Indonesia: Nâng mức cảnh báo đối với núi lửa Ruang

VOH - Trung tâm giảm nhẹ hiểm họa địa chất và núi lửa quốc gia (PVMBG) vừa nâng mức cảnh báo lên cao nhất đối với núi lửa Ruang.

Đồng thời, đơn vị này cũng kêu gọi người dân không đến gần khu vực xảy ra thiên tai.

Núi lửa Ruang nằm ngoài khơi đảo Sulawesi ở Indonesia tiếp tục phun tro bụi và dung nham vào sáng 30/4.

Nui lua indonesia 30042024
Núi lửa Ruang nằm ngoài khơi đảo Sulawesi ở Indonesia tiếp tục phun tro bụi và dung nham vào sáng 30/4 - Ảnh: Reuters

Đây là lần phun trào thứ 2 kể từ đợt phun trào trước đó nửa tháng khiến hàng trăm người sơ tán và sân bay đóng cửa.

Ngọn núi lửa nằm trên đảo Ruang, cách thủ phủ Manado của tỉnh Bắc Sulawesi khoảng 100km.

Trong đợt phun trào thứ nhất ngày 16/4, hầu hết trong số hơn 800 người dân sinh sống trên đảo đã được sơ tán, sân bay Manado tạm thời bị đóng cửa, trong khi nhiều ngôi nhà bị hư hại do đất đá và tro bụi rơi xuống.

Cơ quan chức năng vừa hạ cảnh báo xuống mức 3 vào tuần trước, trước khi tăng trở lại cấp 4 vào sáng 30/4.

Indonesia nằm trên "Vành đai lửa Thái Bình Dương," khu vực giao điểm của nhiều mảng kiến tạo và có hoạt động địa chấn mạnh.

Đầu tháng 4, núi Ruang ở tỉnh Bắc Sulawesi phun trào, buộc hàng nghìn người phải sơ tán.

Sân bay quốc tế Sam Ratulangi ở thành phố Manado ở cách núi lửa hơn 100km cũng phải đóng cửa trong nhiều ngày.

Gần đây, Cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa chất (BMKG) của Indonesia cho biết, ngày 27/4, một trận động đất có độ lớn 6,5 đã xảy ra ngoài khơi đảo Java.

Trận động đất, được Cơ quan khảo sát địa chất Mỹ (USGS) ghi nhận ở độ lớn 6,1, đã được cảm nhận thấy tại thủ đô Jakarta - nơi người dân buộc phải di tản khỏi các tòa nhà - và ở Bandung gần đó.

Theo BMKG, không có cảnh báo sóng thần. Trong khi đó, USGS cho biết chấn tiêu của trận động đất có độ sâu là 68,3km.

Indonesia, một quốc gia quần đảo rộng lớn, thường xuyên hứng chịu động đất do nằm trên "Vành đai lửa" Thái Bình Dương - một vùng hoạt động địa chấn mạnh mẽ nơi các mảng kiến tạo va chạm, kéo dài từ Nhật Bản qua Đông Nam Á và khắp lưu vực Thái Bình Dương.

Hồi tháng 1/2021, một trận động đất có độ lớn 6,2 đã tấn công đảo Sulawesi, khiến hơn 100 người thiệt mạng và hàng ngàn người mất nhà cửa.

Năm 2018, một trận động đất có độ lớn 7,5 và sóng thần sau đó ở Palu trên đảo Sulawesi đã làm hơn 2.200 người thiệt mạng.

Trước đó, năm 2004, một trận động đất rất mạnh với độ lớn 9,1 tấn công tỉnh Aceh, gây ra sóng thần và làm hơn 170.000 người ở Indonesia thiệt mạng.

Bình luận