Hướng dẫn cách rặn đẻ đúng cách để mẹ sinh nhanh, ít đau

(VOH) – Mẹ có biết ngoài việc phải quan tâm về những dấu hiệu chuyển dạ, độ mở cổ tử cung thì mẹ còn phải biết cách rặn đẻ để có được một cuộc ‘vượt cạn’ thuận lợi, an toàn cho cả 2 mẹ con.

Quá trình chuyển dạ là thời điểm đánh dấu thiên thần nhỏ sắp chào đời sau 9 tháng 10 ngày trong bụng mẹ. Phần lớn các bà mẹ đều sẽ có cảm giác hồi hộp, hạnh phúc khi sắp được gặp con yêu, nhưng cũng có không ít mẹ cảm thấy lo lắng cho việc sắp phải ‘vượt cạn’.

1. Vì sao thai phụ cần học cách rặn đẻ?

Phần lớn các bà bầu khi gần đến ngày sinh nở đều đã trải qua một lớp học tiền sản, trong đó các kiến thức về cách rặn đẻ, cách thở trong lúc chuyển dạ... đều sẽ được chia sẻ.

Nguyên nhân là do trong quá trình chuyển dạ, nếu thai phụ biết cách rặn đẻ nhanh đúng phương pháp sẽ giúp bác sĩ bớt vất vả trong ca sinh, quan trọng hơn là giúp quá trình sinh diễn ra nhanh chóng, tránh được các biến chứng như: mẹ mất sức, bé bị ngạt vì ở trong bụng mẹ quá lâu, tổn thương đường sinh dục, băng huyết sau sinh...

 Quá trình chuyển dạ ở phụ nữ thường bao gồm 3 giai đoạn:

1.1 Giai đoạn 1: Giai đoạn xóa mở cổ tử cung

Trong giai đoạn này, mẹ sẽ thấy xuất hiện những cơn đau bụng nhẹ theo từng đợt. Quá trình được gọi là đau bụng từng cơn và lúc này cổ tử cung của mẹ đã xóa mở được 3cm.

Sau đó, mẹ cảm thấy những cơn đau bụng nhiều và dài hơn. Cổ tử cung cũng đang mỏng dần và mở từ 4 – 9cm.

1.2 Giai đoạn 2: Giai đoạn thai nhi được đẩy ra ngoài

Những cơn đau bụng đến từng hồi, cổ tử cung mở khoảng 10cm (mở trọn), bác sĩ sẽ gắn thiết bị monitoring lên bụng thai phụ để để theo dõi nhịp tim thai và cơn gò tử cung. Lúc này, đầu thai nhi đã lọt thấp, túi ối đã vỡ. Đa số các mẹ cũng đều có cảm giác muốn rặn đẻ, vì vị trí thai nhi lúc này nằm đè lên dây thần kinh Ferguson Plexus nên tạo ra phản xạ Ferguson, thúc giục mẹ bầu phải rặn.

Dưới sự hướng dẫn của bác sĩ, mẹ có những cơn rặn sinh kết hợp với cơn co tử cung để thai nhi được đẩy ra ngoài.

huong-dan-me-cach-ran-de-de-sinh-con-nhanh-it-dau-don-voh

Sản phụ cần học cách rặn đẻ để giảm đau và quá trình sinh được nhanh hơn (Nguồn: Internet)

1.3 Giai đoạn 3: Giai đoạn xổ nhau

Các cơn đau bụng nhẹ hơn, tử cung cũng co lại để giúp nhau bong và xổ ra ngoài. Bác sĩ sẽ chủ động lấy nhau để hạn chế tối đa lượng mất máu của sản phụ.

2. Mách mẹ cách rặn đẻ đúng cách

Theo TS. BS Huỳnh Thị Thu Thủy – Phó Giám đốc BV Từ Dũ, thai phụ cần biết cách thở và biết cách rặn đẻ nhanh để giúp giảm đau và an toàn khi sinh nở. Không rặn sớm quá hay rặn không đúng cách vì sẽ làm cho quá trình chuyển dạ kéo dài gây nguy hiểm cho cả hai mẹ con.

