Chờ...

Bệnh đầu nhỏ - bệnh nguy hiểm về thần kinh ở trẻ

(VOH) – Bệnh đầu nhỏ là tình trạng đầu của trẻ nhỏ hơn đáng kể so với trẻ cùng độ tuổi, cùng giới tính. Đây được xem là một trong số các bệnh nguy hiểm về thần kinh ở trẻ mà cha mẹ nên lưu ý.

1. Bệnh đầu nhỏ ở trẻ em là bệnh gì?

Bệnh đầu nhỏ hay còn gọi là hội chứng teo não, là một rối loạn thần kinh hiếm gặp khiến chu vi đầu của trẻ sơ sinh nhỏ hơn bình thường và phát triển không đầy đủ. Mức độ mắc trẻ mắc bệnh đầu nhỏ có thể từ nhẹ đến nặng và có thể xuất hiện ngay khi trẻ sinh ra đời (bẩm sinh) hoặc sau này trong quá trình phát triển.

Trong thời kỳ mang thai, đầu của thai nhi phát triển theo sự phát triển của não bộ. Bệnh đầu nhỏ có thể xảy ra do não của trẻ không phát triển đúng cách trong suốt thời kỳ bào thai hoặc ngừng phát triển sau khi sinh, dẫn đến kích thước đầu nhỏ hơn bình thường.

Bệnh đầu nhỏ có thể mang tính tách biệt, nghĩa là có thể xảy ra mà không có dị tật bẩm sinh nghiêm trọng nào hoặc cũng có thể đi kèm với các dị tật bẩm sinh nghiêm trọng khác.

2. Bệnh đầu nhỏ ở trẻ do nguyên nhân nào?

Chứng bệnh đầu nhỏ ở trẻ em là một dị tật hiếm gặp. Một số trẻ bị mắc bệnh đầu nhỏ do biến đổi gen như mắc hội chứng Down. Ngoài ra, trẻ bị bệnh đầu nhỏ có thể do gặp phải một số vấn đề sau trong thai kỳ:

  • Thai phụ mắc một số viêm nhiễm trong thời gian mang thai như rubella, nhiễm ký sinh trùng Toxoplasma (ví dụ ăn thịt chưa được nấu chín kỹ), nhiễm HIV hoặc nhiễm virus cytomegalo...
  • Thai phụ bị thiếu dinh dưỡng nghiêm trọng, phơi nhiễm với các chất gây hại như rượu, một số loại thuốc hoặc hóa chất độc hại, làm gián đoạn việc cung cấp máu đến não trẻ trong quá trình phát triển.
  • Một nguyên nhân đặc biệt được quan tâm gần đây nhất là bệnh đầu nhỏ ở trẻ em có thể do người mẹ đã bị nhiễm virus Zika trong thai kỳ. Các nhà khoa học cho biết, đã có đủ bằng chứng để kết luận rằng việc thai phụ nhiễm virus Zika gây ra chứng đầu nhỏ và một số dị tật não cực kỳ nghiêm trọng khác.

benh-dau-nho-o-tre-nguyen-nhan-trieu-chung-va-cach-dieu-tri-voh

Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh đầu nhỏ ở trẻ em (Nguồn: Internet)

Ngoài ra, có một số nguyên nhân chủ quan cũng khiến trẻ em mắc bệnh đầu nhỏ như: xuất huyết hoặc đột quỵ ở trẻ sơ sinh, tổn thương não sau sinh, trẻ bị khuyết tật cột sống hoặc não.

3. Triệu chứng bệnh đầu nhỏ ở trẻ em

Ở trường hợp nhẹ, đầu trẻ bị nhỏ nhưng lại không gây ra những vấn đề gì khác. Phần đầu sẽ phát triển khi trẻ lớn lên, tuy nhiên vẫn nhỏ hơn so với các bé bình thường.

Ở một số trường hợp nặng, trẻ bị bệnh đầu nhỏ có thể sẽ gặp phải một số vấn đề học tập, nhưng thông thường các vấn đề đó có ít nhiều sẽ được cải thiện khi trẻ lớn lên.

