Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Khám phá 5 tác dụng của quả sấu mang lại cho sức khỏe

(VOH) – Nếu từng có dịp ghé thăm hoặc tìm hiểu những loại quả đặc sản ở một số tỉnh miền Bắc của nước ta, có lẽ bạn cũng biết tới quả sấu. Vậy tác dụng của quả sấu mang lại cho sức khỏe là gì ?

Sấu được biết đến như một thức quả “chớp nhoáng” bởi cây chỉ ra trái trong thời gian rất ngắn và nếu bỏ lỡ thì phải đợi tới tận mùa sau mới có cơ hội thưởng thức. Vậy loại quả này có hương vị như thế nào và đem lại lợi ích gì cho sức khỏe? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp giúp bạn. 

1. Quả sấu là quả gì ?

Quả sấu có tên khoa học là Dracontomelon duperreanum, thuộc nhóm thực vật hạt kín phát triển ở vùng khí hậu nhiệt đới. 

1.1 Đặc điểm

Theo các tài liệu về cây trồng, sấu nằm trong nhóm cây thân gỗ sống lâu năm, thậm chí tuổi thọ còn lên tới nghìn năm tuổi. Sấu có khả năng thích nghi tốt với những biến đổi của thời tiết, chịu lạnh và chịu hạn tốt, tuy nhiên cần lưu ý không để đất trồng sấu bị úng ngập. Cây sấu sinh trưởng tốt có thể cao tới 25 – 30m, sở hữu bộ rễ cọc và rễ bạnh vè nên bão gió cũng khó bị quật ngã. Đặc biệt, tán lá xanh thẫm, xòe rộng có khả năng che nắng, tạo bóng râm mát mẻ. 

qua-sau-nguyen-lieu-nau-mon-ngon-co-5-loi-ich-suc-khoe-rat-tot-voh-0
Cây sấu vừa cho thu hoạch trái, vừa được tận dụng làm cây bóng mát, xua đi nắng nóng oi ả mùa hè (Nguồn: Internet)

Thông thường, độ đầu hè - khoảng tháng 4, tháng 5 lá sấu vàng bắt đầu rụng xuống, cây sẽ chuẩn bị trổ hoa trắng, đây cũng là tín hiệu báo mùa thu hoạch quả sấu sắp tới (kéo dài từ tháng 6 tới tháng 9 hàng năm). Những quả sấu nhỏ xinh, có đường kính khoảng 2 cm, khi xanh có vị chua nhẹ và hơi chát, cuối mùa sấu chín vàng thì có chút vị ngọt xen lẫn. 

1.2 Phân bố

Hiện nay tại Việt Nam, cây sấu chủ yếu được trồng tại khu vực miền Bắc như Hà Nội, Lạng Sơn hay Hưng Yên và một số tỉnh miền Trung, gần như không xuất hiện tại Nam Bộ. 

2. Tác dụng của quả sấu với sức khỏe

Có thể nói, những trái sấu nhỏ bé với hương thơm nhẹ và vị chua dịu là một thứ quả bổ dưỡng, vừa được tận dụng làm nguyên liệu của các món ăn, vừa là một dược liệu hỗ trợ cải thiện các vấn đề sức khỏe. 

Dưới đây là một số tác dụng của quả sấu đem lại: 

2.1 Kích thích vị giác 

Trong những ngày hè oi bức, chúng ta thường cảm thấy uể oải và chán ăn, phần lớn chỉ muốn “uống nước thay cơm”. Chính vì lý do đó, mùa hè tới, các chuyên gia dinh dưỡng thường khuyến khích chúng ta bổ sung vào bữa ăn hàng ngày một số món ăn thanh mát, có vị chua nhẹ từ trái sấu, nhằm kích thích vị giác và tăng cảm giác ngon miệng khi ăn. 

Xem thêm: Những lý do khiến bạn chán ăn qua từng ngày và đây là cách khắc phục

2.2 Thanh nhiệt giải độc

Dựa trên phân tích dinh dưỡng, quả sấu vốn được đánh giá là loại quả mọng nước, trung bình trong 100g phần ăn được của quả có chứa tới 94.7g nước. Nhờ có hàm lượng nước dồi dào này mà tác dụng của quả sấu có đặc tính hỗ trợ ngăn chặn tình trạng mất nước xảy ra và giúp thanh nhiệt, giải độc hiệu quả. 

