Giá thép thế giới giảm
Giá thép ngày 17/2, giao tháng 5/2022 trên Sàn giao dịch Thượng Hải giảm 65 nhân dân tệ xuống mức 4.715 nhân dân tệ/tấn tại thời điểm khảo sát vào lúc 9h50 (giờ Việt Nam).
Bảng giá giao dịch tương lai của một số kim loại trên Sàn Thượng Hải (Đơn vị: nhân dân tệ/tấn)
Giá thép không gỉ tại Châu Á đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 3 tháng do chi phí sản xuất tăng cao và lạc quan về triển vọng nhu cầu. Trái lại, giá quặng sắt tiếp tục chịu áp lực giảm bởi Bắc Kinh không ngừng nỗ lực ngăn chặt bất kỳ diễn biến bất thường nào trên thị trường.
Vào hôm thứ Tư (16/2), giá thép không gỉ kỳ hạn của Trung Quốc đã tăng lên mức cao nhất trong hơn ba tháng qua, Reuters đưa tin.
Nguyên nhân là thúc đẩy bởi chi phí đầu vào cao và sự lạc quan về nhu cầu, trong khi quặng sắt vẫn bị áp lực bởi những nỗ lực bền vững của Bắc Kinh nhằm ngăn chặn bất kỳ sự bất thường nào của thị trường.
Theo đó, giá thép không gỉ SHSScv1 giao tháng 3/2022, được giao dịch nhiều nhất trên Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải (SHFE), tăng 3,7% lên mức 19.355 nhân dân tệ/tấn (tương đương 3.052,45 USD/tấn).
Đây là mức cao nhất theo ghi nhận kể từ ngày 27/10/2021.
Kể từ đầu năm nay, giá thép không gỉ trên Sàn SHFE đã tăng 12%, vượt trội so với các mặt hàng khác trong khối phức hợp kim loại đen hàng đầu của Trung Quốc.
Sự gia tăng này xuất phát từ việc giá niken - nguyên liệu chính trong sản xuất thép không gỉ, tăng trong bối cảnh thị trường tồn tại những lo ngại về sự thắt chặt nguồn cung.
Các nhà phân tích của Huatai Futures cho biết, nhu cầu bổ sung từ các doanh nghiệp hạ nguồn Trung Quốc sau Lễ hội mùa Xuân tháng này dự kiến sẽ hỗ trợ giá thép không gỉ.
Song song đó, tình trạng nguồn cung quặng niken theo mùa khan hiếm từ Philippines, nơi cung cấp nguyên liệu lớn nhất của Trung Quốc, cũng là yếu tố hỗ trợ giá niken.
Ngược lại, hợp đồng quặng sắt giao tháng 5/2022, được giao dịch sôi động nhất trên Sàn DCE của Trung Quốc, giảm thêm 4,4%, ghi nhận mức 696 nhân dân tệ/tấn - thấp nhất kể từ ngày 18/1.
Trong hôm nay (17/2), các nhà quản lý Trung Quốc sẽ gặp gỡ các nhà giao dịch quặng sắt trong nỗ lực đảm bảo sự ổn định của thị trường. Theo đó, giá quặng sắt DCE đã giảm 16% kể từ khi đạt mức đỉnh trong hơn 5 tháng vào tuần trước.
Quặng sắt kỳ hạn tháng 3 tại Singapore tăng 3,1% lên 140,15 USD/tấn.
Giá thép xây dựng Việt Nam cao nhất 17,8 triệu đồng/tấn, tiến gần tới đỉnh năm 2021
Giá thép xây dựng ngày 16/2 vẫn duy trì ở mức cao sau khi các thương hiệu thép lớn trong nước đồng loạt điều chỉnh giá thép vào hôm qua, theo số liệu của Steel Online.
Cụ thể, giá thép cuộn CB240 tăng 300 – 550 đồng/kg, dao động 16.900 – 17.600 đồng/kg; giá thép thanh D10 CB300 tăng 250 – 610 đồng/kg, dao động 17.020 – 17.810 đồng/kg.
Đáng chú ý, thương hiệu thép Ponima có mức tăng cao nhất, dòng thép cuộn CB240 tăng 550 đồng/kg, lên mức 17.600 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 tăng 610 đồng/kg, hiện có giá 17.810 đồng/kg.
Bên cạnh đó, các thương hiệu thép lớn khác như Hòa Phát, Thép miền Nam, Việt Mỹ cũng có mức tăng đáng kể.
Cụ thể, thép miền Nam cũng điều chỉnh tăng 410 đồng/kg sản phẩm thép cuộn CB240, lên mức 17.210 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 tăng 360 đồng/kg, lên mức 17.460 đồng/kg.
Tương tự, thương hiệu Hòa Phát đồng loạt tăng giá thép xây dựng 300 đồng/kg. Tại miền Bắc và miền Nam, giá thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300 lần lượt ở mức 17.020 đồng/kg và 17.120 đồng/kg.
Còn tại miền Trung, thép cuộn CB240 có giá 17.070 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 khoảng 17.220 đồng/kg.
Như vậy, sau đợt tăng này, giá thép xây dựng của nhiều thương hiệu đang gần tới đỉnh năm 2021. Trong năm 2021, có thời điểm giá thép xây dựng của Hòa Phát đạt khoảng 18.000 đồng/kg
Năm 2021 chứng kiến cuộc bùng nổ giá thép xây dựng khi bứt phá từ đáy 14.800 đồng/kg lên đỉnh 17.200 đồng/kg. So với trung bình năm 2020, giá thép xây dựng năm 2021 tăng gần 20%.
Động thái tăng giá thép của các doanh nghiệp gần đây là do giá thép thế giới từ đầu năm 2022 tăng mạnh trở lại, theo báo Người Lao động.
Việc hàng loạt công trình, dự án đồng loạt khởi động từ cuối năm 2021 đến nay, khiến nhu cầu thép xây dựng tăng cao cũng ảnh hưởng đến giá thép trong nước.
Các chuyên gia dự báo giá thép sẽ tiếp tục tăng, ít nhất là trong nửa đầu năm 2022 khi nhiều dự án bất động sản tái khởi động.
Ngoài ra, năm 2022 có nhiều dự án đầu tư công quy mô lớn triển khai như các tuyến cao tốc Bắc - Nam, các tuyến đường vành đai, sân bay quốc tế Long Thành... cũng sẽ đưa lượng tiêu thụ thép tăng mạnh.