơ tim và nhồi máu não: Tăng “mỡ xấu” gây xơ vữa động mạch, hình thành các cục máu đông làm hẹp lòng mạch dẫn đến thiếu máu cơ tim, có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim.
  • Gây tăng huyết áp: Tình trạng tăng cholesterol xấu sẽ tạo ra những mảng xơ vữa làm lòng mạch hẹp, thành mạch kém đàn hồi, tăng sức ép lên thành mạch dẫn đến tăng huyết áp.
  • Tăng độ nhớt của máu làm tăng các biến chứng tim mạch, suy thận, tổn thương mắt.
  • Gây gan nhiễm mỡ do tích tụ chất béo trong gan dẫn đến suy giảm chức năng gan và làm xơ gan.
  • Tăng nguy cơ đột quỵ do mảng xơ vữa và sự duy chuyển các cục máu đông gây thiếu máu não hoặc tắc nghẽn dòng máu lên não dẫn đến nhồi máu não.
  • Gây ra những bệnh lý như tiểu đường, béo phì...

Điều trị rối loạn mỡ máu như thế nào?

BS Tăng Ngọc Diệp cho biết, các biện pháp điều trị rối loạn mỡ máu đầu tiên là từ việc thay đổi chế độ ăn, chế độ luyện tập. Điều trị bằng thuốc chỉ áp dụng khi việc điều chỉnh lối sống, sinh hoạt, ăn uống thất bại hoặc người bệnh sẽ được chỉ định dùng thuốc khi có quá nhiều nguy cơ bệnh mạch vành, lượng “mỡ xấu” trong máu tăng cao trên 4.1mmol/L.

roi-loan-mo-mau-nguy-hiem-the-nao-cach-giup-ban-phong-ngua-2-voh

Người bị rối loạn mỡ máu nếu không điều trị sẽ dẫn đến nhiều biến chứng (Nguồn: Internet)

Như vậy, để điều trị rối loạn mỡ máu bạn cần lưu ý:

  • Thực hiện chế độ ăn giảm cân với bệnh nhân thừa cân.
  • Tăng vận động thể lực bằng các biện pháp: đi xe đạp, đi bộ nhanh, chạy bộ, chơi thể thao...
  • Giảm ăn mỡ động vật, lòng đỏ trứng, sữa nguyên kem, bơ, dầu thực vật, dầu dừa dầu cọ. Nên ăn dầu thực vật chứa axit béo không no như dầu đậu nành, dầu oliu.
  • Giảm ăn các món ăn chiên xào.
  • Nên ăn cá chứa nhiều omega 3 giúp thúc đẩy quá trình trao đổi chất.  
  • Giảm thức ăn chứa nhiều cholesterol như da và nội tạng động vật (óc, tim, gan,...)
  • Giảm các loại đồ ăn ngọt dễ gây béo phì.
  • Tăng cường ăn rau quả tươi, uống sữa đậu nành, hạn chế rượu bia, nhất là khi có biểu hiện tăng triglyciride máu.

Phòng ngừa rối loạn mỡ máu như thế nào?

Do biểu hiện tăng mỡ máu thường rất mờ nhạt nên người bệnh chỉ xác định được bệnh bằng cách làm xét nghiệm mỡ máu. Vì thế, bạn nên thực hiện kiểm tra mỡ máu định kỳ từ 3 – 6 tháng/lần hoặc theo chỉ định của bác sĩ với những người có nguy cơ, ví dụ huyết áp cao, bệnh tim mạch hoặc bệnh mạch máu não.

Nên theo dõi cân nặng thường xuyên mỗi tháng, nếu dư cân phải ăn uống tiết chế theo chế độ ăn bệnh lý. Đồng thời nên thường xuyên vận động để giúp giảm cân.

Những người đang điều trị bệnh đái tháo đường, suy thận hoặc có thiếu máu cơ tim, huyết áp cao nên duy trì mỡ máu trong mức an toàn và điều trị bệnh lý theo hướng dẫn bác sĩ. Không được tự ý sử dụng thuốc khi không có chỉ định từ bác sĩ. .

Bạn có thể nghe lại phần tư vấn của bác sĩ từ audio bên dưới:

Không ăn mỡ sẽ không tăng mỡ máu - đúng hay sai? : Nhiều người khi nghe đến tăng mỡ máu liền nghĩ ngay đến việc nếu không ăn mỡ thì mỡ máu sẽ không tăng, tuy nhiên thực tế điều này có đúng hay không, cùng nghe câu trả lời từ bác sĩ.
Tăng mỡ máu và những vấn đề không phải ai cũng biết : Mỡ máu (lipid máu) là thành phần quan trọng trong cơ thể. Tuy nhiên, khi mỡ trong máu tăng cao lại trở thành vấn đề đáng lo ngại vì nó có thể gây ra nhiều hệ lụy sức khỏe khác.
Bình luận