Giá thép thế giới tiếp tục đi lên
Giá thép hôm nay giao tháng 1/2022 trên Sàn giao dịch Thượng Hải tăng 47 nhân dân tệ lên mức 4.218 nhân dân tệ/tấn tại thời điểm khảo sát vào lúc 8h30 (giờ Việt Nam).
Bảng giá giao dịch tương lai của một số kim loại trên Sàn Thượng Hải (Đơn vị: nhân dân tệ/tấn)
Giá quặng sắt tại Trung Quốc giảm phiên thứ 4 liên tiếp, do tồn trữ nguyên liệu này tại các cảng đạt mức cao nhất 31 tháng, một phần do nhu cầu tại nước sản xuất thép hàng đầu thế giới giảm.
Đồng thời, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 12/2021 trên sàn Singapore giảm 0,5% xuống 88,65 USD/tấn, sau khi tăng 1,2% trong phiên trước đó.
Giá quặng sắt 62% Fe giao ngay sang Trung Quốc đạt 91 USD/tấn – gần mức thấp nhất 18 tháng (90 USD/tấn) trong phiên trước đó.
Tồn trữ quặng sắt nhập khẩu tại các cảng của Trung Quốc trong tuần trước tăng lên 147,6 triệu tấn – cao nhất kể từ tháng 4/2019, công ty tư vấn SteelHome cho biết.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2022 trên sàn Đại Liên giảm 1% xuống 538,5 CNY (84,33 USD)/tấn.
Theo Hiệp hội Sắt Thép Trung Quốc (CISA), sản lượng thép thô hàng ngày của Trung Quốc vào đầu tháng 11 thấp hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng nhỉnh hơn so với mức trung bình của tháng 10.
Các nguồn tin trong ngành dự kiến, sản lượng thép của Trung Quốc từ tháng 11 đến tháng 12 sẽ duy trì ở mức thấp, và có thể sẽ phục hồi vào đầu năm 2022 sau khi các nhà sản xuất thép hoàn thành việc cắt giảm sản lượng bắt buộc vào cuối tháng 12.
CISA ước tính, sản lượng thép thô hàng ngày của Trung Quốc từ ngày 1/11 đến ngày 10/11 đạt trung bình 2,343 triệu tấn/ngày, tăng 1,5% so với tháng 10 nhưng vẫn là mức thấp thứ hai kể từ tháng 3/2018.
Bên cạnh nhu cầu thép yếu, yêu cầu bắt buộc của Trung Quốc để duy trì sản lượng thép năm 2021 trong mức năm 2020 là nguyên nhân chính dẫn đến sản lượng thép ở mức thấp.
Các nhà máy thép ở miền Bắc Trung Quốc, đặc biệt là ở tỉnh Hà Bắc, sẽ tiếp tục cắt giảm sản lượng thép mùa Đông từ tháng 1/2022 đến tháng 3/2022. Trong khi đó, các khu vực khác của Trung Quốc có thể được phép tăng sản lượng lên ít nhất mức của một năm trước.
Theo các nguồn tin, tính đến giữa tháng 11, tỷ lệ sử dụng lò cao trung bình ở các thành phố Đường Sơn và Hàm Đan của tỉnh Hà Bắc, hai trung tâm sản xuất thép lớn ở Trung Quốc, lần lượt ở mức dưới 65% và 70%.
Trong khi đó, lo ngại về tình trạng dư cung đã xuất hiện trong bối cảnh nhu cầu của người dùng cuối cùng dự kiến sẽ giảm xuống trong quý I năm 2022, S&P Global Platts đưa tin.
Kim ngạch xuất khẩu sắt thép 10 tháng năm 2021 tăng 132%
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 10/2021 là tháng thứ tư liên tiếp có trị giá xuất khẩu sắt thép các loại đạt trên 1 tỷ USD. Trong đó, các doanh nghiệp trong nước có mức răng tốt hơn các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Theo đó, trong tháng 10, xuất khẩu sắt thép các loại đạt 1,22 triệu tấn với trị giá 1,23 tỷ USD. Lũy kế 10 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đạt 11,07 triệu tấn, trị giá 9,65 tỷ USD, tăng 39,6% về lượng và tăng 132,1% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Đây cũng là nhóm hàng có tốc độ tăng cao nhất trong 10 tháng/2021 trong các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Theo Tổng cục Hải quan, các doanh nghiệp trong nước có mức xuất khẩu nhóm hàng này khá cao trong ba tháng gần đây. Tính chung 10 tháng đầu năm 2021, khối doanh nghiệp này xuất khẩu gần 7 triệu tấn sắt thép các loại, tăng 48% so với cùng kỳ năm trước với trị giá là 6,01 tỷ USD, chiếm 62% trị giá xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước, tăng 149%, tương ứng tăng 3,6 tỷ USD.
Các doanh nghiệp FDI xuất khẩu nhóm hàng này trong 10 tháng đạt 4,11 triệu tấn, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2020, trị giá là 3,64 tỷ USD, tăng 109%, tương ứng tăng gần 1,9 tỷ USD.
Về thị trường xuất khẩu sắt thép các loại trong 10 tháng qua vẫn chủ yếu sang các thị trường chính như ASEAN đạt 3,19 triệu tấn, giảm 7%; sang Trung Quốc đạt 2,45 triệu tấn, giảm 15,1%; sang EU đạt 1,53 triệu tấn, tăng gấp 8 lần; sang Hoa Kỳ đạt 775 nghìn tấn, tăng 5 lần so với cùng kỳ năm trước.