Tiêu điểm: Nhân Humanity

Tại sao khi hạnh phúc người ta vẫn ngoại tình?

VOH - Có người ngoại tình vì hết yêu, thế nhưng có những người dù đang trong giai đoạn hạnh phúc, người ta vẫn cứ ngoại tình.

Một cuộc thăm dò năm 2023 của YouGov cho thấy có khoảng 20% đàn ông Anh thừa nhận từng ngoại tình, ở phụ nữ con số này chiếm 19%. Trong số đó, có những người thừa nhận từng ngoại tình nhiều lần.

Trong một nghiên cứu năm 2015 đăng trên Tạp chí Quan hệ Xã hội và Cá nhân (Journal of Social and Personal Relationships), các nhà nghiên cứu phát hiện một người bình thường có khoảng 42% khả năng lừa đối bạn đời.

Một nghiên cứu khác diễn ra vào năm 2017, công bố trên Tạp chí Archives of Sex Behavior nêu rằng, khi một ai đó từng ngoại tình, họ có khả năng tái diễn cao gấp 3 lần.

Thực tế, ngoại tình là hiện tượng phổ biến ở cả nam lẫn nữ. Có thể có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến ngoại tình, thế nhưng chỉ có hai nguyên nhân được cho là lớn nhất. Một là sự nông cạn và ích kỷ dẫn đến nhu cầu được thỏa mãn liên tục. Hai là không đủ sự thân mật.

Ngoại tình do nhu cầu tự thỏa mãn quá lớn

Ở một khía cạnh nào đó, người ta định nghĩa trưởng thành là khả năng trì hoãn sự thỏa mãn tức thời để hướng tới những mục tiêu dài hạn quan trọng hơn.

Chẳng hạn, mỗi sáng bạn điều muốn uống nước ngọt khi thức dậy, nhưng bạn biết kiềm chế không uống nó vào buổi sáng. Vì bạn biết nếu làm thế bạn có thể bị viêm loét dạ dày ở tuổi 30. Lon nước ngọt mang lại cho bạn sự thỏa mãn, nhưng sức khỏe của bạn mới là mục tiêu lâu dài.

Ngoại tình cũng tương tự như vậy. Có những thời điểm bạn muốn “yêu”, nhưng người ấy lại không thể ở bên cạnh bạn lúc này, vậy là bạn quyết định tìm một người khác để “làm chuyện ấy”.

voh-vi-sao-khi-hanh-phuc-nguoi-ta-van-ngoai-tinh-1
Một người có thể ngoại tình khi họ cảm thấy chưa đủ thỏa mãn trong tình cảm - Ảnh: Internet

Người khác mang đến cho bạn cảm giác mới lạ, nhưng một người trưởng thành sẽ biết kìm nén ham muốn nhất thời để giữ gìn mối quan hệ với người mà họ sẽ gắn bó lâu dài.

Người ngoại tình vì nhu cầu tự thỏa mãn cũng được chia thành 2 kiểu: người cần bù đắp và người có quyền lực.

Người cần bù đắp thì lúc nào cũng cảm thấy đau khổ về bản thân. Vì vậy, họ cần được bù đắp bằng tình cảm. Đương nhiên, với kiểu người này thì chắc chắn ngoại tình không chỉ là hành vi tự hủy duy nhất họ đã làm. Họ có thể đã từng hút thuốc, uống rượu hoặc làm nhiều chuyện hơn thế nữa.

Người có quyền lực nghĩa là người được trao quyền trong một mối quan hệ. Chẳng một ai dám phản ứng lại với điều họ làm, và họ cũng không phải đối mặt với những hậu quả nào mình đã gây ra. Khi họ mắc lỗi, đối phương cũng không cho họ thấy là họ đã sai và phải trả giá với việc làm của mình. Hay nói cách khác, việc họ ngoại tình một phần là được đối phương “trao” cơ hội.

Mối quan hệ thiếu đi sự thân mật

Bạn có biết, khả năng ngoại tình trong một mối quan hệ luôn tỷ lệ thuận với mức độ đau khổ của mối quan hệ đó. Thế nhưng, có một điều đáng buồn là rất nhiều người hiện nay lại không hề nhận ra mối quan hệ của họ đang rơi vào bế tắc.

Có những người vì không nhận thấy được những dấu hiệu bế tắc trong tình yêu. Thế rồi khi phát hiện bị “cắm sừng”, họ shock nặng vì không hiểu mọi thứ đi chệch hướng ở đâu và từ lúc nào.

Có hai kiểu quan hệ sẽ dẫn đến kết cục này. Điểm chung của chúng là không có ranh giới rõ ràng, nên thường tạo cho chúng ta cảm giác “mọi thứ đều ổn” dù thực tế chẳng ổn chút nào.

Tình huống thứ nhất: Một người làm tất cả mọi thứ cho người còn lại

Đây là kiểu tình yêu rất phổ biến trong xã hội hiện đại. Họ chăm sóc người kia hết mực, lo cho người kia mọi thứ… thế rồi, cuối cùng họ bị “cắm sừng”.

Thực chất đây là một kiểu tình yêu độc hại. Vì khi bạn chấp nhận giải quyết hết mọi vấn đề của người kia là bạn đang gián tiếp tạo cho đối phương có suy nghĩ “dù làm bất cứ điều gì cũng sẽ không bao giờ phải chịu hậu quả”, kể cả chuyện ngoại tình.

Vậy nên, nếu bạn bao dung và dung túng cho mọi hành vi của đối phương, thì đừng trách vì sao họ lại ngoại tình. Tình yêu của bạn dành cho đối phương không sai, có sai là do cách bạn thể hiện.

Cho nên, nói “không” là một kỹ năng rất quan trọng trong việc duy trì một mối quan hệ. Bởi vì chỉ có như vậy thì chúng ta mới có thể trò chuyện một cách cởi mở về những gì có và không thể chấp nhận trong mối quan hệ tình cảm lâu dài.

voh-vi-sao-khi-hanh-phuc-nguoi-ta-van-ngoai-tinh-2
Một người làm tất cả mọi thứ cho người còn lại có thể đã vô tình tạo điều kiện để họ ngoại tình - Ảnh: Internet

Tình huống thứ hai: Tính chiếm hữu cao, ghen tuông và bất an một cách thái quá

Rất nhiều cặp đôi yêu nhau đều có thói quen xem điện thoại của chồng/vợ, thậm chí cài sẵn định vị trong máy để có thể biết đối phương ở đâu, gọi điện liên tục chỉ để hỏi xem đang làm gì, với ai…

Hỏi thật, nếu bạn ở trong những tình huống kể trên, bạn có muốn ngoại tình không? Vì đằng nào người ta cũng đối xử với bạn như thể bạn đã “cắm sừng” họ, thì tội gì mà không làm thật?

Thực tế, đây chính những biểu hiện của một người có tính chiếm hữu và ghen tuông rất cao. Nó cũng thể hiện sự thiếu tôn trọng và thiếu niềm tin với đối phương. Một mối quan hệ luôn ở trong trạng thái bất an sẽ dễ dẫn đến sự hoài nghi, ghen tuông, và cũng là tiền đề khiến hôn nhân tan vỡ.

Thật ra, ngoại tình là phản ánh của một phần gãy, yếu trong hôn nhân. Bởi nếu một cuộc hôn nhân khỏe mạnh và đáp ứng được mong muốn của người trong cuộc thì không ai phải đi tìm kiếm sự khỏa lấp bên ngoài. Ngoại trừ những người có sẵn “máu trăng hoa”, coi ngoại tình là thú vui để chứng tỏ sức hút bản thân.

Bình luận