2.3 Giảm ngứa rát cổ họng

Hiện tượng ho, ngứa rát cổ họng xuất hiện do khá nhiều nguyên nhân khác nhau, tuy nhiên phổ biến nhất vẫn là do các vi khuẩn gây bệnh xâm nhập vào hệ hô hấp. Bên cạnh việc sử dụng thuốc đặc trị, người bệnh có thể dùng nước sấu ngâm đường hoặc sắc nước sấu uống để làm dịu cơn ho dai dẳng.  

qua-sau-nguyen-lieu-nau-mon-ngon-co-5-loi-ich-suc-khoe-rat-tot-voh-1
Quả sấu thường được dùng để điều chế các bài thuốc trị ho, ngứa rát cổ họng kéo dài (Nguồn: Internet) 

2.4 Bổ sung canxi

Hàm lượng canxi được tìm thấy trong quả sấu tương đối lớn, trong 100g phần thịt quả sẽ cung cấp khoảng 135mg dưỡng chất này.

Do đó, thêm quả sấu vào khẩu phần ăn hàng ngày là cách giúp chúng ta chủ động hấp thu thêm khoáng chất canxi – thành phần thiết yếu tham gia quá trình hình thành tế bào xương mới, đồng thời tăng mật độ khoáng xương và ngăn chặn nguy cơ bị loãng xương. 

Xem thêm: Top 5 thực phẩm giúp phòng ngừa loãng xương cực kì hiệu quả

2.5 Giải rượu hiệu quả

Trong y học cổ truyền, tác dụng của quả sấu còn được sử dụng để điều chế các bài thuốc giúp giải rượu vô cùng hữu hiệu. Theo đó, uống nước quả sấu xanh sắc với gừng sẽ giảm cơn đau đầu, mệt mỏi và sớm tỉnh táo trở lại. 

3. Gợi ý món ngon từ quả sấu

Tuy chỉ là một loại quả nhỏ bé nhưng sấu lại trở thành nguồn cảm hứng cho ra đời khá nhiều món hấp dẫn. Thực tế tới mùa thu hoạch sẽ gồm cả sấu xanh và sấu chín, nhưng nếu như sấu xanh bạn có thể tìm mua suốt cả mùa thì sấu chín lại chỉ có trong độ vài tuần, từ cuối tháng 7 đến đầu tháng 8.

qua-sau-nguyen-lieu-nau-mon-ngon-co-5-loi-ich-suc-khoe-rat-tot-voh-6
Nước sấu ngâm - thức uống giải khát mùa hè ( Nguồn: Internet )

Sấu xanh thường được ngâm cùng đường để pha chế nước uống, hoặc làm nguyên liệu của các món canh hầm. Với sấu chín thì chỉ cần gọt vỏ, ướp cùng chút đường chút muối là có thể thưởng thức rồi.  

Xem thêm: Sấu Hà Nội đang chuẩn bị vào mùa, nhanh tay thực hiện những món ngon từ sấu này nhé

4. Bà bầu ăn quả sấu được không?

Khi mang thai, các mẹ bầu thường thèm các món ăn có vị chua chua, bởi đây là cách giúp mẹ vượt qua cơn ốm nghén nhẹ nhàng hơn.

Thật may là các món ăn thanh mát, chua dịu từ quả sấu khá lành mạnh và bổ dưỡng nên mẹ bầu có thể tham khảo bổ sung trong thực đơn dưỡng thai, vừa giúp mẹ ăn ngon miệng, vừa hỗ trợ phòng ngừa các vấn đề sức khỏe. 

Xem thêm: Quả sấu 'thức quà ngon từ Hà Nội' khiến nhiều mẹ bầu mê mẩn

5. Hướng dẫn cách chọn và bảo quản quả sấu

Nếu “bắt trúng” thời điểm sấu vào mùa và tranh thủ mua thì cơ hội chọn được trái chất lượng tốt sẽ cao hơn. Bên cạnh đó, hãy “bỏ túi” một vài mẹo nhỏ dưới đây để lựa và bảo quản quả sấu giòn ngon, sử dụng trong thời gian dài. 

qua-sau-nguyen-lieu-nau-mon-ngon-co-5-loi-ich-suc-khoe-rat-tot-voh-2
Các bà nội trợ thường tranh thủ mua sấu và cất trữ để sử dụng trong thời gian dài (Nguồn: Internet) 

5.1 Mẹo chọn quả sấu ngon

Hiện nay quả sấu được bán phổ biến ở nhiều nơi, bạn có thể tìm thấy loại quả này ở trong chợ hoặc dọc các đường hay chợ nông sản. Trung bình giá sấu tươi dao động từ 60.000 - 70.000/kg, còn sấu đông lạnh thì giá mắc hơn với mức 100.000 - 120.000/kg. Để chọn mua quả sấu ngon không quá khó, chỉ cần bạn chú ý quan sát một số đặc điểm sau:

  • Nên chọn kỹ từng quả một, tránh lấy quả có vỏ bị thâm, nhũn mềm. 
  • Tốt nhất không hãy lựa quả có vỏ hơi sần, phần cùi sẽ dầy hơn những quả láng bóng. 
  • Không nên chọn quả sấu quá già bởi hạt to và ít chua. 

