Phụ nữ nhiễm rubella khi mang thai, vì sao nguy hiểm?

(VOH) - Rubella là 1 bệnh lý nhiễm siêu vi lành tính với người bình thường nhưng lại khá nghiêm trọng với thai phụ, bởi phụ nữ nhiễm rubella khi mang thai có thể dẫn đến dị tật bẩm sinh cho thai nhi.

Có thể nói là Rubella trong thai kỳ là 1 nỗi ám ảnh rất lớn đối với phụ nữ đang mang thai, vì nó có thể gây ra nhiều nguy hiểm cho sức khỏe của thai phụ cũng như những biến chứng vô cùng nặng nề trên thai nhi.

Tại sao bệnh rubella khi mang thai lại nguy hiểm?

Rubella (hay còn gọi là bệnh sởi Đức) là 1 loại virus lây truyền qua đường hô hấp. Theo ThS, BS Nguyễn Thị Hồng Thắm (Khoa sản, BV ĐH Y Dược TPHCM), với một phụ nữ bình thường không mang thai thì bệnh lý rubella chỉ giống như các bệnh lý nhiễm siêu vi khác, các triệu chứng chỉ thoáng qua 1-2 tuần sau đó sẽ biến mất và hầu như không để lại di chứng hay hậu quả. 

phu-nu-nhiem-rubella-khi-mang-thai-vi-sao-nguy-hiem-1-voh

Phụ mang thai nhiễm rubella có thể gây nguy hiểm cho thai nhi (Nguồn: Internet)

Tuy nhiên, với phụ nữ mang thai bệnh lý rubella lại trở nên nguy hiểm hơn, đặc biệt trong 3 tháng đầu thai kỳ bởi nó có thể đi qua nhau thai và gây ảnh hưởng tới em bé, khiến thai nhi bị nhiễm hội chứng nhiễm rubella sau sinh cũng như một số dị tật bẩm sinh ở trẻ.

Ngoài ra, phụ nữ nhiễm rubella khi mang thai cũng dễ dẫn đến các vấn đề như: sảy thai, thai chết lưu hoặc sinh non.

Thai nhi bị ảnh hưởng như thế nào khi mẹ nhiễm rubella?

Theo nghiên cứu người ta thấy rằng, nếu thai phụ bị nhiễm rubella trong 3 tháng đầu thai kỳ (dưới 12 tuần tuổi thai) thì có đến 90% thai nhi sẽ bị nhiễm rubella và em bé khi sinh ra có thể gặp phải các dị tật như: 

  • Bệnh đục thủy tinh thể gây mù.
  • Dị tật tim.
  • Bị điếc.
  • Những ảnh hưởng trên hệ thần kinh...

Tuy nhiên, khi qua 12 tuần thai, cụ thể là từ 12-16 tuần thai thì tỷ lệ thai phụ nhiễm rubella sẽ giảm xuống còn khoảng 30-40%, từ 16-20 tuần thai tỷ lệ nhiễm chỉ còn khoảng 10% và sau 20 tuần hầu như rất hiếm có trường hợp thai nhi bị nhiễm rubella từ người mẹ.

Thai phụ nhiễm rubella nên giữ hay bỏ thai?

Rubella là một hội chứng nhiễm siêu vi nên hiện vẫn chưa có một loại thuốc điều trị đặc hiệu nào, chủ yếu vẫn là điều trị các triệu chứng của bệnh.

Bác sĩ Hồng Thắm cho biết, khi một thai phụ có tiếp xúc với nguồn lây thì sau thời gian ủ bệnh từ 2-3 tuần sẽ xuất hiện các triệu chứng sốt nhẹ, nhức mỏi toàn thân, nhức đầu, nhức các khớp, có thể nổi hạch ở vùng cổ, vùng bẹn hoặc nách, kèm theo đó là tình trạng nổi hồng ban (dấu hiệu đặc trưng nhất của bệnh rubella). Do đó, khi thai phụ có các triệu chứng lâm sàng cũng như làm xét nghiệm cận lâm sàng và được xác định nhiễm rubella, bác sĩ sẽ xem xét đến giai đoạn nhiễm bệnh của thai phụ để đưa ra lời khuyên nên giữ hay bỏ thai.

phu-nu-nhiem-rubella-khi-mang-thai-vi-sao-nguy-hiem-voh

Việc xử trí tình trạng nhiễm rubella khi mang thai sẽ dựa vào giai đoạn nhiễm bệnh của thai phụ (Nguồn: Internet)

Thông thường, nếu thai phụ nhiễm rubella trong ở giai đoạn dưới 12 tuần thai thì đến 90% là em bé bị ảnh hưởng; từ 12-16 tuần thai tỷ lệ nhiễm rubella sẽ khoảng 30-40%; từ 16-20 tuần thai là khoảng 10% và sau 20 tuần thai thì khả năng trẻ bị dị tật rất thấp. Như vậy, tỷ lệ nhiễm rubella cao nhất sẽ nằm trong 3 tháng đầu thai kỳ, với những trường hợp này bác sĩ sẽ dựa vào tiền căn sản khoa và mong muốn mang thai của thai phụ để đưa ra quyết định.

  • Nếu thai phụ đã có nhiều con thì có thể lựa chọn chấm dứt thai kỳ bởi tỷ lệ trẻ sinh ra bị dị tật rất cao. 
  • Nếu thai phụ không muốn bỏ thai thì bác sĩ sẽ có những phương pháp xét nghiệm để giúp chẩn đoán xem em bé có thật sự bị nhiễm rubella hay không. Xét nghiệm chẩn đoán rubella thường được thực hiện sau khi thai phụ bị nhiễm rubella ít nhất 4 tuần bằng phương pháp chọc ối.

Lời khuyên bác sĩ: Để phòng ngừa rubella khi trong thai kỳ, tất cả phụ nữ nên chích ngừa rubella trước khi lập gia đình hoặc chuẩn bị có em bé từ 1 - 3 tháng, bởi khi vắc-xin ngừa rubella được chích vào cơ thể sẽ cần thời gian từ 1 - 3 tháng để tạo ra kháng thể nhằm giúp bảo vệ cơ thể tối ưu.

Bạn có thể nghe lại phần tư vấn của bác sĩ từ audio bên dưới:

Tiêm phòng uốn ván cho bà bầu khi nào? : Trong thai kỳ, việc tiêm các mũi vắc-xin phòng bệnh cho thai phụ và thai nhi là rất quan trọng, đặc biệt là tiêm phòng uốn ván. Vậy khi nào thực hiện tiêm phòng uốn ván cho bà bầu là phù hợp?

Chích ngừa trước khi mang thai đúng cách để tránh phí tiền mà không hiệu quả : Chích ngừa trước khi mang thai không chỉ giúp mẹ bầu có thai kỳ khỏe mạnh mà còn an toàn cho thai nhi. Tuy nhiên, chị em chỉ nên tiêm ngừa các loại vắc - xin cần thiết để tránh lãng phí.
Bình luận