Đăng nhập

Việt Nam loại trừ thành công bệnh đau mắt hột

VOH - Ngày 21/10, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chính thức công nhận Việt Nam loại trừ thành công bệnh đau mắt hột, một bệnh nhiễm khuẩn mắt nguy hiểm từng là nguyên nhân chính gây mù lòa. 

Đau mắt hột - do vi khuẩn Chlamydia trachomatis gây ra, là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có thể dẫn đến mù lòa. Bệnh chủ yếu lây lan qua tiếp xúc với dịch tiết từ mắt và mũi của người bệnh, đặc biệt là trẻ em, hoặc qua các vật dụng trung gian như khăn lau mặt, và một số loài ruồi. Tại Việt Nam, khoảng 30 năm trước, đau mắt hột là vấn đề y tế cộng đồng nghiêm trọng tại 4 tỉnh, nơi có đến 1,7% dân số cần phải phẫu thuật để ngăn ngừa mù lòa.

Nhờ vào những nỗ lực kiểm soát và điều trị mạnh mẽ, đến năm 2023, tỷ lệ người trưởng thành mắc đau mắt hột ở các vùng có nguy cơ cao đã giảm xuống dưới 0,2%. Đây là ngưỡng WHO đặt ra để xác định bệnh không còn là vấn đề y tế cộng đồng.

Việc loại trừ đau mắt hột tại Việt Nam được thúc đẩy mạnh mẽ bởi việc áp dụng thành công chiến lược SAFE của WHO. Chiến lược này bao gồm bốn giai đoạn chính: 

- Surgery (phẫu thuật): can thiệp phẫu thuật sớm để ngăn ngừa mù lòa.

- Antibiotics (thuốc kháng sinh): sử dụng kháng sinh điều trị các trường hợp nhiễm khuẩn.

- Facial cleanliness (vệ sinh mặt): khuyến khích vệ sinh cá nhân, đặc biệt là mặt và mắt.

- Environmental improvement (cải thiện môi trường): cải thiện điều kiện sống và vệ sinh môi trường nhằm ngăn chặn sự lây lan của bệnh.

Bản sao của thumb liên cầu lợn (16)Xem toàn màn hình
Đây là một thành tựu y tế quan trọng, ghi nhận nỗ lực không ngừng của Việt Nam suốt nhiều thập kỷ qua. Ảnh: TTXVN

Với chiến lược này, Việt Nam đã triển khai rộng rãi các chương trình giáo dục sức khỏe, tiêm phòng và cung cấp dịch vụ y tế cho hàng trăm nghìn người dân ở các vùng có nguy cơ cao. Những biện pháp này không chỉ giúp ngăn chặn sự lây lan của bệnh mà còn nâng cao nhận thức của cộng đồng về vệ sinh cá nhân và chăm sóc sức khỏe mắt.

Mặc dù đã đạt được thành tựu đáng kể, WHO khuyến cáo Việt Nam cần tiếp tục duy trì các biện pháp giám sát và kiểm soát bệnh đau mắt hột, đảm bảo căn bệnh này không tái phát. Việc nâng cao nhận thức cộng đồng, cùng với duy trì vệ sinh cá nhân và cải thiện môi trường sống, là yếu tố quan trọng để bảo vệ sức khỏe mắt cho thế hệ tương lai.

Loại trừ thành công bệnh đau mắt hột tại Việt Nam không chỉ là một thành tựu y tế quốc gia mà còn đóng góp vào mục tiêu toàn cầu về xóa sổ các bệnh truyền nhiễm gây mù lòa, mang lại cơ hội sống khỏe mạnh hơn cho hàng triệu người trên thế giới.

Bình luận