Các triệu chứng khác có thể xuất hiện bao gồm:

  • Vấn đề thăng bằng và phối hợp động tác
  • Chậm phát triển (chậm ngồi, chậm đứng hoặc đi)
  • Khó nuốt hay ăn uống khó khăn
  • Mất thính lực
  • Tăng động (khó tập trung hoặc ngồi yên)
  • Động kinh
  • Chiều cao thấp
  • Gặp vấn đề diễn đạt, thị giác.

4. Chẩn đoán và điều trị bệnh đầu nhỏ như thế nào?

4.1 Chẩn đoán bệnh đầu nhỏ

Bệnh đầu nhỏ có thể được chẩn đoán trong thai kỳ hoặc sau sinh.

Trong thai kỳ, thai nhi có thể được chẩn đoán mắc bệnh đầu nhỏ nhờ siêu âm. Để kiểm tra chứng đầu nhỏ, mẹ bầu nên siêu âm ở cuối giai đoạn giữa (khoảng 28 tuần thai) hoặc ở giai đoạn cuối thai kỳ.

benh-dau-nho-o-tre-nguyen-nhan-trieu-chung-va-cach-dieu-tri-1-voh

Trẻ sau khi sinh bác sĩ sẽ đo chu vi vòng đầu để xác định trẻ có mắc bệnh đầu nhỏ hay không (Nguồn: Internet)

Giai đoạn sau sinh, bác sĩ sẽ đo chu vi đầu của trẻ sơ sinh và so sánh với biểu đồ đo lường tiêu chuẩn được phân chia theo giới tính và độ tuổi. Chứng đầu nhỏ chỉ xảy ra khi vòng đầu của trẻ nhỏ đáng kể so với số đo tiêu chuẩn theo tuổi và giới tính.

4.2 Điều trị chứng đầu nhỏ ở trẻ

Y học hiện nay vẫn chưa tìm ra được cách chữa trị bệnh đầu nhỏ nhưng vẫn có những phương pháp để giúp trẻ kiểm soát hành vi, cải thiện quá trình phát triển hay điều trị động kinh.

Nếu trẻ mắc bệnh đầu nhỏ loại nhẹ, gia đình cần thường xuyên đưa trẻ đến khám bác sĩ để được kiểm tra về quá trình phát triển.

Với những trường hợp nặng, trẻ cần được điều trị suốt đời để kiểm soát triệu chứng, chẳng hạn như triệu chứng như co giật có thể đe dọa đến tính mạng. Bác sĩ sẽ tham vấn cho cha mẹ các phương pháp điều trị để đảm bảo an toàn cho con và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Trẻ bị bệnh đầu nhỏ có thể sẽ được điều trị bằng các cách như:

  • Sử dụng thuốc để kiểm soát cơn co giật, động kinh và cải thiện chức năng thần kinh, cơ bắp.
  • Trị liệu ngôn ngữ.
  • Vật lý trị liệu và trị liệu cơ năng – vận động.

5. Phương pháp phòng ngừa bệnh đầu nhỏ cho con

Khi mang thai, mẹ có thể thực hiện các bước sau để phòng ngừa chứng đầu nhỏ mắc phải ở trẻ nhỏ:

  • Thiết lập một chế độ dinh dưỡng hợp lý và bổ sung vitamin.
  • Phụ nữ mang thai không nên uống bia, rượu cũng như các chất gây nghiện khác.
  • Tránh xa hóa chất.
  • Rửa tay thường xuyên và điều trị các bệnh thông thường một cách kịp thời.
  • Không tiếp xúc với nơi chứa rác bẩn. Đặc biệt, là phân mèo vì có thể làm lây lan ký sinh trùng gây bệnh toxoplasmosis.
  • Sử dụng thuốc chống côn trùng an toàn cho thai phụ ở các khu vực có nhiều muỗi.

Ngoài ra, phụ nữ có thai hay dự định mang thai nên tránh đi tới các vùng có lưu hành virus Zika. Hiện nay, chưa có vắc-xin phòng ngừa Zika, vì vậy phòng tránh bị muỗi đốt vẫn là biện pháp phòng ngừa tốt nhất.