Để học cách rặn đẻ đúng cách chị em có thể tham khảo qua các bước hướng dẫn sau:

2.1 Cách lấy hơi rặn đẻ sinh thường

Các cơn co thường kéo đến theo tính chất chu kì và được chia làm 3 giai đoạn (gọi là 3 thì) - thì co, thì kéo dài và thì nghỉ. Ở thì co, mẹ sẽ cảm thấy bụng mình cứng lên và cơn đau tăng dần. Bước sang thì kéo dài các cơn đau sẽ đạt ‘đỉnh điểm’. Khi đến thì nghỉ, cảm giác đau sẽ giảm dần đi và ngừng hẳn. Đây cũng là khoảng cách giữa các cơn gò.

Dựa theo tính chất chu kỳ của cơn gò tử cung, sản phụ sẽ chú ý và tập trung vào hơi thở:

  • Khi bắt đầu cảm nhận cơn đau (nghĩa là khi bắt đầu thì co) cơn co xuất hiện thai phụ nên tập trung vào hơi thở để tập thở nhanh dần. Hít vào bằng mũi và thở ra bằng miệng.
  • Ở thì kéo dài, cơn đau càng tăng thì thở càng nhanh hơn và nông hơn, tần suất nhịp thở cũng tăng dần. Thai phụ cảm nhận đau càng nhiều thì thở càng nhanh hơn. Đến khi cảm nhận bớt đau thì thở chậm lại và thở sâu hơn, tần suất nhịp thở giảm dần.
  • Ở thì nghỉ, thai phụ nên thở sâu và nhẹ nhàng bình thường để lấy lại năng lượng đã bị mất đi khi thở nhanh, nông ở thì co và tích trữ năng lượng cho lần thở khi cơn gò kế tiếp kéo đến… . 

Thai phụ cần học cách hít thở, lấy hơi và rặn đẻ đúng cách thì mới có hiệu quả trong việc đẩy thai ra khỏi bụng mẹ và ống sinh dục. Mẹ thực hiện cách lấy hơi và rặn đẻ không đúng sẽ khiến giai đoạn xổ thai kéo dài, làm mất sức người mẹ và em bé có thể bị ngạt ngay khi chưa kịp sinh ra.

2.2 Cách rặn đẻ nhanh, ít đau

Khi cảm nhận được cơn co tử cung: bụng gò cứng dần và xuất hiện cơn đau. Thai phụ nên hít vào một hơi thở thật sâu (trong khoảng 10 nhịp đếm). Sau đó nín thở, miệng ngậm chặt, hai tay nắm chặt vào hai thành của bàn sinh, hai chân đạp mạnh vào giá đỡ 2 chân, dồn hơi rặn mạnh để đẩy hơi xuống vùng bụng dưới giúp đẩy thai nhi ra ngoài.

Khi cảm thấy sắp hết hơi nhưng vẫn còn đau có thể hít vào một hơi khác và rặn tiếp tục cho đến khi hết cảm thấy đau bụng nữa.

huong-dan-me-cach-ran-de-de-sinh-con-nhanh-it-dau-don-1-voh

Rặn đẻ khi có cơn gò tử cung sẽ giúp em ra dễ dàng và nhanh chóng (Nguồn: Internet)

Sau mỗi nhịp rặn đẻ, thai phụ được nghỉ khoảng 50 – 60 giây để lấy lại sức và tập trung cho cơ gò tiếp theo. Nếu rặn đẻ khi có cơn gò tử cung thì em mới ra dễ dàng và nhanh chóng.

Lưu ý: Trong lúc rặn, thai phụ phải giữ cho lưng được thẳng, áp sát vào bề mặt bàn sinh và phần mông phải cong lên phía trước. Cố gắng giữ chặt miệng để không phát ra bất cứ âm thanh nào, mẹ có thể nhắm mắt và áp sát cằm về phía ngực.

3. Những lưu ý thai phụ cần biết khi rặn đẻ

Trong suốt quá trình rặn đẻ, thai phụ nên nhớ hít thở đều đặn và đừng quá căng thẳng. Nếu cảm thấy quá sức chịu đựng của mình thì nên yêu cầu sự trợ giúp của bác sĩ.

3.1 Cần xác định đúng chu kỳ của cơn gò tử cung

Thông thường quá trình chuyển dạ, sinh con sẽ diễn ra vào khoảng từ 6h - 24h, tuy nhiên chu kỳ cơn gò tử cung ở mỗi người sẽ khác nhau cho nên mẹ bầu cần phải xác định đúng cơn gò tử cung để giúp mẹ bầu thở đúng, điều hòa nhịp thở làm cho mẹ bầu dễ sinh con nhanh và thuận lợi.