5.2 Cách bảo quản quả sấu

Như đã chia sẻ, sấu chỉ được thu hoạch vào mùa nhất định trong năm, nên nhiều bà nội trợ thường mua và cất trữ để dùng cho cả năm. Để bảo quản quả đúng cách, cần thực hiện các bước cơ bản gồm: 

  • Cạo sạch vỏ sấu (không cần gọt sạch vỏ), sau đó đem rửa sạch và để thật ráo nước. Có thể cắt phần cuống sấu cho nhựa chảy ra ngoài. 
  • Chia sấu thành nhiều phần, sau để cất trong túi bảo quản thực phẩm và đặt ở ngăn đông của tủ lạnh. Không nên cất toàn bộ lượng sấu chung trong một túi khiến các quả dính chặt với nhau, sau thời gian dài rất khó lấy ra sử dụng. 

6. Các tác hại của quả sấu

Không thể phủ nhận rằng tác dụng của quả sấu tốt cho sức khỏe mà còn có thể chế biến các món ăn sẽ góp phần làm trọn vẹn hương vị, tăng thêm độ hấp dẫn. Song để đảm bảo không mắc phải các tác dụng phụ không tốt cho sức khỏe, bạn hãy ghi nhớ các lưu ý dưới đây: 

6.1 Trẻ em dưới 1 tuổi không nên dùng

Theo khuyến cáo, trẻ dưới 1 tuổi thuộc nhóm đối tượng không nên sử dụng loại quả này vì hệ tiêu hóa của trẻ còn rất nhạy cảm, dễ bị tác động bởi tính axit trong sấu.

6.2 Hạn chế dùng khi mắc các bệnh lý dạ dày

Thói quen ăn quá nhiều các món ăn từ sấu có thể gây nên những ảnh hưởng xấu, đặc biệt nếu dùng với lượng lớn khi đói bụng có thể làm tăng tiết axit hại cho dạ dày, đồng thời gây cảm giác côn cào và xót ruột. 

qua-sau-nguyen-lieu-nau-mon-ngon-co-5-loi-ich-suc-khoe-rat-tot-voh-3
Các món ăn từ sấu thường có vị chua, giàu tính axit nên không thích hợp với người có tiền sử mắc các bệnh lý dạ dày (Nguồn: Internet)

Nhất là khi còn xanh axit trong quả sấu nhiều nên quả sẽ có vị chua, những người mắc bệnh viêm loét dạ dày tá tràng cần hạn chế dùng. Ngoài ra quả sấu ngâm với nhiều đường quá mức cho phép thì sẽ làm lượng đường trong máu tăng cao, nếu uống quá nhiều nước sấu sẽ phần nào làm suy giảm chức năng của tuyến tụy, tăng nguy cơ mắc bệnh béo phì, tim mạch và đái tháo đường.

Xem thêm: Nếu không giải quyết những nguyên nhân này, viêm dạ dày tá tràng rất dễ tái phát nhiều lần

7. Thành phần dinh dưỡng của quả sấu

Theo tài liệu Bảng thành phần thực phẩm Việt Nam của Bộ Y tế, trong 100g sấu (phần ăn được) có các thành phần dinh dưỡng nổi bật sau:

  • Nước: 94.7g
  • Năng lượng: 38 Kcal
  • Protein: 1.3 g
  • Carbohydrate: 8.2 g
  • Chất xơ: 2.7 g
  • Photpho: 44 mg
  • Canxi: 135
  • Vitamin C: 3 mg

Với hương vị chua êm ái, thanh thanh từ bên trong, lại giàu giá trị dinh dưỡng nên không khó hiểu vì sao quả sấu thường được người miền Bắc gói ghém làm món quà quý gửi vào miền Nam. Dù không phải “cao lưỡng mỹ vị” nhưng tác dụng của quả sấu vừa tốt cho sức khỏe vừa khiến nhiều người ghiền dù chỉ thử qua 1 lần.

Bình luận