Xe cũ, thái độ làm khổ hành khách
75% xe buýt được đầu tư từ năm 2002 đang xuống cấp, thêm vào đó, thái độ phục vụ của nhân viên cũng là nguyên nhân làm hình ảnh xe buýt chưa đẹp.
Theo lãnh đạo Công ty xe khách Sài Gòn, doanh nghiệp không có tiền đầu tư mua xe mới trong khi tiền trợ giá càng sụt giảm, chính vì vậy, tổng thu nhập cho tài xế không tương xứng. Hiện trung bình mỗi tài xế nhận 8 triệu đồng/tháng, công ty rất khó tuyển tài xế.
Ông Đoàn Minh Tâm, Tổng Giám đốc Sài Gòn Bus đề nghị: "Người lái xe, thái độ phục vụ ngày càng giảm đi vì khối lượng làm việc quá nặng. Tôi nhấn mạnh điều này để trong cơ chế, chính sách phải xem xét giải quyết".
Theo đại diện Sở Giao thông Vận tải TP, phần trăm trợ giá cho xe buýt hiện là 35% chi phí vận hành vận tải hành khách (trước đây hơn 40%), tương đương khoảng 900 tỷ đồng. TPHCM cũng có kế hoạch thay toàn bộ xe buýt thuộc dự án 1318 trước đây song hoạt động của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Chất lượng phương tiện, thái độ phục vụ chưa được cải thiện nên nhiều người quay lưng với xe buýt (Ảnh: Lan Hương)
Không thể bám vào trợ giá
Trong lần làm việc với doanh nghiệp vận tải mới đây, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó trưởng Ban Thường trực- Ban Kinh tế và Ngân sách-Hội đồng nhân dân TP cho rằng, trợ giá là chủ trương đúng nhưng doanh nghiệp không thể trông chờ vào "cây đũa thần" này.
Phải tính toán, tuyến nào ít khách thì không trợ giá để nhường cho tuyến đông khách hơn.
Ông Lâm nói: "Nhà xe phải hiểu, hành khách là người nuôi nhà xe chứ không phải là Nhà nước nên phải tự đổi mới. Sở cần nghiên cứu đề xuất UBND TP yêu cầu các nhà xe thực hiện theo chuẩn nhất định. Xe tốt nhiều người đi thì Nhà nước mới trợ giá. Đây là trợ giá cho người đi không phải cho doanh nghiệp".
Hiện lượng khách hàng sử dụng phương tiện công cộng trong lưu thông đang giảm trong khi kế hoạch phát triển vận tải công cộng giai đoạn 2016 - 2020, xe buýt vẫn là chủ lực.
Tăng cường nhiều giải pháp
Theo Sở Giao thông Vận tải TP, dự kiến giai đoạn 2016 – 2020, TPHCM sẽ đầu tư 151.693 tỉ đồng vào các dự án giao thông công cộng trong đó vốn ngân sách là 23.417 tỉ đồng, vốn tư nhân 10.564 tỉ đồng và vốn ODA là 117.712 tỉ đồng.
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM - Bùi Xuân Cường nhận định, giao thông công cộng (đường sắt đô thị, xe buýt, taxi) đảm nhận từ 20 - 25% lượng vận tải hành khách vào năm 2020. Riêng xe buýt, ngay trong năm 2016 sẽ thay mới 500 xe/28 tuyến có trợ giá và năm 2017 sẽ thay thế tiếp 1.000 xe.
Sở Giao thông vận tải cũng đề xuất có riêng làn đường cho xe buýt để hạn chế tình trạng trễ giờ. Ông Lê Hoàng Minh, Phó Giám đốc Sở giao thông vận tải TP thẳng thắn: "Thời gian hành trình của xe buýt phải giải quyết. Nếu không tổ chức làn ưu tiên để xe buýt chạy đúng giờ thì không thể kéo khách lại".
Theo lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải, thẻ thông minh cũng sẽ được sử dụng vào cuối năm 2016, có thể tích hợp tính năng để sử dụng cho cả metro.