Đối với sản phụ sinh thường lần đầu, do tầng sinh môn còn chắc nên bác sĩ sẽ tiến hành cắt tầng sinh môn trong lúc có cơn gò tử cung với mục đích giúp đầu em bé ra dễ dàng và không bị sang chấn. Đồng thời phòng ngừa tổn thương cơ vòng hậu môn do rách tầng sinh môn.

3.2 Giữ đúng tư thế rặn đẻ

Việc giữ đúng tư thế khi sinh đóng vai trò quan trọng trong việc sinh em bé. Khi mẹ bầu nằm trên bàn sinh thì nên ngẩng cao đầu góc 45 độ, hai tay nắm chặt bàn sinh, còn chân thì đạp mạnh vào vị trí để bàn chân. Nếu giữ đúng tư thế khi đẻ sẽ giúp mẹ bầu đẻ nhanh và thuận lợi hơn.

Sau khi bé yêu ra đời, bé sẽ được hút nhớt ở miệng và mũi. Các bác sĩ sẽ kẹp cắt rốn bé, kích thích cho bé khóc và thở tốt. Sau đó, bé sẽ được nằm da kề da với mẹ ngay.

Cuối cùng là giai đoạn xổ nhau. Các bác sĩ sẽ chủ động đỡ nhau và khâu lại vết cắt tầng sinh môn để giúp phòng ngừa băng huyết sau sinh cho mẹ.

4. Những nguy cơ khi mẹ bầu rặn đẻ chậm

Trong một số nghiên cứu cho thấy việc mẹ bầu trì hoãn, rặn đẻ chậm có thể dẫn đến các vấn đề sau:

  • Nhiễm trùng trong tử cung.
  • Chảy máu sau khi sinh
  • Trẻ sơ sinh dễ bị nhiễm trùng huyết do chuyển dạ lâu.
  • Do quá trình chuyển dạ lâu có thể làm tăng axit máu dẫn đến trẻ sơ sinh bị axit máu.

5. Cách rặn đẻ thường không bị rạch tầng sinh môn

Trong dân gian có những cách rặn đẻ thường giúp mẹ sinh bé yêu nhanh chóng, dễ dàng đã được khoa học ủng hộ. Đó là: chế độ dinh dưỡng khoa học, chăm chỉ massage tầng sinh môn và tư thế sinh con ‘chuẩn’.

5.1 Chế độ dinh dưỡng

Ngoài việc bổ sung các vitamin và dưỡng chất đầy đủ trong thời gian mang thai, mẹ nên chọn những loại thực phẩm chứa dầu và chất béo lành mạnh. Việc hấp thu những dưỡng chất này sẽ giúp tăng thêm độ ẩm và độ đàn hồi cho da vùng sinh môn.

Nhiều nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng, những mẹ bầu ưu tiên chất béo lành mạnh trong chế độ ăn hàng ngày sẽ ít có nguy cơ bị rạch tầng sinh môn khi sinh.

5.2 Massage tầng sinh môn bằng dầu dừa

Từ tuần thứ 34 thai kỳ, mẹ có thể sử dụng dầu dừa để massage tầng sinh môn mỗi ngày, trong khoảng 5 phút. Việc làm này sẽ làm tăng tính đàn hồi cho da vùng sinh môn, giúp cổ tử cung dễ dàng mở khi sinh nở.

5.3 Tư thế kích thích sinh con

Mẹ có thể tham khảo và thực hiện các tư thế kích thích cổ tử cung mở nhanh, giảm bớt đau đớn và mệt mỏi khi sinh như: tư thế quỳ gối chân mở rộng, tư thế đứng thẳng, tư thế nằm nghiêng, ngồi xổm,... sẽ giúp em bé được xổ ra nhanh hơn.

Với những kiến thức vừa chia sẻ hi vọng các mẹ đã nắm rõ cách rặn đẻ đúng là như thế nào. Từ đó, giữ vững tinh thần tốt, bình tĩnh, tránh căng thẳng hay lo lắng quá mức, đảm bảo sức khỏe thật tốt để sớm mẹ tròn con vuông.