Hệ thống cảng biển, động lực cho kinh tế thành phố

(VOH) - Năm 2014, tổng sản lượng hàng hóa qua hệ thống cảng đạt 109 triệu tấn, vượt cả kế hoạch năm 2015 (100 triệu tấn) mà Thành phố đặt ra .

TPHCM với lợi thế nhiều sông ngòi, giao thương các tuyến hàng hải sẽ là động lực phát triển kinh tế - Ảnh: Kienviet.

Từ Soài Rạp…

Dự án nạo vét luồng Soài Rạp, giai đoạn 2 hoàn thành và đưa vào khai thác. Khơi thông Soài Rạp giúp chi phí vận hành của cảng giảm đáng kể, tăng hiệu quả trung chuyển của cụm cảng Hiệp Phước. Theo Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân, luồng Soài Rạp đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển dịch vụ cảng biển - logicstic, phù hợp với chủ trương phát triển về phía Nam, tiến ra biển, phát huy thế mạnh đặc thù sông nước. Mặt khác, việc tàu trọng tải lớn có thể lấy hàng tại cảng Hiệp Phước sẽ tạo điều kiện di dời các cảng sông Sài Gòn ra khỏi nội thành nhanh hơn, góp phần giảm ùn tắc giao thông, tạo điều kiện phát triển khu đô thị cảng Hiệp Phước, hiện thực hóa chiến lược phát triển kinh tế xã hội hướng ra biển Đông của TP, vùng đồng bằng Nam Bộ, Tây Nguyên đã được Thủ tướng phê Duyệt.

Chủ tịch Lê Hoàng Quân cho hay: “Chúng ta là trung tâm giao thông của quốc gia, kết nối với hệ thống giao thông đi Đồng bằng sông cửu Long, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, miền Bắc và đó là một động lực để chúng ta phát triển kinh tế TP trong thời gian tới”

Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định, TPHCM là một trung tâm hàng hải lớn của Việt Nam do vậy cần thiết mau chóng đầu tư cảng biển để phát huy thế mạnh của TP đối với vùng Nam Bộ nói riêng và cả nước nói chung. Đề nghị các Bộ ngành liên quan tiếp tục hỗ trợ thành phố phát triển hạ tầng giao thông kết nối cảng biển giữa khu vực và TP, ứng dụng và phát triển công nghệ vận tải tiên tiến trong đó chú trọng phát triển các hình thức vận tải đa phương thức.

Hàng hóa cập cảng Tân Cảng - Hiệp Phước - Ảnh:BaoHaiiquan.

…đến hệ thống cảng biển hiện đại tương lai

Theo quy hoạch hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến 2030 của Chính phủ, cảng TPHCM thuộc nhóm số 5 (Đông Nam Bộ) là cảng tổng hợp quốc gia đầu mối khu vực (loại 1), gồm các khu bến chức năng chính là Hiệp Phước (trên sông Soài Rạp) và Cát Lái (trên sông Đồng Nai). Dự tính lượng hàng qua cảng biển nhóm 5 đạt 185-200 triệu tấn/năm (năm 2015), 265-305 triệu tấn/năm vào năm 2020, 495-650 triệu tấn/năm vào năm 2030.

Lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải TP cho biết, thực hiện quy hoạch nói trên, TPHCM có 5 cảng trên sông Sài Gòn phải di dời, chuyển đổi công năng là Tân Cảng Sài Gòn, Nhà máy đóng tàu Ba Son, Khu Nhà Rồng-Khánh Hội, Cảng Rau Quả, Cảng Tân Thuận Đông. Việc di dời, chuyển đổi công năng cơ bản hoàn tất.

Phát huy thế mạnh kinh tế biển, TPHCM đang triển khai dự án phức hợp Khu công nghiệp, đô thị Cảng Hiệp Phước (quy hoạch 2.000 ha). Tương lai, đây sẽ là khu công nghiệp - khu đô thị lớn nhất TP nằm bên sông Soài Rạp - luồng tàu rộng nhất và ngắn nhất phía Nam có thể đón tàu tải trọng từ 50.000-70.000 tấn từ Biển Đông vào hệ thống cụm cảng Khu công nghiệp Hiệp Phước; từ đó qua sông Vàm Cỏ, kênh Nước Mặn xuôi về Đồng bằng sông Cửu Long hoặc ngược lên thượng nguồn qua sông Sài Gòn và sông Đồng Nai tiếp cận với vùng công nghiệp miền Đông Nam Bộ, rút ngắn cự lý và thời gian vận chuyển, tiết kiệm chi phí và tăng cường trao đổi hàng hóa giữa các vùng.

Cùng với đó, dự án Tân Cảng Hiệp Phước nằm ở thượng lưu sông Soài Rạp giai đoạn 2 vừa được khánh thành. Cảng Tân cảng Hiệp Phước có vị trí chiến lược vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của TPHCM và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Cảng Tân cảng Hiệp Phước có thể tiếp nhận tàu có trọng tải lên đến 70.000 tấn. Do vậy, đây là một hệ thống cảng có vai trò quan trọng trong giao thương hàng hóa với các nước.

Ông Ngô Minh Tuấn, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn nhìn nhận: “Đây là vị trí chiến lược khai thác cảng của TPHCM nói riêng và cả nước nói chung. Việc khai thác cảng Hiệp Phước giúp khai thác hàng hóa của khu vực cũng như góp phần giảm ùn ứ hàng hóa trong đợt cao điểm”. Theo vị lãnh đạo Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, đến thời điểm này, lượng hàng hóa thông qua khu vực đã đạt khoảng 45 triệu tấn (mục tiêu đề ra cho cả năm 2015 là 46,6 triệu tấn). Với quy mô, nhu cầu càng tăng, mới đây công ty lên kế hoạch mở rộng cảng Cát Lái. Ông Ngô Trọng Phàn, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cho hay: “Kế hoạch dự kiến năm 2015 của Tân Cảng là 5.796.000 teu. Trong 5 năm tới sẽ tăng thêm khoảng 3.000.000 teu, bình quân tăng 700.000 teu/năm nên việc phát triển cảng cũng như logistic, giao thông là nhu cầu cần đặt ra”.

Ngoài các cảng quy mô lớn vừa nêu, Thành phố đang đầu tư xây dựng Cảng Tổng hợp quốc tế Phú Hữu. Cảng Bến Nghé Phú Hữu được đưa vào khai thác giai đoạn 1 và đang được Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cảng Bến Nghé và Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn tiếp tục đầu tư.

Đường vào Cảng Hiệp Phước - Ảnh: SGT.

Song song với việc đầu tư phát triển hệ thống cảng biển ở khu vực Cát Lái (quận 2) và khu vực Hiệp Phước (huyện Nhà Bè), Thành phố chú trọng đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông kết nối nhằm phát huy hiệu quả khai thác các cảng biển. Đó là tuyến vành đai 2 kết nối với cảng Hiệp Phước qua trục Bắc-Nam tại quận 7, tuyến vành đai 3 kết nối với tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây, cao tốc Bến Lức-Long Thành (đang xây dựng), tuyến vành đai 4 kết nối Khu công nghiệp Hiệp Phước từ phía hạ lưu sông Soài Rạp, tạo tiền đề vững chắc để TP thực hiện chiến lược tiến ra "biển lớn" của mình.

Bình luận