Tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka (OSE), giá cao su ngày 24/6/2021, lúc 13h00, kỳ hạn tháng 11/2021, tăng mạnh 2,6 JPY, tương đương 1,11% lên mức 236,7 JPY/kg.
Giá cao su tại Thượng Hải – Shanghai Futures Exchange (SHFE)
Giá cao su kỳ hạn tháng 10/2021 trên sàn Thượng Hải tăng mạnh 125 CNY, tương đương 0,97%, lên mức 13.065 CNY/tấn.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Thái Lan cho biết, 4 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu cao su của Thái Lan đạt 1,72 triệu tấn tăng 2% về lượng và tăng 21,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, xuất khẩu cao su sang Trung Quốc chiếm hơn 51% tổng lượng cao su xuất khẩu của Thái Lan trong 4 tháng đầu năm 2021, đạt 880.100 tấn, trị giá 41 tỷ Baht (tương đương với 1,31 tỷ USD), giảm 11,8% về lượng và giảm 1,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Cơ cấu thị trường xuất khẩu cao su tổng hợp của Thái Lan trong 4 tháng đầu năm 2021 có sự thay đổi khi tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc giảm mạnh, trong khi tỷ trọng xuất khẩu sang Nhật Bản, Malaysia, Việt Nam và Indonesia tăng.
Thu hoạch mủ cao su ở châu Á gặp khó khăn do trạng thiếu nhân lực, gây khan hiếm nguồn cung bởi đại dịch Covid-19.
Không chỉ tại Ấn Độ, làn sóng tái bùng phát dịch Covid-19 ở Thái Lan cũng đang diễn biến phức tạp. Sản lượng cao su tự nhiên trong quý II/2021 tại các nước Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ, Malaysia và Sri Lanka sẽ thấp hơn so với quý I/2021.
Nhu cầu của Trung Quốc chậm lại, giá cao su có thể giảm trong quý III?
Nguồn cung tăng theo yếu tố mùa vụ và nhu cầu tiêu thụ chậm lại tại Trung Quốc – nước tiêu thụ cao su lớn nhất thế giới được cho là yếu tố chính khiến giá cao su đi xuống trong hơn 1 tháng qua.
Tâm lý thị trường e ngại xu hướng này có thể tiếp tục diễn ra trong quý III năm nay.
So sánh với đầu năm nay, hiện giá cao su tại Thái Lan đang thấp hơn 1,8%, tại Nhật Bản giảm 6,9% và Trung Quốc giảm 5,9%.
Từ cuối tháng 5 đầu tháng 6, các nhà cung cấp cao su lớn như Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Indonesia và các nước sản xuất cao su khác đã bước vào thời kỳ tăng sản lượng, nhưng nguồn cung chưa tăng mạnh do diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 trong khu vực.
Finance.sina trích dẫn số liệu thống kê sơ bộ của Hiệp hội các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC) cho thấy, trong tháng 5 tổng sản lượng cao su tự nhiên toàn cầu đạt xấp xỉ 834,2 nghìn tấn, tăng 5,5% so với tháng trước và tăng 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế 5 tháng đầu năm, tổng sản lượng cao su tự nhiên toàn cầu đạt 4, triệu tấn, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cũng theo báo cáo hàng tháng của ANRPC, cơ quan này dự báo sản lượng cao su tự nhiên toàn cầu năm 2021 sẽ tăng trưởng 5,8% so với năm 2020, đạt 13,8 triệu tấn; trong khi nhu cầu cao su thế giới ước tính tăng 6,7% lên 13,6 triệu tấn.
Triển vọng sửa đổi này đã dự báo một thị trường cao su tự nhiên tương đối cân bằng trong những tháng còn lại của năm nay.
Tuy nhiên, ANRPC cũng lưu ý rằng bất chấp sự phục hồi sau đại dịch được dẫn dắt bởi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Trung Quốc và Mỹ, việc kiểm soát đại dịch để đảm bảo tỷ lệ lây nhiễm thấp vẫn là chìa khóa để phục hồi cho tất cả các quốc gia.
Các ca lây nhiễm cao kỷ lục hàng ngày ở một số nước ASEAN được cho là tác động gián tiếp đến ngành cao su qua các biện pháp hạn chế khác nhau để ngăn chặn đại dịch COVID-19.
Hiện nay số ngày quay vòng hàng tồn kho của các công ty săm lốp Trung Quốc đều ở mức cao, mức tồn kho của săm lốp toàn thép đang cao hơn đáng kể so với mức lịch sử của 2 năm trước đó.