Tiêu điểm: Nhân Humanity

Liên Hợp Quốc: Xung đột khiến 15 triệu trẻ em không được tiêm chủng

VOH - Những thông tin sai lệch về vaccine đã góp phần vào cuộc khủng hoảng về chăm sóc sức khoẻ và dinh dưỡng - theo UNICEF và WHO.

Giới chức y tế cảnh báo, các cuộc xung đột đã cản trở nỗ lực tiêm chủng cho trẻ em trên toàn thế giới. Số liệu mới cho thấy khoảng 14,5 triệu trẻ em chưa được tiêm một liều vaccine phòng bệnh nào.

xung-dot-150724
Yemen, nơi bị tàn phá bởi nội chiến có 580.000 trẻ em chưa được tiêm chủng tăng so với 424.000 ba năm trước - Ảnh: Getty Images

Theo dữ liệu từ Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hơn một nửa số trẻ em sống ở các quốc gia nơi xung đột vũ trang hoặc các cuộc khủng hoảng nhân đạo khác đã tạo ra những nguy cơ về sức khoẻ cho những trẻ dễ bị tổn thương.

Cuộc xung đột ở Sudan dẫn đến sự gia tăng đáng kể số lượng trẻ em chưa được tiêm chủng, ước tính từ khoảng 110.000 trẻ vào năm 2021 lên 701.000 trẻ vào năm ngoái. Yemen có 580.000 trẻ em chưa được tiêm chủng, tăng so với 424.000 trẻ em của 3 năm trước.

Tiến sĩ Katherine O'Brien, Giám đốc bộ phận tiêm chủng và vaccine của WHO cho biết: "Điều này khiến tính mạng của những đứa trẻ dễ bị tổn thương nhất gặp nguy hiểm".

Bà cho biết, trẻ em trong môi trường nhân đạo "cũng thiếu an ninh, thiếu dinh dưỡng, thiếu dịch vụ chăm sóc sức khoẻ và rất có thể do những nguyên nhân đó mà chúng sẽ chết vì một căn bệnh có thể phòng ngừa được bằng vaccine nếu mắc phải".

Tỷ lệ bao phủ vaccine toàn cầu vẫn chưa trở lại mức của năm 2019, trước khi đại dịch Covid-19 làm gián đoạn các chương trình tiêm chủng. Năm đó, 12,8 triệu trẻ em được phân loại là “không tiêm chủng” và hơn 5,5 triệu trẻ em được tiêm chủng không đầy đủ.

Peter Hawkins, đại diện của UNICEF tại Yemen cho biết, tỷ lệ tiêm chủng ở nước này "thấp đáng báo động".

Ông nói: “Sự kết hợp của các yếu tố ngày càng trở nên tồi tệ hơn trong những năm gần đây, bao gồm việc thiếu khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, do dự tiêm chủng, khủng hoảng kinh tế xã hội và chính trị ngày càng tồi tệ đã khiến tình hình trở nên trầm trọng hơn”.

Ông O'Brien cảnh báo, thông tin sai lệch lan truyền trong thời kỳ đại dịch "tiếp tục gây ảnh hưởng ở nhiều quốc gia và thực sự dẫn đến nhiều cái chết của trẻ em".

Báo cáo của Liên Hợp Quốc cho biết, đã có sự gia tăng mạnh mẽ về mức độ bao phủ của vaccine HPV, loại vaccine có thể bảo vệ chống lại ung thư cổ tử cung, nhưng loại vaccine này vẫn cần được giới thiệu ở 51 quốc gia, bao gồm cả Trung Quốc và Ấn Độ.

Bình luận