Đức đề nghị doanh nghiệp hợp tác với Trung Quốc phải báo cáo với chính phủ

(VOH) – Chính phủ Đức đang xem xét một loạt các biện pháp để siết chặt các hoạt động kinh doanh với Trung Quốc.

Ngày 2/12, Hãng tin Reuters cho biết vừa tiếp cận được với tài liệu "Hướng dẫn nội bộ về Trung Quốc" của Bộ Kinh tế Đức. 

Tài liệu này đề xuất các công ty Đức có hợp tác với Trung Quốc nên chia sẻ thông tin chi tiết về hoạt động kinh doanh với chính phủ và sẽ được kiểm tra thường xuyên. Cơ quan này cũng đề nghị loại bỏ linh kiện của các nhà cung cấp đến từ Trung Quốc ra khỏi hệ thống cơ sở hạ tầng chiến lược của Đức.

Tài liệu cũng đề cập đến việc xem xét các khoản đầu tư ra nước ngoài của Đức vào các công ty Trung Quốc nếu những công ty này hoạt động liên quan đến an ninh. Hồ sơ cũng kêu gọi dần xóa bỏ tài trợ phát triển của Đức dành cho Trung Quốc vào năm tới.

Động thái này phù hợp với nỗ lực của Đức nhằm đa dạng hóa thương mại và tăng cường kinh doanh với các nền kinh tế dân chủ hơn.

Đức đề nghị doanh nghiệp hợp tác với Trung Quốc phải báo cáo với chính phủ 1
Các công ty sản xuất ô ô Đức đặc biệt tiếp xúc nhiều với thị trường Trung Quốc.

Tài liệu mô tả sự phát triển của Trung Quốc có vấn đề, theo hướng cạnh tranh hệ thống, xa rời đối tác. Điều này "được chứng minh không ít bởi thái độ với Nga của Trung Quốc đối với xung đột tại Ukraine".

Theo Reuters, tài liệu "Hướng dẫn nội bộ về Trung Quốc" vẫn phải được các đảng khác trong liên minh cầm quyền chấp thuận, bao gồm cả Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) của Thủ tướng Olaf Scholz.

Trước đó, Bộ Kinh tế Đức đã quyết định dừng bảo lãnh đầu tư dành cho các dự án ở khu vực Tân Cương của Trung Quốc hoặc các công ty có quan hệ kinh doanh ở đó vì lo ngại về vấn đề vi phạm nhân quyền.

Tháng 5/2022, Bộ Kinh tế Đức cũng từ chối bảo lãnh cho các khoản đầu tư mới của hãng xe Volkswagen ở Trung Quốc vì lo ngại các vi phạm nhân quyền ở Tân Cương.

Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Đức kể từ năm 2016, với kim ngạch thương mại song phương đạt hơn 245 tỉ euro hồi năm ngoái, giúp thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất châu Âu, vốn phụ thuộc vào xuất khẩu.

Bình luận