Cập nhật Covid-19 ngày 17/2: Thế giới đã có hơn 110 triệu người mắc Covid-19

(VOH) - Đến sáng ngày 17/2, thế giới đã có khoảng 110.003.562 người mắc Covid-19 và 2.427.722 người tử vong vì căn bệnh này – theo worldometers.info.

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến sáng ngày 17/2 (theo giờ Hà Nội), nước Mỹ đã có 28.372.738 ca nhiễm Covid-19 - chiếm gần 1/4 số ca nhiễm trên toàn thế giới, trong đó số ca tử vong của nước này cũng lên tới 499.680 ca.

Ấn Độ ghi nhận nhiều ca nhiễm thứ hai thế giới với 10.937.106 ca, tiếp đến là Brazil với 9.921.981 ca nhiễm.

Xét theo khu vực, Bắc Mỹ và châu Âu có nhiều ca nhiễm nhất, lần lượt là 32.500.477 ca và 32.447.729 ca. Châu Á đứng thứ ba với 24.162.738 ca nhiễm và Nam Mỹ đã có 17.046.131 ca.

Tại Mỹ, dù số ca mắc và nhập viện do Covid-19 đang có xu hướng giảm ở hầu hết các bang, song một số chuyên gia y tế bày tỏ lo ngại nước có thể sẽ phải đối mặt với làn sóng dịch thứ 4 nếu như nước này không ngăn chặn được các biến thể mới của vi rút SARS-CoV-2 vào mùa Xuân.

Hiện các biến thể dễ lây lan của vi rút SARS-CoV-2 đã lan rộng khắp châu Âu, Nam Phi và Mỹ Latinh. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), các biến thể này đã được ghi nhận ở Mỹ, trong đó biến thể được xác định ở Anh có khả năng sẽ lây lan mạnh mẽ tại Mỹ vào cuối tháng tới.

Ngày 16/2, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ không tiếp đón các nhà lãnh đạo nước ngoài tại Nhà Trắng ít nhất trong vòng một vài tháng, khẳng định sự tuân thủ nghiêm ngặt của chính quyền mới đối với các quy định phòng ngừa đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19.

Ngoài ra, bà Jen Psaki cũng thông báo Tổng thống Biden không có kế hoạch thực hiện các chuyến công du nước ngoài trong thời gian sắp tới.

covid-19, ấn độ, voh.com.vn

Số ca nhiễm Covid-19 ở Ấn Độ bất ngờ giảm gần 90% khiến chuyên gia không thể lý giải (Ảnh: DNA India)

Mặc dù là nước có số ca nhiễm Covid-19 nhiều thứ hai trên thế giới nhưng số người mắc Covid-19 ở Ấn Độ đã bắt đầu giảm mạnh từ tháng 9/2020, và hiện nay nước này ghi nhận khoảng 11.000 ca mỗi ngày, thấp hơn nhiều so với đỉnh điểm gần 100.000 ca.

Chính phủ Ấn Độ cho rằng, hiện tượng này một phần là nhờ quy định đeo khẩu trang bắt buộc ở nơi công cộng và nhiều thành phố phạt mạnh tay những người không tuân thủ. Nhưng các chuyên gia cho rằng thực tế không đơn giản như vậy vì hiện tượng giảm xuất hiện đồng đều trên cả nước, dù việc đeo khẩu trang không được tuân thủ nghiêm ở một số nơi.

Một nguyên nhân có thể giải thích hiện tượng giảm ca mắc là một số vùng đã đạt được miễn dịch cộng đồng, nghĩa là đã đạt tới ngưỡng mà nhiều người miễn dịch được với vi rút sau khi khỏi bệnh hoặc được tiêm chủng, giúp giảm đà lây lan của vi rút. 

Brazil, vùng dịch lớn thứ 3 thế giới, ghi nhận thêm 1.045 người chết, nâng tổng số ca tử vong lên 240.940. Số ca nhiễm Covid-19 tăng 55.271 trong 24 giờ qua, lên 9.921.981.

