Chờ...

Tập thể dục giúp giảm căng thẳng, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch

VOH - Theo một nghiên cứu mới, ngoài những lợi ích về thể chất, tập thể dục còn liên quan đến việc giảm tín hiệu căng thẳng trong não, dẫn đến giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu của hơn 50.000 người trưởng thành khoảng 60 tuổi từ Mass General Brigham Biobank, theo nghiên cứu được công bố trên Tạp chí của Hội Tim mạch Hoa Kỳ.

Nghiên cứu đã xem xét một cuộc khảo sát mà những người tham gia cung cấp về hoạt động thể chất và hình ảnh não của họ - để theo dõi hoạt động liên quan đến căng thẳng và hồ sơ kỹ thuật số về các vấn đề tim mạch.

tap-the-duc-160424
Tập thể dục giúp giảm căng thẳng, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch - Ảnh: Stocksy

Tác giả chính của nghiên cứu, Tiến sĩ Ahmed Tawakol, bác sĩ tim mạch tại Bệnh viện Đa khoa Mass và phó giáo sư y khoa tại Trường Y Harvard ở Boston cho biết: “Những người tập thể dục nhiều hơn đã giảm dần các tín hiệu liên quan đến căng thẳng trong não”.

Ông nói thêm: “Chúng tôi tìm thấy mối liên hệ tốt đẹp, tập thể dục dường như phần nào làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim bằng cách giảm các tín hiệu liên quan đến căng thẳng”.

Ông Tawakol và nhóm nghiên cứu cũng muốn biết, liệu những người có nhiều tín hiệu liên quan đến căng thẳng hơn trong não có nhận được lợi ích lớn từ việc tập thể dục hay không.

Kết quả đáng ngạc nhiên là, lợi ích của việc tập thể dục tăng gấp đôi ở những người bị trầm cảm so với những người không bị trầm cảm hoặc không có tiền sử trầm cảm.

Mối quan hệ giữa số lượng bài tập và mức độ giảm nguy cơ tim mạch cũng khác nhau tùy thuộc vào việc một người có tiền sử trầm cảm hay không.

Đối với những người không có tiền sử trầm cảm, lợi ích của việc tập thể dục trong việc giảm bệnh tim mạch sẽ giảm sau khoảng 300 phút hoạt động thể chất vừa phải mỗi tuần. Nhưng đối với những người bị trầm cảm, lợi ích tiếp tục tăng khi họ dành nhiều thời gian hơn, chuyên gia Tawakol nói.

Đồng tác giả nghiên cứu, Tiến sĩ Karmel Choi, nhà tâm lý học lâm sàng và trợ lý giáo sư tại Trường Y Harvard và Bệnh viện Đa khoa Massachusetts cho biết: “Chúng tôi biết trầm cảm là một yếu tố nguy cơ quan trọng đối với bệnh tim và nó cũng là một trong những tình trạng liên quan đến căng thẳng phổ biến nhất”.

“Mặc dù một số người có thể dễ bị căng thẳng hơn và các hậu quả về sức khỏe do nó gây ra, nhưng ở đây chúng tôi thấy rằng, họ có thể được hưởng lợi nhiều hơn từ việc tập thể dục và tập thể dục cũng có tác dụng điều chỉnh căng thẳng. Điều đó thật đáng khích lệ” - cô nói thêm trong một email.

Tiến sĩ Andrew Freeman, Giám đốc phòng ngừa tim mạch và sức khỏe tại National Jewish Health ở Denver – người không tham gia vào nghiên cứu cho biết: “Những công cụ này (các bài tập thể dục) cực kỳ hiệu quả về mặt chi phí, mức độ cải thiện thật đáng kinh ngạc - thường tốt hơn nhiều loại thuốc - và chúng ta nên đưa những công cụ này vào ‘kho vũ khí’ của mình để sẵn sàng sử dụng”. 

Freeman cho biết, bạn không cần phải là một vận động viên chuyên nghiệp để có thói quen tập thể dục tốt nhất. Mỗi người nên cố gắng dành 30 phút mỗi ngày cho hoạt động thể chất. Nếu bạn không thích đi bộ, đạp xe, bơi lội hay bất cứ việc gì thì đừng làm. Nhưng hãy tìm ra cách để có được một hoạt động thể chất mà bạn thực sự yêu thích.