Chuẩn bị kỹ cho TPP

(VOH) - Sau khi 12 nước tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đồng thuận về hiệp định thương mại khu vực lớn nhất trong lịch sử, doanh nghiệp và chuyên gia trong nước đưa ra đánh giá tích cực.

Phóng viên VOH ghi nhận một số ý kiến của doanh nghiệp và chuyên gia.

Ngành dệt may sẽ được hưởng lợi nhiều nhất khi TPP được thông qua. Ảnh minh họa: doanh nghiepvn

Ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần May Sài Gòn 3, bày tỏ, ngành dệt may của Việt Nam có cơ hội phát triển nhanh hơn. Đồng thời, cũng có nhiều thách thức nếu doanh nghiệp trong ngành không đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về xuất xứ nguyên phụ liệu: "Thật sự doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu, trong đó có ngành dệt may trông chờ TPP. Chờ tức là những đơn hàng có thể tăng hơn, không sợ thiếu đơn hàng. Nhưng để khai thác những lợi thế đó thì còn nhiều bắn khoăn. Chắc chắn là có lợi thế hơn nhưng mà lợi thế đó chưa nhiều bởi những điều kiện mình đáp ứng được là chưa thỏa đáng. Ví dụ, nguồn cung cấp nguyên phụ liệu của mình chiếm một tỷ lệ rất thấp. Hiện nay, các doanh nghiệp nước ngoài cũng đang đầu tư nguồn nguyên phụ liệu để hướng đến TPP nhưng để khả năng đáp ứng được cần phải có thời gian. Đầu tư, xây dựng, sản xuất nguyên phụ liệu sợi, dệt, nhuộm theo TPP thì không phải chỉ 1 năm mà phải có lộ trình phát triển. Đáng lý ra, nếu mình nhìn xa thì phải chuẩn bị cách đây 5- 10 năm. Không chỉ TPP, nguyên phụ liệu cũng rất cần nội địa hóa để chúng ta có giá trị thật sự về xuất khẩu. Nếu chúng ta nhập rồi xuất thì kim ngạch không bao nhiêu cả. Bước đi của mình là hơi chậm và đến giờ này lộ rõ cái chậm".

Nông nghiệp cũng là một ngành được cho là hưởng lợi nhiều từ TPP. Nhiều doanh nghiệp đã chuẩn bị từ trước. Bà Phạm Thị Huân - Giám đốc công ty TNHH Ba Huân, cho hay: "Hiệp định TPP được ký kết là điều mừng cho doanh nghiệp để có tầm vươn cao hơn. Riêng doanh nghiệp Ba Huân đã chuẩn bị từ 3 năm nay. Khi nghe mở cửa hội nhập, công ty đã làm từng bước, nhập máy móc thiết bị công nghệ, chăn nuôi về con giống. Công ty đã chuẩn bị, làm sao từ trang trại đến bàn ăn phải an toàn vệ sinh thực phẩm. 

Khi hiệp định chính thức đi vào hoạt động thì tầm mở ra lớn hơn cho doanh nghiệp trong nước về xuất khẩu. Về ngành nông nghiệp thì chúng ta phải phát triển nguồn nguyên liệu của mình, phải có kế hoạch để phát triển bền vững. Bản thân doanh nghiệp khi hội nhập thì cần phải nâng cấp tất cả những gì mình sẵn có và làm tốt hơn nữa; thứ hai, cần đầu tư thêm thiết bị công nghệ, giảm giá thành để đảm bảo giá thành đưa ra người tiêu dùng chấp nhận được và các nước lân cận chấp nhận được".

Thỏa thuận TPP đạt được mục tiêu mà các bên tham gia đàm phán đã đề ra về một hiệp định tham vọng, toàn diện, tiêu chuẩn cao và cân bằng, có lợi cho người dân các nước tham gia. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu phân tích : "TPP mở ra cho Việt Nam - là 1 trong số 12 thành viên của TPP, cơ hội rất lớn để hội nhập vào kinh tế toàn cầu. Mục tiêu là hội nhập nhưng thật sự để hội nhập, để tiến tới điều đó thì nền kinh tế Việt Nam sẽ phải thay đổi rất nhiều về thể chế, cơ cấu, hành chính,…

Đối với Mỹ, thật ra nền kinh tế của Mỹ từ hàng chục năm nay là nơi tiêu thụ hàng hóa thế giới. Với TPP, chắc chắn là hàng hóa nước ngoài sẽ đổ nhiều hơn vào Mỹ, Mỹ là cường quốc đủ khả năng để tiêu thụ hàng hóa của thế giới. Tuy nhiên, sẽ có ảnh hưởng đến thị trường nội địa của Mỹ, chính vì vậy mà các chính trị gia Quốc hội Mỹ cũng rất lo ngại là liệu TPP có tác động tiêu cực gì đến nền kinh tế Mỹ hay không. Trong thời gian 20 năm vừa qua, một số ngành sản xuất trước kia Mỹ đưa ra Trung Quốc và các nước Á Châu, gần đây được đưa trở về Mỹ để tạo công việc làm cho người Mỹ và đem đến lợi ích cho nền kinh tế Mỹ.

Nói chung, Mỹ theo đuổi TPP này là với mục đích xoay trục ở châu Á- Thái Bình Dương tức là tái cân bằng. Điều này có hàm ý là thế lực của Trung Quốc hiện trong vùng Á châu rất mạnh. Và, để tái cân bằng lại, để có một sự quân bình về lực lượng bao gồm cả chính trị, xã hội, kinh tế, quân sự thì Mỹ đi vào TPP cũng nhằm tái cân bằng tại châu Á- Thái Bình Dương".

Ngay sau khi kết thúc đàm phán, Bộ trưởng Bộ Công Thương - Vũ Hoàng cho biết tiến trình thực hiện TPP tiếp theo đối với Việt Nam:

Vậy là sau 5 năm đàm phán căng thẳng, cuối cùng thì 12 nền kinh tế tham Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng thống nhất cho một tương lai mới không chỉ của các quốc gia trực tiếp trong TPP. Việt Nam cũng đang hòa chung niềm vui với thành quả đàm phán. Mặc dù vậy, đây lại là vấn đề không giản đơn, bởi có một điều chắc chắn: muốn hòa nhập được trên sân chơi TPP rộng lớn này, chúng ta rất chuẩn bị hàng trang cho mình một cách chuyên nghiệp, phù hợp xu thế chung của kinh tế thế giới, bởi đây là một sân chơi sòng phẳng và quyết liệt.