Một tháng sau khi triển khai tiêm chủng Covid-19, Brazil mới tiêm cho khoảng 5,3 triệu người, tương đương 2,5% trong 212 triệu dân. Tình trạng thiếu vắc xin đã buộc một số khu vực chủ chốt phải tạm ngừng tiêm chủng, bao gồm thành phố Rio de Janeiro. Trong khi đó, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro vẫn kiên quyết không tiêm vắc xin và bị cáo buộc "dẫn đầu chiến dịch chống tiêm chủng", bất chấp việc quốc gia này là nơi bắt nguồn một biến chủng Covid-19 mới dễ lây lan hơn.

Nga, vùng dịch lớn thứ 4 thế giới - tính đến sáng 17/2, số ca nhiễm mới Covid-19 tại nước này trong 24 giờ qua là 13.233 ca – theo worldometers, số liệu thấp nhất kể từ ngày 10/10/2020.

Kể từ đầu năm 2021, số ca nhiễm mới tại Nga có xu hướng giảm ổn định. Như vậy, kể từ khi đại dịch bùng phát, Nga đã ghi nhận 4.099.323 người mắc Covid-19.

Trong 24 giờ qua, tại LB Nga ghi nhân thêm 459 ca tử vong do Covid-19, đưa tổng số ca không qua khỏi lên 80.979 người, đồng thời có thêm 17.627 người đã hồi phục, đưa tổng số người khỏi bệnh được xuất viện lên 3.624.663 ca.

Anh, vùng dịch lớn thứ 5 thế giới, ghi nhận thêm 10.625 ca nhiễm và 799 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 4.058.468 và 118.195.

Thống kê cho thấy 15,6 triệu người đã tiêm liều vắc xin Covid-19 đầu tiên và 546.165 người đã tiêm đầy đủ hai liều, hơn hai tháng sau khi khởi động chương trình tiêm chủng. Giới chức Anh tuyên bố sẽ hoàn thành tiêm chủng cho tất cả những người trên 50 tuổi vào tháng 5 và tất cả người trưởng thành vào tháng 9.

Pháp, vùng dịch lớn thứ 6 thế giới, ghi nhận thêm 19.590 ca nhiễm và 410 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 3.489.129 và 82.812. Mức tử vong trung bình trong 7 ngày đã giảm xuống 381, lần đầu tiên thấp hơn 400 kể từ cuối tháng 1.

Bộ Y tế Pháp cho biết tổng cộng 3,16 triệu liều vắc xin Covid-19 đã được tiêm, bao gồm hơn 815.000 mũi tiêm thứ hai. Bộ cũng đã yêu cầu cơ quan y tế khu vực và các bệnh viện "kích hoạt chế độ khủng hoảng" từ ngày 18/2, để chuẩn bị cho đợt gia tăng ca nhiễm do biến chủng vi rút dễ lây lan hơn. Chế độ này đòi hỏi tăng số giường bệnh hiện có, trì hoãn phẫu thuật không khẩn cấp và huy động mọi nhân sự y tế.

Tại châu Á, Philippines (một trong hai điểm nóng nhất khu vực Đông Nam Á) đã có tín hiệu tích cực khi số ca mắc mới duy trì đà giảm. Tại Thái Lan, số ca mắc mới trong ngày cũng đã giảm xuống dưới 100, chỉ thêm 72 ca mắc.

Tuy nhiên, Indonesia vẫn ghi nhận hơn 10.000 ca mắc mới. Tình hình trên khiến Campuchia phải tăng cường kiểm soát biên giới nhằm chặn đứng tất cả các hoạt động qua lại biên giới bất hợp pháp và đảm bảo mọi trường hợp nhập cảnh từ Thái Lan phải tuân thủ quy định về cách ly phòng dịch Covid-19.

Trong khi đó, Chính phủ Thái Lan đang cân nhắc kéo dài thời gian cách ly bắt buộc đối với những người trở về từ châu Phi nhằm ngăn chặn biến thể lây lan nhanh của vi rút gây bệnh Covid-19 được phát hiện lần đầu tiên ở Nam Phi.