Các nước đón năm mới trong cơn đại địch COVID-19

(VOH) - Ngày 31/12/2020 kết thúc một năm mới trong khi đại dịch vẫn đang bùng phát ở nhiều khu vực. Các nước đã phải tùy biến đón năm mới trong cơn dịch này như thế nào?

Năm mới 2021 là ngày lễ lớn nhất liên quan đến hầu hết các nước trên thế giới hành tinh được hàng tỷ người mong ước chờ đợi, tuy nhiên nhiều lễ hội đón năm mới phải hủy bỏ hoặc thay đổi cách thức tổ chức trước cơn đại dịch COVID-19 còn đang đe dọa nhân loại.

Kết thúc năm cũ ít nhất 1,7 triệu người chết vì dịch bệnh COVID-19, nhưng dịch vẫn còn tiếp diễn mạnh hơn khi hàng loạt làn sóng lây nhiễm mới diễn ra trên khắp thế giới dẫn đến các nước phải mở các đợt phong tỏa mới ảnh hưởng đến việc đón ngày đầu tiên của năm mới 2021.

Đặc biệt là khi nhiều quốc gia ghi nhận các trường hợp mắc biến thể mới của vi rút SARS-CoV-2 với tốc độ lây lan nhanh chóng, khoảnh khắc chào đón năm mới của người dân rất khác biệt so với mọi năm

Sydney vẫn tổ chức lễ bắn pháo hoa nổi tiếng
Sydney vẫn tổ chức lễ bắn pháo hoa nổi tiếng song có một số thay đổi về khán giả theo dõi. Ảnh: AAP

Tại Australia, những màn trình diễn pháo hoa rực rỡ đã thắp sáng bầu trời tại khu vực cầu cảng và Nhà hát Opera Sydney. Tuy nhiên, thay vì có mặt từ sớm ở bến cảng để có vị trí đẹp thưởng thức màn trình diễn pháo hoa lúc giao thừa, người dân thành phố Sydney được yêu cầu ở nhà và đón năm mới qua màn hình vô tuyến để ngăn ngừa dịch Covid-19 lây lan. Các địa điểm xem pháo hoa đã bị đóng cửa cả ngày 31-12-2020 theo quy định của chính quyền bang. 

Những tia sáng đầy háo hức đầu tiên của năm 2021 chiếu xuống các quốc gia vùng Thái Bình Dương là Kiribati và Samoa vào lúc 10h GMT. Ba quốc đảo Samoa, Tonga và Kiribati ở Thái Bình Dương là những nơi đầu tiên trải qua thời khắc chuyển giao giữa năm 2020 và 2021. 

Mặc dù các hòn đảo ở Thái Bình Dương đã không phải là nơi chịu tác động nặng nề của đại dịch nhưng tại khu nghỉ mát Taumeasina rợp bóng cọ gần thủ đô Apia của Samoa, người quản lý Tuiataga Nathan Bucknall vui vẻ mở cửa không giới hạn lượng khách. Tuy nhiên, do tình trạng khẩn cấp đại dịch gây ra, khu nghỉ mát sẽ dừng phục vụ rượu từ 11h đêm. 

Tại Mỹ, tâm dịch hàng đầu thế giới hiện nay, quả cầu pha lê nổi tiếng vẫn được lắp đặt tại Quảng trường Thời đại ở thành phố New York, song người dân không được phép tập trung đông người để đón giao thừa sôi động như mọi năm. Đây sẽ là lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ, người dân nơi đây và khắp nơi trên thế giới sẽ không được chứng kiến hình ảnh giao thừa với hàng ngàn người hân hoan lắng nghe tiếng nhạc, vui mừng ôm hôn lẫn nhau và cùng nhau đếm ngược trước thời khắc bước sang năm mới tại quảng trường Thời đại.

Màn bắn pháo hoa tại tháp Burj Khalifa. Ảnh: ITP
Màn bắn pháo hoa tại tháp Burj Khalifa. Ảnh: ITP

Một số quốc gia châu Âu cũng đã hủy sự kiện bắn pháo hoa và đếm ngược chào năm mới trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. Màn pháo hoa thường niên tại cổng Brandenburg, biểu tượng của thủ đô Berlin (Đức) bị hủy, việc bán pháo hoa để người dân bắn trên đường phố lúc giao thừa cũng bị cấm. 

Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 31/12/2020 đã sử dụng thông điệp chúc mừng Năm mới của bà để cảnh báo người dân về một cuộc khủng hoảng dịch bệnh lịch sẽ kéo dài sang năm 2021, ngay cả khi một số loại vaccine tiềm năng xuất hiện cùng với niềm hy vọng. 

Tại Anh, tháp đồng hồ Big Ben điểm 12 tiếng đánh dấu thời khắc chuyển giao năm cũ và năm mới, nhưng màn bắn pháo hoa trên sông Thames đã bị hủy bỏ. Thủ tướng Anh Boris Johnson kêu gọi mọi người đón năm mới một cách an toàn tại nhà, bởi các ca mắc mới Covid-19 ở nước này đã tăng lên nhanh chóng trong tuần qua. 

Tương tự, giới chức Italy phát trực tuyến lễ đốt đống lửa khổng lồ tại trường đua xe ngựa cổ Circus Maximus của thành phố Roma. Sự kiện kéo dài 2 tiếng này bao gồm hoạt động biểu diễn ca nhạc và chiếu sáng nghệ thuật. Pháo hoa được bắn trên bầu trời Đấu trường Colosseum ở Rome nhưng người dân chỉ có thể chiêm ngưỡng từ ban công do lệnh giới nghiêm trên toàn quốc đã bắt đầu từ 22h. 

Một nơi mà người dân có thể ăn mừng Năm mới mà không cần xem qua màn hình chính là New Zealand. Một số thành phố vẫn tổ chức bắn pháo hoa song ra quy định hạn chế nhất định.

Ở Dubai, hàng ngà  người tham dự một buổi trình diễn pháo hoa và chiếu tia laser tại Burj Khalifa - tòa tháp cao nhất thế giới – cho dù quốc gia Trung Đông này vừa ghi nhận nhiều ca mắc mới. Tất cả những người tham dự sự kiện - dù ở địa điểm công cộng, khách sạn hay nhà hàng - sẽ phải đeo khẩu trang và đăng ký bằng mã QR.

Tại Beirut, thành phố này vẫn đang quay cuồng vì vụ nổ bến cảng ngày 4/8, giới chức trách cũng đang cắt giảm hoạt động. Lệnh giới nghiêm ban đêm đã được lùi lại đến 3h sáng. Các quán bar, nhà hàng và câu lạc bộ đêm đều đã mở cửa trở lại cũng như rầm rộ quảng cáo tổ chức bữa tiệc lớn để đánh dấu thời khắc chuyển giao của năm.

Tại Brazil, các kênh truyền hình thậm chí còn chiếu trực tiếp cảnh tượng cảnh sát đóng cửa các quán bar chật kín người. 

Tại Ấn Độ, một số thành phố lớn đã ban hành các quy định hạn chế đối với các hoạt động đón năm mới. Giới chức thành phố Delhi chỉ cho phép tụ tập tối đa 5 người và áp đặt lệnh giới nghiêm từ 23h ngày 31/12/2020 đến 6h ngày 1/1/2021.

Phần lớn người dân Nhật Bản đón mừng năm mới 2021 tại nhà, nhiều người đã tạm gác lại các chuyến đi về quê trong những ngày này để giảm bớt rủi ro về sức khỏe. Các đền thờ tại Nhật Bản vốn được hàng triệu người lui tới vào mỗi dịp năm mới để cầu bình an đã phải lên phương án hạn chế đám đông, đồng thời kêu gọi người dân tránh đến vào đúng thời điểm giao thừa và sáng sớm 1/1/2021.

Tại Hàn Quốc, chính quyền thành phố Seoul đã lần đầu tiên hủy bỏ lễ rung chuông giao thừa ở khu vực Jongno kể từ khi sự kiện này được tổ chức vào năm 1953. Buổi lễ mọi năm thường thu hút khoảng 100.000 người tham gia và được truyền hình trực tiếp.